Diễn văn và Bản ghi chép

Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị, và năng lực cạnh tranh: Gợi ý chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

4 Tháng 7 Năm 2013


Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Hội thảo Hà Nội, Việt Nam

Như trong bản chuẩn bị để phát biểu

(Bản dịch)

Thưa các vị khách quý,
Thưa các quý ông, quý bà,

Thay mặt Ngân hàng Thế giới, tôi xin chào mừng tất cả các quý vị đến với hội thảo ngày hôm nay.

Chủ đề của hội thảo này, Tạo thuận lợi Thương mại, Tạo giá trị và Năng lực Cạnh tranh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam.  Như đã xác định rõ trong Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011-2020, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường hết sức quan trọng.  Các động lực truyền thống trong phát triển kinh tế - các yếu tố thuận lợi sẵn có và khu vực nhà nước – hiện đã không còn là tối ưu nữa.  Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong xuất khẩu, chính là yếu tố quyết định lớn với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. 

Việt Nam đã thực hiện 1 số biện pháp tự do hóa thương mại và ký kết 1 số hiệp định thương mại trong 2 thập kỷ qua. Để phát huy tối đa các chính sách này, bên cạnh những biện pháp khác, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tiến hành thêm các hoạt động cải cách để cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần trong nước và liên quan đến xuất khẩu. 

Lý do chúng ta gặp gỡ nhau ở đây ngày hôm nay là để nghe trình bày báo cáo chung của Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế về “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị, và năng lực cạnh tranh: Gợi ý chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam”. Báo cáo này phân tích 3 trụ cột có tác động qua lại lẫn nhau của năng lực cạnh tranh quốc gia.  Các trụ cột này gồm (i) cơ sở hạ tầng vận tải và dịch vụ hậu cần; (ii) thủ tục pháp lý về xuất nhập khẩu; và (iii) tổ chức chuỗi giá trị sản xuất.  Các trụ cột này có sự hỗ trợ từ các chính sách chính phủ và các thể chế cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Báo cáo được xây dựng trên mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu đã được nhấn mạnh trong Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011–2020 và Chiến lược Quan hệ Đối tác Quốc gia với Việt Nam của Ngân hàng Thế giới 2012 - 2016. Những đóng góp của báo cáo góp phần nâng cao năng lực quốc gia nằm ở 3 khía cạnh. Thứ nhất, báo cáo đưa ra những ý tưởng cụ thể để thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội, với định hướng tạo ra giá trị gia tăng và năng suất cao hơn.  Thứ 2, báo cáo nhấn mạnh 1 lĩnh vực trong thương mại có vai trò quyết định với năng lực cạnh tranh.  Thứ 3, qua việc rà soát, đánh giá lại chuỗi giá trị sản xuất, báo cáo bàn về 1 mô hình phát triển mới cho Việt Nam.

Phần đầu báo cáo là một cuộc khảo sát cho thấy cả tình hình phát triển ấn tượng cũng như các thách thức lớn với xuất khẩu của Việt Nam.  Theo báo cáo, các động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hiện tại gần như đã cạn kiệt và Việt Nam cần chủ động nỗ lực tìm ra hướng đi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu.

Trong phần phân tích về Trụ cột 1 – cơ sở hạ tầng vận tải và dịch vụ hậu cần – báo cáo cho thấy CSHT liên quan tới thương mại của Việt Nam đang không đáp ứng được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, lượng đầu tư cần thiết để khắc phục tình trạng trên lại nằm ngoài khả năng huy động của một mình nguồn đầu tư công. Bên cạnh nâng cao hiệu quả cơ chế đầu tư công thông qua đầu tư tập trung, tránh dàn trải, Việt Nam cũng cần chuyển sang chú trọng hơn tới nguồn tài chính từ khu vực tư nhân.

Thủ tục pháp quy của Việt Nam trong Trụ cột 2 cũng cần được cải thiện.  Dù đã chú ý nhiều tới cải cách hải quan và mang lại nhiều kết quả trong quản lý thương mại qua biên giới, nhiều cơ quan vẫn áp dụng quy trình thủ tục lạc hậu tốn thời gian, không rõ ràng, và dễ gây ra tham nhũng. Báo cáo đã nêu chi tiết các lĩnh vực cần tập trung để đơn giản hóa quy trình và nâng cao thể chế - những công việc hết sức quan trọng trong cải cách.

Liên quan đến Trụ cột 3, sự yếu kém trong chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến và nông nghiệp của Việt Nam đã khiến Việt Nam khó giảm chi phí xuất khẩu và tạo được thêm giá trị gia tăng cần thiết.  Báo cáo đề xuất chiến lược tái cơ cấu các chuỗi giá trị sản xuất, nhắm tới 2 mục tiêu – tăng cường tham gia những hoạt động tạo giá trị gia tăng tại Việt Nam, và cụ thể là khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình này.  Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho tăng trưởng các công nghiệp phụ trợ, dù là một nỗ lực dài hạn, cũng có ý nghĩa quan trọng.

Vấn đề thể chế chính là chìa khóa để tạo thuận lợi cho thương mại nói chung và các công cuộc trên nói riêng.  Tuy nhiên, môi trường thể chế của Việt Nam đang đối mặt với thách thức ở nhiều cấp độ.  Ở cấp vĩ mô, hiện đang có quá nhiều kế hoạch chiến lược có các hoạt động chồng chéo nhưng lại không tập trung vào tạo thuận lợi cho thương mại, đồng thời nhiều thỏa thuận quốc tế đã được ký kết song lại chưa được thực hiện.  Ở cấp độ trung và cấp độ doanh nghiệp, nhiều cơ quan thuộc các cấp chính quyền khác nhau cùng thực hiện các hoạt động hỗ trợ thương mại nhưng lại thiếu sự điều phối, phối hợp nhịp nhàng.

Do đó, chính phủ sẽ đóng 1 vai trò quan trọng. Cụ thể là chính phủ phải hỗ trợ các hoạt động mang lại ảnh hưởng tích cực từ bên ngoài, và có những trợ giúp để thúc đẩy luồng thương mại.  Đồng thời, chính phủ phải loại bỏ những yếu tố cản trở, trong đó có việc rút lui dần khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đóng vai trò đi đầu.  Chính phủ Việt Nam có thể làm thêm nhiều điều ở từng công việc nói trên. Trong số rất nhiều sáng kiến, việc đầu tư cho tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất mang lại lợi ích không chỉ là về mặt tạo thuận lợi cho thương mại.

Ở phần cuối, báo cáo đưa ra các đề xuất chính sách.  Để thực hiện thành công những đề xuất này, tất cả các bên liên quan đều cần hết sức cố gắng và bền bỉ, đồng thời chính phủ đóng vai trò hỗ trợ và điều phối.  Việt Nam cũng cần có được cam kết chính trị từ cấp lãnh đạo do trong các hoạt động cải cách được đề xuất có những xung đột lợi ích.  Nếu không hành động ngay, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các nước khác vẫn đang tiếp tục chương trình tạo thuận lợi thương mại của mình.

Kính thưa các vị khách quý, các vị đại biểu, tôi hy vọng đến khi kết thúc hội thảo này, chúng ta sẽ đạt được những hiểu biết chung về hoạt động nào cần ưu tiên để giúp giải quyết tổng thể các vấn đề tạo thuận lợi cho thương mại, dịch vụ hậu cần, và tổ chức chuỗi giá trị sản xuất.  Chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ giúp thúc đẩy chương trình cải cách thương mại của Việt Nam và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.  Ngân hàng Thế giới rất vinh dự được tham gia hoạt động này và luôn sẵn sàng hỗ trợ quốc tế hóa và triển khai kế hoạch quốc gia về các hoạt động tạo thuận lợi cho thương mại hướng tới những đề xuất chính sách mà báo cáo này đưa ra.

Xin chúc các quý vị thành công trong công việc và chúng ta sẽ có những trao đổi hữu ích, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.

Xin cảm ơn.



Api
Api

Welcome