THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Việt Nam đứng thứ 99 về xếp hạng môi trường kinh doanh

29 Tháng 10 Năm 2013



Hà Nội, 29/10/2013 – Một báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2013, Việt Nam đã có các biện pháp tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Trên phạm vi toàn cầu, Xinh-ga-po tiếp tục là nước có môi trường pháp lý thuận lợi nhất thế giới cho doanh nghiệp trong nước, tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc. Trong năm qua, có 15 trên 25 nền kinh tế trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã thực hiện được ít nhất một cải cách pháp luật để cải thiện môi trường kinh doanh.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2014: Hiểu rõ các quy định đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết kể từ năm 2005 đến nay, 24 trên 25 nền kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã có những cải cách môi trường pháp lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong số các nền kinh tế, Trung Quốc là nước có nhiều tiến bộ nhất về cải cách các quy định kinh doanh trong khoảng thời gian này.

Theo báo cáo, dù đã thực hiện được 21 cải cách kể từ năm 2005 – nhiều nhất trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương – nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn không có nhiều cải thiện. Năm nay, Việt Nam xếp thứ 99 trên tổng số 189 nền kinh tế, cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện thứ bậc.

“Việt Nam đã có những cải cách quan trọng trong chín năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn cần làm nhiều hơn nữa để duy trì năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cần áp dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất trong các quy định về hoạt động của doanh nghiệp,"  bà Wendy Werner, Giám đốc Chương trình Tư vấn Môi trường Đầu tư khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của IFC, thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, nhận định.

Năm ngoái, Việt Nam đã tăng cường bảo vệ nhà đầu tư nhờ thắt chặt quy định về công khai thông tin đối với các công ty niêm yết trong trường hợp giao dịch với bên liên quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng cấp phép thành lập trung tâm thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên sau khi ban hành một nghị định năm 2010 tạo khung pháp lý để thành lập những trung tâm thông tin tín dụng loại này. Tuy nhiên, chi phí đóng thuế đối với doanh nghiệp của Việt Nam lại tăng do quy định tăng mức đóng bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động.

Trên phạm vi toàn cầu, Phi-líp-pin là một trong 10 nền kinh tế đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong năm qua. Chính phủ Phi-líp-pin thực hiện cải cách pháp lý trong ba lĩnh vực. Nhờ áp dụng hệ thống kê khai và đóng thuế hoàn toàn trực tuyến nên đã tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ quy định về thuế hơn. Đơn giản hóa thủ tục giải phóng mặt bằng cũng đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong vấn đề xin cấp phép xây dựng. Các quy định mới cũng bảo đảm cho người có nhu cầu vay vốn quyền truy cập dữ liệu của mình được lưu trữ tại trung tâm thông tin tín dụng lớn nhất nước.

“Đây là lần đầu tiên báo cáo Môi trường Kinh doanh đánh giá các quy định của My-an-ma sau khi nước này bắt đầu mở cửa với nền kinh tế thế giới sau nhiều năm cách ly,” ông Augusto Lopez-Claros, Vụ trưởng Vụ Chỉ số-Phân tích Toàn cầu của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết. “Các số liệu cho thấy phạm vi cải cách là đáng kể và My-an-ma đang nỗ lực cải thiện các quy định kinh doanh ở quốc gia này. Bằng việc tháo bỏ những trở ngại trong việc thành lập và phát triển doanh nghiệp, các chính phủ đã phát đi tín hiệu cho thấy sự hình thành của một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, như đã và đang thấy ở rất nhiều nền kinh tế trong khu vực.”

Cùng với Xinh-ga-po và Hồng Kông, góp mặt trong số 10 nền kinh tế có môi trường thể chế thuận lợi nhất cho doanh nghiệp năm nay lần lượt là các nước Niu Dilân, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Ma-lai-xia, Hàn Quốc, Gioóc-gia, Na Uy, và Vương quốc Anh. Báo cáo năm nay thực hiện khảo sát điểm về hệ thống tòa án điện tử sử dụng trong thực thi hợp đồng của Hàn Quốc, hệ thống quản lý nộp thuế điện tử của Ma-lai-xia và hệ thống quản lý thương mại quốc tế một cửa của Xinh-ga-po.

Ngoài việc thực hiện xếp hạng toàn cầu, hàng năm, báo cáo Môi trường Kinh doanh còn thống kê những nền kinh tế có mức cải thiện lớn nhất về các chỉ số so với năm trước. Mười nền kinh tế đứng đầu trong danh sách này năm nay là (được xếp theo thứ tự mức độ cải thiện) U-crai-na, Ru-an-đa, Nga, Phi-líp-pin, Ko-xô-vô, Dji-bu-ti, Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), Bu-run-đi, Công hòa Mác-xê-đô-nia thuộc Nam Tư cũ, và Goa-tê-ma-la. Dù vậy, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức: năm nước đứng đầu danh sách này trong năm nay —Bu-run-di, Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), Dji-bu-ti, Phi-líp-pin và U-crai-na— vẫn nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh theo đánh giá của báo cáo.

Giới thiệu về loạt báo cáo Môi trường Kinh doanh

Báo cáo chung tiêu biểu của Ngân hàng Thế giới và IFC Môi trường Kinh doanh phân tích các quy định áp dụng cho các doanh nghiệp của một nền kinh tế trong suốt vòng đời của doanh nghiệp, trong đó có các quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, thương mại quốc tế, nộp thuế, và giải quyết tình trạng mất khả năng trả nợ. Thứ hạng chung về mức độ thuận lợi kinh doanh được đánh giá dựa trên 10 chỉ số của 189 nền kinh tế. Báo cáo Môi trường Kinh doanh không đánh giá toàn bộ các lĩnh vực của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ví dụ như, báo cáo không phân tích chất lượng quản lý tài khóa, các mặt khác của ổn định kinh tế vĩ mô, trình độ kỹ năng của lực lượng lao động hay khả năng phục hồi của hệ thống tài chính. Các kết quả tìm hiểu trong báo cáo đã thúc đẩy quá trình thảo luận về chính sách trên toàn thế giới và tạo điều kiện tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của các quy định ở cấp doanh nghiệp đối với kết quả hoạt động chung của các nền kinh tế.  Báo cáo năm nay là báo cáo thứ 11 của loạt báo cáo toàn cầu về Môi trường Kinh doanh và cung cấp số liệu của 189 nền kinh tế. Để biết thêm thông tin về loạt báo cáo Môi trường Kinh doanh, mời truy cập website www.doingbusiness.org. Hãy cập nhật thông tin trên Facebook tại: doingbusiness.org/Facebook.

Giới thiệu về Nhóm Ngân hàng Thế giới

Nhóm Ngân hàng Thế giới là một trong những nguồn cung cấp tài chính và tri thức lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển. Nhóm Ngân hàng Thế giới gồm 5 tổ chức có liên hệ mật thiết là Ngân hàng Quốc tế cho Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) – hai tổ chức hợp thành Ngân hàng Thế giới; Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA); và Trung tâm Quốc tế Giải quyết các Tranh chấp Đầu tư (ICSID). Mỗi tổ chức đều đóng vai trò đặc thù trong sứ mệnh chống đói nghèo và nâng cao mức sống của người dân ở các nước đang phát triển. Để biết thêm thông tin, mời truy cập website www.worldbank.org, www.miga.org, và www.ifc.org.

Để tìm hiểu thông tin cụ thể về Môi trường Kinh doanh 2014 Khu vực Đông Á Thái Bình Dương, xin liên hệ:

Đông Á – Thái Bình Dương
Hannfried von Hindenburg +852 2509-8115                      Diana Chung +1(202) 473-8357
E-mail: hvonhindenburg@ifc.org                                     E-mail: Dchung1@worldbank.org

 

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Nội
Chu Vân Anh
tel : +844 3 937 8745
canh1@ifc.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : +844 3934 6600
nnguyen5@worldbank.org
Tại Washington, D.C.
Nadine Ghannam
tel : +1 (202) 473-3011
nsghannam@ifc.org




Api
Api

Welcome