Skip to Main Navigation

Tổng Quan về Việt Nam

Việt Nam là một câu chuyện thành công phát triển vượt bậc. Những cải cách kinh tế kể từ Đổi Mới năm 1986, kết hợp với các xu hướng toàn cầu thuận lợi, đã giúp chuyển đổi Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nền kinh tế thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. GDP thực bình quân đầu người đã tăng từ dưới 700 USD năm 1986 lên gần 4.500 USD vào năm 2023 (theo đô la không đổi năm 2023), và tỉ lệ dân số sống dưới mức 3,65 USD/ngày (theo sức mua tương đương năm 2017) đã giảm mạnh từ 14% năm 2010 xuống dưới 4% vào năm 2023. GDP tăng trưởng 7,1% trong năm 2024. Dự báo tốc độ này sẽ giảm xuống còn 5,8% vào năm 2025 do sự gia tăng bất ổn trong chính sách thương mại, trước khi phục hồi nhẹ lên 6,1% vào năm 2026.

Các kết quả về y tế và mức sống đã được cải thiện đáng kể trong 30 năm qua. Tỉ suất tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 32,6 trên 1.000 ca sinh sống năm 1993 xuống còn 12,1 vào năm 2023, và tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 tuổi năm 1990 lên 74,5 tuổi vào năm 2023. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam tăng từ 31 năm 2000 lên 68 vào năm 2021, tương đương với mức trung bình toàn cầu. Tính đến năm 2023, 93% dân số tham gia chương trình bảo hiểm y tế quốc gia.

Việt Nam đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học vào đầu những năm 2000, với tỉ lệ nhập học  trên 98%. Tỉ lệ nhập học trung học cơ sở đạt 95% và trung học phổ thông đạt 80% vào năm 2024. Số năm đi học điều chỉnh theo chất lượng học tập của Việt Nam trung bình là 10,2 năm, chỉ đứng sau Singapore trong khối ASEAN, và chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam cao nhất trong nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức. Tỉ lệ nhập học trong độ tuổi sau phổ thông chỉ đạt 30–35%, với năng lực hạn chế, chất lượng không đồng đều và sự thiếu phù hợp về kỹ năng với nhu cầu của thị trường lao động. Trong khi các trường đại học hàng đầu đã có những cải thiện, các cơ sở giáo dục nhỏ hơn phải đối mặt với chương trình giảng dạy lỗi thời và nguồn lực hạn chế.

Tiếp cận các dịch vụ cơ sở hạ tầng đã tăng lên đáng kể. Tính đến năm 2019, gần 100% dân số sử dụng điện làm nguồn chiếu sáng chính, tăng từ chỉ 14% vào năm 1993. Tiếp cận nước sạch ở khu vực nông thôn cũng được cải thiện, tăng từ 17% năm 1993 lên 51% vào năm 2020.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người cần đạt khoảng 6% hàng năm trong 20 năm tới, điều này sẽ giúp tăng hơn gấp ba lần thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng theo hướng xanh hơn và bao trùm hơn. Tại COP27, Việt Nam đã cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan, chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050.

Một số xu hướng lớn đang định hình tương lai của Việt Nam. Dân số đang già hóa nhanh chóng, thương mại toàn cầu suy giảm, tự động hóa gia tăng, suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng và biến đổi khí hậu đang đặt ra mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết. Để giải quyết những thách thức này, Việt Nam cần cải thiện việc thực thi chính sách, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, môi trường, chuyển đổi số, giảm nghèo, an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng carbon thấp. Thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và theo đuổi chiến lược tăng trưởng hướng nền kinh tế tránh xa sản xuất thâm dụng carbon sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu đồng thời mở rộng GDP để đạt được vị thế quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Lần cập nhật gần nhất: 13 Tháng 5 Năm 2025

Chuyên đề

Thông tin thêm

Liên hệ văn phòng quốc gia

Hà Nội, +84.2439346600
Tầng 8, Tòa nhà 63 Lý Thái Tổ, Hà Nội, Việt Nam.
Washington, +1 202-473-4709
1818 H Street NW, Washington, DC 20433