Việt Nam: Canh tác bền vững tăng làm năng suất và cải thiện môi trường

15 Tháng 4 Năm 2016



Triển khai từ năm 2008 đến 2014, Dự án Nông nghiệp Cạnh tranh Việt Nam (ACP) đã thúc đẩy canh tác nông nghiệp hiện đại nhằm tăng năng suất lao động và cải thiện môi trường. Trên 93.400 nông dân được tập huấn về canh tác nông nghiệp bền vững và công nghệ mới. Dự án cũng thiết lập 98 liên minh sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường giữa các tổ chức nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp. Nhờ đó đã giúp tăng giá sản phẩm 10% và tổng doanh số bán sản phẩm lên 20%.

Thách thức

Kể từ khi thực hiện Đổi mới năm 1986 đến nay nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ. Tuy vậy, các vấn đề về chất lượng và an toàn thực phẩm vẫn tồn tại làm cho hàng hóa xuất khẩu chỉ được bán với giá rẻ và người tiêu dùng trong nước không yên tâm. Khi khởi động dự án ACP năm 2008, mức tăng năng suất cũng như mức chi cho nghiên cứu nông nghiệp và khuyến nông đang bị giảm.

Chính phủ Việt Nam có truyền thống hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất nhỏ nhưng lại có ít kinh nghiệm trong việc kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và kết nối các hộ sản xuất nhỏ với các doanh nghiệp hợp đồng và mua bán sản phẩm từ người nông dân, cũng như cách thức truyền bá công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, ngày nay các hộ nông dân nhỏ cũng không dựa nhiều vào hạ tầng và dịch vụ công nữa. Liên kết với các doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp họ nắm bắt và thỏa mãn nhu cầu mới của thị trường.

Giải pháp

Dự án ACP giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của các hộ nông dân nhỏ tại các tỉnh thực hiện dự án thông qua tăng cường áp dụng công nghệ nông nghiệp, thành lập các tổ chức sản xuất của nông dân và xây dựng các công trình hạ tầng công cộng thiết yếu.

Dự án áp dụng cách tiếp cận có tham gia phi tập trung, qua đó nâng cao tinh thần làm chủ tại địa phương, linh hoạt, tập trung theo địa bàn, và quảng bá các giải pháp sáng tạo. Dự án cũng mang lại cơ hội giúp các doanh nghiệp nhỏ và nông dân tại các khu vực khó khăn tăng tốc phát triển.

Nhận thức được các thách thức xung quanh vấn đề áp dụng các cách làm mới, dự án đã theo đuổi phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn. Dự án đã thực hiện tại 4 tỉnh trong hai năm đầu. Các bài học rút ra từ giai đoạn đầu đã được áp dụng và góp phần làm tăng tốc thực hiện tại 4 tỉnh tiếp theo.

Dự án đã lựa chọn một danh sách mở các loại hàng hóa, công nghệ và chuỗi giá trị sẽ hỗ trợ. Dự án tuân thủ nguyên tắc “hãy để thị trường chọn ra người chiến thắng” để từ đó thực hiện các hoạt động dựa trên nhu cầu và dựa trên thị trường. Qua đó dự án cũng mang lại cơ hội cho các bên liên quan yếu thế hơn cũng nhận được hỗ trợ, tránh lựa chọn sai đối tác.


" Trước đây, vợ chồng tôi thường phải thức dậy từ khoảng 3h sáng để làm việc trong trang trại trồng hoa rộng 2.000 m2 của gia đình. Nhưng từ khi tham gia liên minh với Đà Lạt Hasfarm, chúng tôi làm việc ít hơn mà thu nhập lại tăng lên. Trước đây, hoa của chúng tôi không có chất lượng tốt lắm. Ví dụ, chỉ có 50% hoa đạt loại 1, nhưng nay là 90%. "

Ông Nguyễn Hữu Tiến

Nông dân, Đà Lạt, Lâm Đồng

Image

Nông dân ở Cần Thơ đo phát thải khí nhà kính ở trên cánh đồng của mình với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông địa phương.

Ngân hàng Thế giới

Kết quả

Dự án đã hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh các hộ nông dân sản xuất nhỏ trong các lĩnh vực chính sau đây:

·       Thực hiện tổng cộng 154 gói công nghệ, trong đó đã tập huấn cho 93.400 nông dân về công nghệ hiện đại – chủ yếu về canh tác bền vững. Tính trung bình, nếu áp dụng công nghệ mới nông dân sẽ tăng được 17% năng suất và 22% doanh số bán sản phẩm.

·       Đại học Cần Thơ đã hợp tác và thực hiện đo lường lượng phát thải khí nhà kính. Kết quả cho thấy nếu áp dụng công nghệ mới trong canh tác lúa lượng thì giảm được 60-90% khí phát thải.

·       Dự án cũng thành lập 98 liên minh sản xuất theo nhu cầu thị trường giữa các tổ chức nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp. Nhờ nâng cao chất lượng và giảm chi phí nên nông dân đã tăng được 10% giá bán sản phẩm và 20% doanh số bán hàng.

·       Trên 95.000 nông dân được hưởng lợi từ nâng cấp cơ sở hạ tầng mà trong đó chủ yếu là đường giao thông nông thôn hoặc đường kết nối thị trường. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đã giúp giảm 31% thất thoát sau thu hoạch, 20% thời gian đi lại và 29% chi phí vận tải.


" Gia đình tôi được dự án hỗ trợ mua thiết bị và tập huấn công nghệ tưới nước tự động, dẫn nước qua các ống ngầm tới từng cây và cung cấp nước theo đúng nhu cầu. Cách làm này giúp tiết kiệm 30-40% nước, phân bón và công lao động. Doanh thu và lợi nhuận của tôi tăng 30%. "

Bà Trịnh Thị Hới

Nông dân, Tỉnh Daklak

Image

Bà Trịnh Thị Hới làm việc trên vườn cà phê sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm của gia đình bà.

Ngân hàng Thế giới

Đóng góp của Nhóm Ngân hàng Thế giới

IDA tài trợ 59,8 triệu USD nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hộ nông dân nhỏ thông qua cải tiến các biện pháp canh tác, củng cố các tổ chức sản xuất của nông dân và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp, và xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.

Đối tác

Ngoài khoản tín dụng 59,8 triệu USD của IDA ra, chính phủ Canada đóng góp 3,1 triệu USD thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada, các quỹ tư nhân góp 16,5 triệu USD và chính phủ Việt Nam góp 3,5 triệu USD.

Dự án thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các tổ chức sản xuất của nông dân và các doanh nghiệp tư nhân. Dự án cũng lôi kéo sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu quốc tế và trong nước, ví dụ Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) và Đại học Cần thơ nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

Hướng tới tương lai

Kinh nghiệm và bài học từ ACP đã góp phần hình thành đề án Tái Cơ cấu Ngành Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Kế hoạch đó đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.

Kinh nghiệm của dự án ACP góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững Việt Nam, trong đó phải kể đến các bài học về tập trung theo địa bàn, tập trung theo chuỗi giá trị, kết hợp sức mạnh của các biện pháp can thiệp, vai trò của cán bộ nhà nước trong việc hình thành và phát triển dài hạn các nhóm nông dân—liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp và sự cần thiết phải tăng cường liên kết các biện pháp can thiệp kiểu dự án ACP với sản phẩm và các ngân hàng thương mại.


Image
Gần 100
liên minh sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường giữa các tổ chức nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập.




Welcome