Diễn văn và Bản ghi chép

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới

5 Tháng 12 Năm 2015


Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015 Hà Nội, Việt Nam

Bản chép lại

Thưa Thủ tướng, cảm ơn Ngài đã thay đổi lịch công tác và đến dự Diễn đàn này với chúng tôi hôm nay. Tôi cũng xin cảm ơn sự tham gia rất nhiệt tình của Ngài trong Diễn đàn cũng như những thông tin đã chia sẻ với chúng tôi về các mục tiêu phát triển sắp tới của Việt Nam. Qua đó, chúng ta thấy rằng các định hướng phát triển của Việt Nam và các ý kiến, khuyến nghị của các Đối tác Phát triển hoàn toàn thống nhất với nhau. Tôi cho rằng, trong thời gian sắp tới thách thức cơ bản đối với Việt Nam là triển khai những định hướng phát triển này—và chúng tôi, những Đối tác Phát triển sẵn sàng hỗ trợ trong quá trình đó.

Tôi xin phép điểm lại một số vấn đề chúng ta đã thảo luận buổi sáng hôm nay.

Thứ nhất, Việt Nam đã đạt thành tích tốt. Trong 5 năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Nhưng dù sao thách thức vẫn còn, và Ngài Thủ tướng cũng đã công nhận như vậy. Trong 5 năm tới Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội mang lại bởi các mục tiêu phát triển bền vững và các nỗ lực hội nhập sâu hơn nữa của chính Việt Nam. Trong những năm tới Việt Nam phải tạo được cơ sở để có thể tận dụng triệt để các cơ hội này.

Trong buổi sáng hôm nay, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về sự cần thiết phải tăng cường cải cách bởi những thành quả mà Việt Nam sẽ đạt được trong những năm tới sẽ phụ thuộc vào ước vọng và mức độ thành công trong việc thực hiện các biện pháp đổi mới này. Một số các biện pháp cải cách thực hiện trong khuôn khổ các hiệp định thương mại đã kí kết là sáng kiến của Chính phủ. Đó là các biện pháp cải cách mà Chính phủ đã cam kết thực hiện, dù đó là đổi mới doanh nghiệp nhà nước, hay đổi mới về đấu thấu, v.v. Đây là các biện pháp mà Chính phủ đã cam kết và muốn thực hiện. Các hiệp định thương mại mang lại cơ hội đẩy nhanh các biện pháp cải cách này và thực hiện chúng một cách nghiêm túc để từ đó tận dụng tối đa vận hội mới.

Chúng ta cũng đã bàn về năng lực cạnh tranh. Muốn tăng cường năng lực cạnh tranh thì một trong các biện pháp cần thực hiện là tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình, tiếp tục phòng chống tham nhũng, và cải cách hành chính công. Tất cả các biện pháp đó đều góp phần xây dựng thể chế thị trường hiện đại—một trụ cột cốt lõi trong kế hoạch 10 năm.

Các vấn đề liên quan đến sự tham gia của người dân—tạo điều kiện tham gia cho người dân, dựa vào dân, cho phép người dân đóng góp vào xây dựng chính sách, cho phép người dân tham gia giám sát và thực hiện chính sách—đây cũng là một chủ đề được bàn luận sổi nổi trong buổi sáng hôm nay.

Một vấn đề nữa là chương trình nghị sự về hòa nhập rộng rãi hơn nữa chương trình giảm nghèo còn đang thực hiện dang dở, nhất là giảm nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số, và mức độ tổn thương ngày càng tăng trong nhóm cận nghèo. Đây là những vấn đề mà Ngài Thủ tướng khẳng định có vai trò quan trọng trong cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2016.

Chúng ta cũng đã bàn về cách thức huy động nguồn lực tài trợ cho phát triển. Chúng ta đã nói về sự cần thiết phải sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn lực sẵn có, phải tăng cường huy động vốn trong nước, và như Ngài Thủ tướng đã chia sẻ một cách mạnh mẽ rằng tất cả những điều đó, ở một mức độ nhất định, phụ thuộc vào mức độ thành công trong đổi mới thể chế thị trường đã nêu ở trên. Trong số các biện pháp cải cách này bao gồm cải cách hành chính thu và nộp thuế. Tất cả các việc nêu trên phụ thuộc vào khả năng thu thuế trong nước.

Trong tương lai sự hỗ trợ của các Đối tác Phát triển dành cho Việt Nam sẽ kém ưu đãi hơn nên kinh phí cho các mục tiêu xã hội như giáo dục, y tế, an sinh xã hội sẽ phải cân nhắc kĩ càng hơn. Khuôn khổ tham gia vào các lĩnh vực này là gì? Có thể xây dựng một quá trình hay cách tiếp cận để đảm bảo rằng các lĩnh vực này không bị bỏ rơi? Sáng hôm nay chúng ta cũng đã ghi nhận một số đề xuất, kiến nghị về lĩnh vực này.

Chúng ta cũng đã bàn về các vấn đề liên quan đến dấu chân môi trường trong tăng trưởng, chương trình nghị sự về giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, và Ngài Thủ tướng cũng xác nhận quyết tâm và mong muốn làm nhiều hơn nữa.

Tôi tin rằng tất cả các Đối tác Phát triển đều ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam đạt nhiều kết quả hơn nữa trong quá trình thực hiện chính sách, thể chế, cơ chế để sự hỗ trợ của họ đạt hiệu quả cao nhất.

Chúng ta cũng đã bàn về sự cần thiết phải nâng cao kĩ năng. Học sinh Việt Nam có tài năng, rất nhiều tài năng. Vấn đề quan trọng là phải làm sao để hệ thống giáo dục cũng có thể phát huy được các tài năng đó ở các bậc đào tạo cao hơn, ví dụ bậc dạy nghề và đại học. Một hệ thống như vậy phải đảm bảo được rằng khi tài năng phát lộ ở lứa tuổi 15 thì tài năng đó cũng không bị mai một vào thời điểm học xong đại học. Và trong lĩnh vực này chúng tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ.

Tôi xin phép điểm lại một số kiến nghị cụ thể đã nêu trong Diễn đàn hôm nay:

(i)               Luật hiệp hội—cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của Chính phủ;

(ii)              Thoái vốn hoàn toàn khỏi nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Chính phủ đã công bố con số là 10 doanh nghiệp. Nếu thực hiện thêm 10, thậm chí 20 doanh nghiệp nữa sẽ thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực này;

(iii)            Có một ý kiến đề xuất thành lập một cơ quan trung ương về cải cách với nhiệm vụ phối hợp chương trình cải cách, xây dựng và theo dõi thực hiện chương trình cải cách—nhằm đảm bảo rằng công tác được điều phối và nhất quán tại cấp trung ương và giữa trung ương với địa phương;

(iv)            Một đề xuất cho rằng nên rà soát tổng thể tất cả các điều kiện kinh doanh nhằm đánh giá gánh nặng tuân thủ mà doanh nghiệp phải gánh chịu và tìm ra giải pháp phù hợp;

(v)             Về nguồn vốn, có ý kiến đề xuất Chính phủ nên rà soát cẩn thận mục tiêu đi vay trong 5 năm tới để xác định xem mức độ phù hợp của vốn ODA và các đối tác có thể huy động và hỗ trợ một cách phù hợp nhất;

(vi)            Chúng ta cũng đã bàn về tầm quan trọng của việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong quá trình phát triển của Việt Nam và lưu ý rằng rủi ro vẫn còn tồn tại;

(vii)           Vấn đề trung tâm của mọi cuộc thảo luận, và đây là một trong những vấn đề cơ bản mà tôi ghi nhận ở Diễn đàn này—đó là việc Chính phủ muốn đẩy nhanh tăng năng suất lao động nhằm duy trì tăng trưởng nhanh và đi theo quĩ đạo của Hàn Quốc, và thực hiện mục tiêu của chính mình.

Chúng ta đã thảo luận một loạt các vấn đề quan trọng tại Diễn đàn sôi nổi ngày hôm nay mà trong khuôn khổ lời kết hạn hẹp này tôi không thể nhắc lại tất cả được.

Cuối cùng, tôi xin cảm ơn các vị Đại sứ, các Đối tác Phát triển đã tích cực tham gia Diễn đàn này, và cảm ơn các đại biểu đã phát biểu và chia sẻ quan điểm của mình. Tôi cũng xin cảm ơn các đại biểu đã kiên nhẫn khi muốn phát biểu nhưng chưa được mời phát biểu. Tôi cũng xin cảm ơn các đối tác phía Chính phủ về sự tham gia và sự cộng tác của họ. Cuối cùng, tôi xin có lời cảm ơn đặc biệt tới Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và các cộng sự tuyệt vời của ông, những người đã giúp tổ chức Diễn đàn này. Tôi rất hân hạnh được cộng tác với quí vị. Cảm ơn Thủ tướng đã tham gia cùng chúng tôi. Cảm ơn.

 


Api
Api

Welcome