THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Các nền kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương cải cách có lợi cho giới doanh nghiệp, Xinh-ga-po tiếp tục dẫn đầu thế giới về mức độ thuận lợi kinh doanh

29 Tháng 10 Năm 2014


Oa-xinh-tơn, D.C., ngày 29 tháng 10 năm 2014 — Theo một báo cáo mới nhất của Nhóm Ngân hàng thế giới, Xinh-ga-po vẫn sở hữu môi trường pháp lý cho kinh doanh thân thiện nhất trên thế giới. Nằm trong số 10 nền kinh tế thuận lợi nhất cho kinh doanh còn có Niu-di-lân, Đặc khu hành chính Hồng-kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Úc.   

Được phát hành hôm nay, Báo cáo Môi trường kinh doanh 2015: Xa hơn hiệu quả cho biết doanh nghiệp địa phương mới thành lập tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục nhận được cải thiện trong môi trường kinh doanh, khi các nền kinh tế trong khu vực thực thi 24 cải cách pháp lý (1) chỉ trong một năm vừa qua. In-đô-nê-xi-a đã nâng cao triển vọng của các công ty nhỏ bằng cách triển khai 03 cải cách pháp lý vào năm 2013/2014 thuộc lĩnh vực được đo lường trong báo cáo này. Tại tất cả các thành phố, quy trình phê duyệt cho việc sát nhập kinh doanh đã được đơn giản hóa và thuế lao động giảm. Tại Gia-kat-ta, quy trình kết nối điện đã được đẩy nhanh nhờ việc xóa bỏ yêu cầu phải lấy nhiều giấy chứng nhận.

Các dữ liệu cho thấy trong năm qua nhiều nền kinh tế trong khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp nộp thuế. Việt Nam đã hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Trung Quốc tăng cường hệ thống lưu trữ và thanh toán điện tử quốc gia — đồng thời giúp cho việc sát nhập doanh nghiệp bớt tốn kém. Mông Cổ đã áp dụng một hệ thống thanh toán điện tử mới. Những cải cách như vậy đã tiết kiệm được thời gian quý báu của các doanh nghiệp. Ví dụ như tại Mông Cổ, các doanh nghiệp địa phương nhận thấy thời gian nộp thuế đã giảm từ 192 giờ vào năm 2013 xuống còn 148 giờ trong năm 2014 – còn thấp hơn ở Úc.

Bà Rita Ramalho, tác giả chính của báo cáo Môi trường kinh doanh, Nhóm Ngân hàng thế giới cho biết: “Kể từ năm 2005, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã thu hẹp khoảng cách với các thông lệ tốt trên toàn thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, những cải cách pháp lý nhất quán đã cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi trong vùng và đóng góp vào nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các doanh nghiệp địa phương.”

Đây là năm đầu tiên báo cáo Môi trường kinh doanh thu thập dữ liệu cho thêm một thành phố tại những nền kinh tế có số dân trên 100 triệu người. Tại Trung Quốc, báo cáo phân tích các quy định kinh doanh của Bắc Kinh và Thượng Hải, còn tại In-đô-nê-xi-a là hai thành phố Su-ra-bay-a và Gia-kat-ta. Theo phát hiện của báo cáo, thường có những khác biệt giữa hai thành phố về các chỉ số có liên quan đến các bước thực hiện, thời gian và chi phí để hoàn thành một giao dịch theo quy định khi chính quyền địa phương đóng một vai trò lớn hơn.

Báo cáo năm nay cũng mở rộng dữ liệu thu thập cho 03 trong số 10 chủ đề được đề cập, và đang chuẩn bị thực hiện tương tự cho thêm 05 chủ điểm trong năm tới. Ngoài ra, xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh hiện dựa trên khoảng cách tới điểm cao nhất. Cách đo lường này chỉ ra khoảng cách giữa mỗi nền kinh tế tới các thông lệ tốt nhất trên thế giới về các quy định kinh doanh là bao nhiêu. Điểm số cao cho thấy một môi trường kinh doanh hiệu quả và những thể chế pháp lý mạnh mẽ hơn.

Giới thiệu về loạt báo cáo Môi trường kinh doanh

Báo cáo thường niên quan trọng của Nhóm Ngân hàng Thế giới về Môi trường Kinh doanh phân tích các quy định áp dụng cho doanh nghiệp thuộc một nền kinh tế trong vòng đời của doanh nghiệp, gồm có các quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, thương mại quốc tế, nộp thuế và giải quyết tình trạng vỡ nợ. Tập hợp xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh được đánh giá dựa trên khoảng cách tới điểm cao nhất của 10 chủ điểm và bao trùm 189 nền kinh tế. Báo cáo Môi trường Kinh doanh không đánh giá toàn bộ các lĩnh vực của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ví dụ như báo cáo này không phân tích chất lượng quản lý tài chính, các mặt khác trong tính ổn định kinh tế vĩ mô, trình độ kỹ năng của lực lượng lao động hay sự vững mạnh của hệ thống tài chính. Các phát hiện trong báo cáo đã thúc đẩy quá trình thảo luận về chính sách trên toàn thế giới và tạo điều kiện cho việc tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của các quy định ở cấp doanh nghiệp tới kết quả hoạt động chung của các nền kinh tế. Đây là báo cáo thứ 12 trong loạt báo cáo Môi trường Kinh doanh toàn cầu. Để biết thêm thông tin về loạt báo cáo Môi trường Kinh doanh, mời truy cập website www.doingbusiness.org và tham gia cùng chúng tôi tại: doingbusiness.org/Facebook.

Giới thiệu về Nhóm Ngân hàng Thế giới:


Nhóm Ngân hàng Thế giới đóng vai trò then chốt trong nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và thúc đẩy chia sẻ sự thịnh vượng. Nhóm Ngân hàng Thế giới gồm 5 tổ chức: Ngân hàng Thế giới, trong đó có Ngân hàng Quốc tế cho Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA); Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC); Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA); và Trung tâm quốc tế Giải quyết các tranh chấp đầu tư (ICSID). Cùng nhau hoạt động tại trên 100 quốc gia, những tổ chức này cung cấp tài chính, cố vấn và những giải pháp khác giúp các quốc gia giải quyết những thách thức cấp bách nhất cho vấn đề phát triển. Để biết thêm thông tin, mời truy cập website www.worldbank.org, www.miga.org, và www.ifc.org.


---

(1) Số liệu cải cách không tính đến các quốc gia Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Niu-di-lân vì các quốc gia này được xếp loại các nền kinh tế thu nhập cao của OECD.



Liên hệ truyền thông
Tại Washington
Nadine Ghannam
tel : +1 (202) 473-3011
nsghannam@ifc.org
Carl Hanlon
tel : +1(202) 473-8087
chanlon@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : +84439378234
nnguyen5@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2015/174/DECIG

Api
Api

Welcome