Skip to Main Navigation
Results Briefs10 Tháng 10 Năm 2023

Tăng cường cung cấp năng lượng các-bon thấp cho người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam

The World Bank

Lắp đặt cột thép đường dây 500kV Hiệp Hòa – Đông Anh. Ảnh: Văn Tiến Hùng /Ngân hàng Thế giới

Dự án này đã giúp ngành điện lực Việt Nam khử các-bon bằng cách nâng cao hiệu quả truyền tải điện, giảm số lượng nhu cầu chưa được đáp ứng, thúc đẩy sản xuất năng lượng các-bon thấp và giảm phát thải khí nhà kính.
“Dự án đảm bảo cung điện và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Dự án củng cố các trạm biến áp và đường dây truyền tải 500 kV quan trọng, nâng cao mức độ an toàn và tin cậy của hệ thống điện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nó giúp tăng cường kết nối lưới điện 220 kV giữa các vùng Bắc Trung bộ và Nam Trung Bộ, nâng cao hiệu suất hệ thống điện quốc gia và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo. Hợp phần lưới điện thông minh của dự án thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu điện trong tương lai.”
Ông Vũ Trần Nguyễn
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)

Thách thức

Khi dự án được phê duyệt năm 2014, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng nhiều năng lượng nhất ở Đông Á. Quốc gia này cần cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng về điện, đầu tư ngắn hạn vào truyền tải và giảm bớt những hạn chế trong việc truyền tải công suất tầm xa, đồng thời nâng cao năng lự vận hành lưới điện. Quy hoạch Điện 7 của Việt Nam được thông qua năm 2012 đã xác định nhu cầu đầu tư khoảng 800 triệu USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng mạng lưới truyền tải cho đến hết năm 2015 để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và giảm tình trạng quá tải cũng như giảm việc cắt điện có thể dẫn đến mất điện diện rộng làm ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Phương thức tiếp cận

Dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, hiệu quả và độ tin cậy của dịch vụ truyền tải điện tại 4 trung tâm kinh tế của Việt Nam: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung. Dự án tìm cách tăng cường hạ tầng truyền tải thông qua xây dựng hoặc cải tạo 20 đường dây truyền tải và trạm biến áp ở tất cả các cấp điện áp trong hệ thống truyền tải hiện có của Việt Nam. Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ (a) phát triển lưới điện thông minh bằng cách tài trợ cho việc hiện đại hóa thiết bị giám sát, điều khiển và bảo vệ ở 15 trạm biến áp 500 kV và 220 kV, và (b) nâng cấp hệ thống thông tin cho việc quản lý vận hành, quản lý thiết bị và thiết lập hệ thống dữ liệu và đo lường (55 triệu USD). Dự án cũng bao gồm các hoạt động nâng cao năng lực để hỗ trợ thực hiện hiệu quả cải cách ngành điện (15 triệu USD).

The World Bank

Trạm biến áp 500kV Tân Uyên khu vực TP.HCM. Ảnh: Văn Tiến Hùng /Ngân hàng Thế giới

Kết quả

Với vòng đời 20 năm, dự án đã nâng cao công suất, tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời đảm bảo cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ điện có độ tin cậy cao hơn cho cả cá nhân và doanh nghiệp.

  • Dự án tăng công suất truyền tải thêm 15% và nâng cao hiệu quả cũng như độ tin cậy truyền tải điện ở khu vực vùng Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Việc triển khai công nghệ lưới điện thông minh và Hệ thống quản lý tài sản bằng máy tính (AMS) đã giảm chi phí vận hành và bảo trì trung bình khoảng 20% trên mỗi mêgawatt - giờ năng lượng truyền tải, từ 0,83 USD năm 2015 xuống còn 0,67 USD vào năm 2021.
  • Thời gian xảy ra sự cố trung bình trên toàn hệ thống truyền tải tại Việt Nam đã giảm từ 76,2 phút năm 2013 xuống còn 15,4 phút năm 2021, giúp giảm số lượng nhu cầu điện chưa được đáp ứng và giảm chi phí phát điện.
  • Dự án tạo điều kiện để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo trên quy mô lớn hơn, giúp giảm khoảng 95.000 tấn phát thải khí nhà kính mỗi năm.

Đóng góp của Nhóm Ngân hàng Thế giới

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) đã cung cấp khoản vay 500 triệu USD. Phần còn lại trong tổng số 731 triệu USD cho dự án là từ nguồn vốn của EVN. IBRD cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu phân tích sâu rộng.

Đối tác

EVN thực thi dự án với hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ IBRD.

Triển vọng

Dự án cung cấp một chuẩn mực công nghệ cho việc nâng cao công suất, hiệu suất và độ tin cậy của hệ thống truyền tải điện tại Việt Nam. Trên cơ sở kinh nghiệm thu được từ quá trình thiết kế và thực hiện dự án này, EVN tiếp tục xác định các nhu cầu cải tiến và chủ động lên kế hoạch để tiếp tục nâng cấp, mở rộng mạng lưới.