Kính chào các quí vị đại biểu.
Như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nói Diễn đàn ngày hôm nay đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ đối tác phát triển của chúng ta. Tôi cũng xin phép Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được bày tỏ sự biết ơn chân thành của tôi tới cá nhân Ngài Thủ tướng và Chính phủ của Ngài về sự hợp tác mạnh mẽ với các đối tác phát triển để có thể tạo ra được phương thức đối thoại cao cấp mới này.
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tổ chức sự kiện này để chúng ta có thể gặp gỡ và trao đổi hôm nay tại đây. Tôi xin cảm ơn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và các cán bộ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng như các Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ ban ngành khác về công tác chuẩn bị chu đáo cho Diễn đàn. Và tôi cũng cảm ơn các đồng nghiệp tại các cơ quan phát triển, nhất là của Ôx-trây-lia, Đức, Ai-len, Nhật, ADB, và Liên hợp quốc—những người đã tích cực thực hiện các cuộc thảo luận kỹ thuật với các đồng nhiệm tại các cơ quan chính phủ trong hai tháng qua.
Chúng ta tin tưởng rằng VDPF sẽ tăng cường mối quan hệ đối tác thông qua đối thoại chuyên sâu và qua đó tìm ra các hành động cụ thể mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện giúp Việt Nam thành công với tư cách một nước thu nhập trung bình. Trách nhiệm của tất cả chúng ta hôm nay, bao gồm cả Chính phủ, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước là phải thực hiện thành công diễn đàn VDPF này. Tôi đề nghị TẤT CẢ chúng ta tích cực tham gia với tinh thần tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau nhằm đạt mục đích đặt ra—trao đổi đi vào chiều sâu, tập trung vào hành động hơn nữa và xem xét vấn đề một cách toàn diện hơn nữa.
Thưa Ngài Thủ tướng, chúng tôi đặc biệt mong đợi được trao đổi với Ngài trong buổi sáng hôm này. Đây là cơ hội hiếm có để có thể trao đổi với Ngài về một loạt các vấn đề chiến lược. Rất cảm ơn Ngài về sự trao đổi cởi mở và hi vọng Ngài cũng sẽ thấy bổ ích.
Trước hết tôi muốn dành một vài phút để chia sẻ với các quí vị đại biểu một tin vui rất đáng biểu dương. Ngày hôm qua kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế của OECD (PISA) đã được công bố. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia đánh giá PISA. PISA đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức và kỹ năng cần thiết trong xã hội hiện đại của các học sinh 15 tuổi. Đánh giá tập trung vào khả năng đọc, toán, khoa học và kỹ năng giải quyết vấn đề chứ không chỉ đánh giá khả năng nhớ bài; đánh giá cũng xem xét khả năng suy diễn từ kiến thức đã học và áp dụng vào các hoàn cảnh mới, không quen thuộc trong môi trường bên trong và ngoài trường học. Cách tiếp cận này phản ánh cách thức mà xã hội hiện đại trả công cho mỗi cá nhân, không dựa trên những gì anh ta biết mà dựa trên những gì anh ta có thể làm được với kiến thức đó. Các học sinh 15 tuổi được lựa chọn phản ánh mẫu đại diện cho Việt Nam đã cho kết quả cao trong tất cả các bài trắc nghiệm kể cả toán, đọc, khoa học—tất cả đều trên mức trung bình của OECD. Việt Nam xếp thứ 17 trên 65 mước tham gia, trên cả Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Pháp, Ôx-trây-lia và Niu Dilân. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho sự phát triển lâu dài của Việt Nam. Xin được chúc mừng các học sinh và thày cô giáo của Việt Nam, cũng như chúc mừng Bộ GD-ĐT, Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan trong ngành giáo dục.
Năm nay là năm trung kỳ của giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2016. Đánh giá tiến độ của Chính phủ đã cho thấy Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và động lực cơ bản của nó vẫn rất phù hợp. Việt Nam cần tạo ra một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hơn nữa, trong đó bao gồm các thể chế thị trường lành mạnh nhằm khôi phục tăng trưởng đồng thời dịch chuyển nền kinh tế lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị; cần có các cách thức và chính sách phát triển mới nhằm giảm nghèo, giải quyết vấn đề dễ bị tổn thương và bất bình đẳng đang gia tăng để cuối cùng xây dựng được một xã hội toàn diện hơn; và tăng trưởng và phát triển phải thân thiện với môi trường. Đây là những chủ đề trong giai đoạn còn lại của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội sẽ mang ra trao đổi tại Diễn đàn, đó là Năng lực cạnh tranh, Phát triển toàn diện và Tính bền vững.
Trong khi chúng ta đang họp ngày hôm nay thì nền kinh tế thế giới đã ổn định hơn thời điểm chúng ta nhóm họp lần trước nhưng quá trình hồi phục vẫn còn chậm. Tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó bao gồm vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, là vấn đề cơ bản nếu Việt Nam muốn tận dụng tối đa đà phục hồi toàn cầu và từ quá trình hòa nhập kinh tế trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP, EU và trong khuôn khổ các hiệp định thương mại song phương khác.
Nói về nền kinh tế trong nước, chúng tôi chúc mừng Chính phủ đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng tôi cũng nhận thấy những tiến bộ đã đạt được qua các văn bản pháp luật mới được thông qua gần đây như: sửa đổi Hiến pháp, Luật đất đai, Luật Đấu thầu, v.v.
Nhưng tăng trưởng vẫn còn chậm chạp. Tác động của khu vực đầu tư nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã bị giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp và do khu vực kinh tế quốc doanh còn trì trệ. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính và ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế. Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính sẽ giúp khôi phục năng lực cạnh tranh và tăng trưởng về lâu dài. Tạo sự minh bạch và tăng cường quản trị doanh nghiệp trong cả hai khu vực nói trên sẽ nhanh chóng mang lại kết quả thông qua thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi và thực hiện cổ phần hóa.
Tăng cường kỹ năng cho người lao động cũng là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng tôi hoan nghênh Nghị quyết của Đảng Cộng Sản Việt Nam về cải cách giáo dục toàn diện và mong muốn đóng góp hỗ trợ vào công tác triển khai. Cụ thể, cần tìm cách giúp người lao động phát triển kỹ năng nhận thức và phát triển hành vi mà chủ lao động đang cần. Cũng cần tăng cường kỹ năng thực hành thông qua đổi mới công tác đào tạo nghề và tăng cường liên kết giữa các trường dạy nghề và doanh nghiệp.
Trong 20 năm qua Việt Nam đã thực hiện thành công giảm nghèo nhưng con số cho thấy vẫn còn 19 triệu người nghèo, trong đó 75% đối tượng cực nghèo là người thiểu số. Ngoài ra, vẫn còn nhiều người thuộc nhóm gần ngưỡng nghèo và luôn có nguy cơ bị rơi trở lại nhóm nghèo. Trong vài năm gần đây, bất bình đẳng đã tăng nhẹ. Trong khi thu nhập tăng trong tất cả các nhóm thì mức thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu nhất so với thu nhập của nhóm 20% nghèo nhất đã tăng từ 7 lần lên 8.5 lần trong giai đoạn 2004 – 2010. Bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ xã hội cũng đáng quan ngại. Ví dụ, mặc dù phạm vi bảo hiểm y tế đã tăng và đã đạt tiến bộ trong thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, sự cách biệt về tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh giữa các địa phương cao nhất (Điện Biên) và thấp nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn là 5 lần; và sự khác biệt về tỉ lệ đó giữa nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số là 3 lần. Sự bất bình đẳng về kinh tế và tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu tác động qua lại lẫn nhau.
Khu vực tư nhân có thể đóng một vai trò lớn hơn nữa trong cung cấp dịch vụ xã hội. Ngoài việc bổ sung cho nguồn lực công còn hạn chế sự, tham gia của khu vực tư nhân cũng mang lại các lợi ích dễ thấy khác như khả năng cung cấp dịch vụ cho các cộng đồng nghèo, khả năng cung ứng bền vững, tăng cường mức độ tin cậy dịch vụ và tăng cường hiệu quả.
Ô nhiễm và các hình thức suy thoái môi trường khác là nguy cơ đối với nguồn lực cần thiết cho phát triển kinh tế tương lai và làm tăng gánh nặng y tế tại Việt Nam. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý môi trường. Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm theo đuổi phát triển xanh và hàm lượng các-bon thấp thông qua việc phê chuẩn chiến lược biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, và phê chuẩn Nghị quyết của Đảng về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và môi trường. Điều cần làm hiện nay là phối hợp hành động tốt hơn nữa trong công tác nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, và đặt ra mục tiêu giảm nhẹ khí thải nhà kính. Chính phủ cần tiếp tục chương trình cải cách nhằm hỗ trợ các mục tiêu quốc gia ưu tiên về khí hậu và tăng trưởng xanh đồng thời gấp rút hành động hướng tới các mục tiêu giảm hàm lượng các-bon, xây dựng chiến lược thích ứng lồng ghép tại các vùng dễ bị tổn thương, ví dụ các vùng đô thị duyên hải và đồng bằng sông Cửu long. Muốn đạt các mục tiêu này thì phải phối hợp tốt các mục tiêu ưu tiên trong qui trình lập kế hoạch và dự trù ngân sách, và cần tập trung vào theo dõi kết quả và tác động.
Hi vọng phiên thảo luận sáng hôm nay sẽ giúp chúng ta tìm ra một hoặc hai hành động cụ thể tiếp theo và đề ra định hướng cho các nhóm công tác kỹ thuật thảo luận tiếp nhằm đề ra các hành động chi tiết. Chúng ta hi vọng Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ quyết liệt theo dõi tiến độ thực hiện các hành động tiếp theo sau Diễn đàn và vui mừng chờ đón một báo cáo tiến độ vào khoảng giữa năm. Đến khi đó chúng ta sẽ thống nhất chủ đề thảo luận trong diễn đàn lần sau. Hi vọng với tinh thần Diễn dàn lần này chúng ta sẽ tập trung vào hành động của mình, đồng thời lắng nghe ý kiến của các đối tác khác.
Tôi rất hi vọng vào một buổi làm việc hiệu quả của Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam và chúc Diễn đàn cũng như tất cả chúng ta thành công.