THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngân hàng Thế giới hạ thấp mức dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới, hối thúc các nước đang phát triển tăng cường nỗ lực cải cách kinh tế trong nước

10 Tháng 6 Năm 2014


Image

Washington, ngày 10/6/2014 – Các nước đang phát triển sẽ chứng kiến một tỉ lệ tăng trưởng đáng thất vọng trong năm nay vì lí do tăng trưởng kém trong quý 1/2014 đã làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects hay GEP) vừa được Ngân hàng Thế giới công bố hôm nay.

Thời tiết không thuận tại Mỹ, khủng hoảng Ucraina, quá trình tái cân đối tại Trung Quốc, bất ổn chính trị tại một số nước thu nhập trung bình, tốc độ tái cơ cấu chậm chạp và hạn chế năng lực đã kéo tỉ lệ tăng trưởng các nước đang phát triển xuống dưới mức 5% trong năm thứ 3 liên tiếp.

“Tỉ lệ tăng trưởng tại các nước đang phát triển vẫn ở mức thấp đã không tạo đủ số việc làm cần thiết để cải thiện cuộc sống của 40% số người thuộc diện nghèo nhất”, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim nói. “Các nước cần phải tăng tốc và đầu tư nhiều hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu trong nước thì mới có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế tổng thể và đủ mức xoá nghèo cùng cực ngay trong thế hệ hiện tại”.

Ngân hàng Thế giới đã hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển xuống 4,8% cho năm nay trong khi mức dự báo đưa ra hồi tháng 1/2014 là 5,3%. Các dấu hiệu cho thấy mức tăng trưởng sẽ đạt 5,4% năm 2015 và 5,5% năm 2016. Dự báo Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 7,6% năm nay nhưng điều đó còn tuỳ thuộc vào kết quả quá trình tái cân đối. Một kết cục hạ cánh cứng sẽ tác động mạnh lên khu vực châu Á.

Mặc dù kết quả tăng trưởng quý 1 tại Mỹ còn yếu nhưng các nước thu nhập cao đang trong tiến trình lấy lại đà phục hồi tốt. Dự kiến các nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay, và tăng lên 2,4% và 2,5% trong các năm 2015 và 2016. Khu vực châu Âu sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 1,1% năm nay, còn nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% do nền kinh tế bị co cụm bởi thời tiết xấu trong quý 1 trong khi mức dự báo đưa ra hồi đầu năm là 2,8%.

Nền kinh tế toàn cầu sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và nâng mức tăng trưởng cả năm lên 2,8% và đạt mức 3,4% và 3,5% trong các năm 2015 và 2016 (1). Các nước thu nhập cao sẽ đóng góp phân nửa mức tăng trưởng trong các năm 2015 và 2016 trong khi con số này năm 2013 là dưới 40%.

Các nước thu nhập cao tăng tốc tăng trưởng sẽ tạo động lực quan trọng cho các nước đang phát triển. Trong vòng 3 năm tới các nền kinh tế thu nhập cao sẽ đóng góp một lượng cầu tương đương 6,3 nghìn tỉ đô-la; đây là mức tăng đáng kể so với 3,9 nghìn tỉ đô-la trong khoảng thời gian 3 năm trước đây và con số này cũng lớn hơn so với tổng cầu dự tính của các nước đang phát triển.
Rủi ro tài chính ngắn hạn đã giảm bớt, một phần bởi rủi ro xấu đã không gây bất ổn nghiêm trọng và một phần do các biện pháp điều chỉnh kinh tế gần đây đã góp phần giảm bớt mức độ tổn thương. Thâm hụt tài khoản vãng lai một số nền kinh tế bị tác động nặng nề nhất trong năm 2013 và đầu năm 2014 đã thuyên giảm và dòng vốn chảy đến các nước đang phát triển đã đảo ngược. Lãi trái phiếu tại các nước đang phát triển đã giảm và thị trường chứng khoán đã hồi phục, và tại một vài nước đã hồi phục vượt mức đầu năm, tuy còn thấp hơn các năm trước.

Thị trường vẫn còn bất ổn và các đồn đoán về thời điểm cũng như mức độ thay đổi chính sách vĩ mô tại các nước thu nhập cao có thể dẫn đến một loạt bất ổn mới. Mức độ tổn thương cũng duy trì ở mức cao tại các nước vừa có tỉ lệ lạm phát cao, vừa bị thâm hụt tài khoản vãng lai (Bra-xin, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ). Vấn đề ở đây là việc nới lỏng điều kiện tài chính quốc tế vừa rồi sẽ kéo theo tăng trưởng tín dụng, tăng thâm hụt tài khoản vãng lai và tăng mức độ tổn thương.

“Tình hình tài chính tại các nền kinh tế đã cải thiện. Ngoại trừ Trung Quốc và Nga, thị trường chứng khoán tại các thị trường mới nổi hoạt động tốt, nhất là tại Ấn Độ và In-đô-nê-xia. Nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vẫn cần phải từ từ siết chặt chính sách tài khóa và cải cách cơ cấu nhằm khôi phục hiện trạng tài khóa như năm 2008, thời điểm trước khi bị phá vỡ bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Nói tóm lại, đây chính là lúc cần chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng lần tới”, ông Kaushik Basu, Phó Chủ tịch, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới nhận định.

Ngân sách quốc gia tại các nước đang phát triển bị tàn phá nặng nề kể từ năm 2007. Tại gần một nửa các nước này thâm hụt chi tiêu chính phủ đã vượt mức 3% GDP và tỉ lệ nợ so với GDP cũng đã tăng trên 10 điểm phần trăm kể từ 2007. Các nước còn bị thâm hụt lớn cần thắt chặt chính sách tài khóa, trong đó phải kể đến Ga-na, Kê-nia, Ấn Độ, Ma-lai-xia và Nam Phi.

Ngoài ra, chương trình tái cơ cấu bị dừng lại tại một số nước đang phát triển cũng cần được khởi động lại nhằm duy trì tăng trưởng nhanh.

“Vấn đề chính là phải chi tiêu khôn ngoan hơn thay vì chi tiêu nhiều hơn. Những nút thắt hạn chế trong ngành năng lượng, cơ sở hạ tầng, thị trường lao động và môi trường kinh doanh tại nhiều nền kinh tế lớn thuộc nhóm thu nhập trung bình đã cản trở tốc độ tăng trưởng GDP và tăng năng suất lao động. Cải cách chính sách trợ giá có thể tạo thêm nguồn tiền phục vụ nâng cao chất lượng đầu tư công nhằm tăng cường nguồn vốn con người và cơ sở hạ tầng,” ông Andrew Burns, tác giả chính bản báo cáo phát biểu.

Điểm tình hình các khu vực:

Tại Đông Á Thái Bình Dương năm 2013 tiếp tục là một năm tăng trưởng vừa phải, chủ yếu do các nước thực hiện điều chỉnh nhằm giảm mất cân đối đã tích tụ nhiều năm gây ra bởi tăng trưởng dựa trên tín dụng. Các biện pháp điều chỉnh vẫn tiếp tục trong năm 2014 trong đó tăng trưởng tín dụng đã giảm xuống từ mức hai con số trước đây, nhất là tại Trung Quốc, Ma-lai-xia và In-đô-nê-xia. Dự đoán mức tăng trưởng toàn vùng sẽ giảm nhẹ từ 7,2% năm 2013 xuống 7,0% năm 2016—khoảng 2 điểm phần trăm thấp hơn thời kỳ bùng nổ trước khủng hoảng, nhưng đây là mức tăng trưởng tương xứng với tiềm năng. Tăng trưởng Trung Quốc dự đoán sẽ giảm nhẹ từ 7,6% năm 2014 xuống mức 7,4% năm 2016 phản ánh quá trình tái cân đối tiếp diễn. Tăng trưởng toàn khu vực (trừ Trung Quốc) dự đoán sẽ tăng từ 5,0% năm nay lên 5,5% năm 2016 nhờ vào mức cầu bên ngoài tăng, giảm bất ổn chính trị tại Thái Lan và giảm các biện pháp điều chỉnh cơ cấu tại các nước khác.

Các nước đang phát triển Châu Âu và Trung Á sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ trong quí 1/2014. Mặc dù có bị ảnh hưởng đôi chút từ bất ổn tài chính và tình hình tại Ucraina. Sản lượng công nghiệp tăng nhanh do tăng xuất khẩu sang khu vực châu Âu. Tăng trưởng khu vực Trung Á bị giảm năm 2014 do ảnh hưởng của mức độ tăng trưởng sụt giảm nhiều tại Nga (đối tác thương mại và nguồn kiều hối chính), giá kim loại và khoáng chất giảm, và năng lực trong nước hạn chế. Nhìn chung, tình hình tại Ucraina đã cắt đi mất 1 điểm phần trăm tăng trưởng của các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong khu vực. Khi tác động này giảm đi, sản lượng dự kiến sẽ tăng từ mức 2,4% năm 2014 (năm 2013 là 3,6%) lên 3,7% và 4,0% năm 2015 và 2016. Tăng trưởng tại Nga, hiện đã là một nước thu nhập cao, sẽ chỉ tăng 0,5% năm 2014 và 1,5% và 2,2% trong các năm 2015 và 2016.

Khu vực Mỹ La tinh và Ca-ri-bê tăng trưởng kém do giá hàng hóa ổn định hoặc bị giảm, do nền kinh tế Mỹ đi xuống trong quí 1/2014 và do các thách thức trong nước. Các yếu kém trong khu vực vẫn tiếp diễn từ năm 2013, chủ yếu do tình hình xuất khẩu hàng hóa của một số nước.  Số liệu quí 1 của Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Mê-hi-cô và Pê-ru cho thấy tăng trưởng kém, phản ánh hàng loạt các yếu tố như GDP sụt giảm tại Mỹ do ảnh hưởng thời tiết, tăng thuế tại Mê-hi-cô và tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc. Ngược lại, các nước như Bô-li-via và Panama dự đoán sẽ tăng trưởng trên 5% năm nay. Dự đoán xuất khẩu toàn vùng, bao gồm cả doanh thu du lịch vùng Ca-ri-bê sẽ tăng nhờ vào tăng trưởng mạnh tại các nước phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh sau khi đồng tiền mất giá. Kết hợp với tăng trưởng đầu tư mạnh khu vực ven biển Thái Bình Dương phía Nam Mỹ, và dòng vốn chảy vào khu vực sẽ vượt qua được các yếu kém trong quí 1 và ước đạt mức tăng khiêm tốn 1,9% GDP năm 2014, và tăng lên 2,9% và 3,5% năm 2015 và 2016. Bra-xin, nền kinh tế lớn nhất khu vực, dự đoán sẽ tăng thấp hơn mức dự đoán, đạt khoảng 1,5% năm nay và tăng lên 2,7% và 3,1% năm 2015 và 2016.

Tỉ lệ tăng trưởng các nước đang phát triển khu vực Trung Đông và Bắc Phi dự đoán sẽ tăng dần nhưng vẫn ở mức thấp trong kỳ dự báo sau khi bị suy giảm 0,1% năm 2013. Nền kinh tế tại các nước nhập khẩu dầu mỏ đang ổn định. Xuất khẩu tại một số nước Địa Trung Hải tăng trở lại do khu vực châu Âu phục hồi. Trong khi hoạt động kinh tế tại Ai-cập đã tăng trở lại thì xung đột tại Xi-ri lại đang ảnh hưởng tới nền kinh tế, xuất khẩu và niềm tin tại Li-băng. Sản lượng tại các nước xuất khẩu dầu lửa trong vùng cho thấy dấu hiệu tăng trở lại sau khi bị giảm sút trong thời kỳ trước đây, nhất là tại Irắc. Tuy vậy, tổng sản lượng vẫn thấp hơn mức trung bình năm 2013. Triển vọng kinh tế toàn vùng bị bao phủ bởi một sự bất ổn và phụ thuộc vào một loạt các rủi ro trong nước như bất ổn chính trị và bất ổn chính sách. Tỉ lệ tăng trưởng các nước đang phát triển trong khu vực dự đoán sẽ cải thiện dần từ 1,9% năm 2014 lên 3,6% và 3,5% năm 2015 và 2016 nhờ tăng sản lượng dầu mỏ tại các nước sản xuất dầu và phục hồi nhẹ tại các nước nhập khẩu dầu.

Tăng trưởng GDP tại Nam Á đã giảm xuống mức 4,7% tính theo giá thị trường năm 2013 (kém 2,6 điểm phần trăm so với mức trung bình giai đoạn 2003-12). Điều đó phản ánh mức độ giảm sút công nghiệp chế tác và giảm mạnh đầu tư tại Ấn Độ. Dự tính tăng trưởng tại Pa-kix-tan sẽ ổn định mặc dù thắt chặt tài khóa, nhưng mức này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn khu vực do bị ảnh hưởng của nguồn cung năng lượng và tình hình an ninh kém. Nếu tăng trưởng toàn cầu tăng và hoạt động công nghiệp tăng nhẹ sẽ giúp nâng mức tăng trưởng khu vực Nam Á lên 5,3% năm 2014, 5,9% năm 2015 và 6,3% năm 2016. Hầu hết tăng trưởng tập trung tại Ấn Độ nhờ tăng đầu tư nội địa và tăng mức cầu toàn cầu. Phép dự đoán trên đây dựa trên giả định rằng cải cách sẽ được thực hiện dẫn đến gỡ bỏ hạn chế từ phía cung (nhất là trong ngành năng lượng và hạ tầng cơ sở), giúp nâng cao năng suất lao động, tiếp tục củng cố chính sách tài khóa và duy trì lập trường chính sách tiền tệ đáng tin cậy. Tăng trưởng tại Ấn Độ dự tính đạt 5,5% trong năm tài chính 2014-15, 6,3% năm tài chính 2015-16 và 6,6% năm tài chính 2016-17.

Tại khu vực Châu Phi Hạ Xahara cầu nội địa đã giúp GDP tăng trưởng 4,7% năm 2013 từ mức 3,7% trong năm trước đó. Tổng tăng trưởng toàn vùng bị kìm lại ở mức thấp 1,9% tại Nam Phi do bị ảnh hưởng của hạn chế cơ cấu, quan hệ lao động căng thẳng và mức độ lòng tin của người tiêu dùng và giới đầu tư thấp. Nếu không kể Nam Phi, mức tăng trưởng GDP trung bình toàn khu vực năm 2013 là 6,0%. Thâm hụt tài khóa và thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng tại các nước trong vùng phản ánh mức chi tiêu cao của chính phủ, giá hàng hóa sụt giảm và kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh. Triển vọng trung hạn đối với toàn vùng vẫn tích cực với mức tăng trưởng dự tính là 4,7% năm 2014, sau đó tăng lên 5,1% trong các năm 2015 và 2016. Có được như vậy là nhờ mức cầu bên ngoài tăng, đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, và sản xuất nông nghiệp. Dự tính khu vực Đông Phi sẽ tăng trưởng  mạnh do nước ngoài tăng cường đầu tư vào khai thác khí đốt tự nhiên tại Tanzania, và Uganda và Kê-nia bắt đầu đi vào khai thác dầu mỏ. Nam Phi sẽ tăng trưởng kém, Ăng-gô-la sẽ cải thiện đôi chút và Ni-giê-ria, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, sẽ tăng trưởng mạnh.

---

(1) Nếu tính theo giá trị sức mua PPP năm 2010 thì mức tăng trưởng dự báo các năm 2014, 2015 và 2016 sẽ lần lượt là 3,4%, 4,0% và 4,2%


Liên hệ truyền thông
Tại Washington
Merrell Tuck-Primdahl
tel : +1 (202) 473-9516, +1 (202) 476-9897
mtuckprimdahl@worldbank.org
Indira Chand
tel : +1 (202) 458-0434, +1 (703) 376-7491
ichand@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân Sheikh
tel : +84.4.39346600-234
nnguyen5@worldbank.org



THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2014/555/DEC

Api
Api

Welcome