THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Các nước đang phát triển nhận hơn 410 tỉ USD kiều hối năm 2013, theo Ngân hàng Thế giới

2 Tháng 10 Năm 2013



Oa-sinh-tơn DC, ngày 2/10/2013 – Lượng kiều hối gửi về các nước đang phát triển dự tính tăng 6,3% và đạt mức 414 tỉ USD năm nay, và con số này sẽ vượt ngưỡng 500 tỉ USD năm 2016, theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới.

Riêng Ấn Độ và Trung Quốc đã chiếm gần 1/3 tổng lượng kiều hối của các nước đang phát triển trong năm nay. Lượng kiều hối chuyển về các nước đang phát triển sẽ tăng mạnh về trung hạn với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 9% và sẽ đạt mức 540 tỉ USD năm 2016.

Tổng lượng kiều hối toàn cầu, kể cả lượng chuyển về các nước có thu nhập cao, ước tính sẽ đạt mức 540 tỉ USD năm nay và sẽ đạt mức kỷ lục 707 tỉ USD năm 2016, theo Báo cáo tóm tắt về Di cư và Phát triển của Ngân Hàng Thế Giới.

Con số ước tính thể hiện sự thay đổi trong phân loại quốc gia của Nhóm Ngân hàng Thế giới, trong đó một số quốc gia nhận kiều hối lớn như Nga, Latvia, Li-thu-ni-na và U-ru-goay không còn nằm trong nhóm các nước đang phát triển nữa.  Ngoài ra, con số về kiều hối cũng thể hiện thay đổi trong định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về kiều hối mà theo đó một số giao dịch chuyển vốn đã bị loại trừ và các giao dịch này có ảnh hưởng tới một số nước đang phát triển lớn như Bra-xin.

“Con số gần đây nhất cho thấy tầm quan trọng của kiều hối. Đối với một nước nhỏ như Ta-zi-kix-tan con số này chiếm ½ GDP. Đối với Băng-la-đét, đây là con số đáng kể hỗ trợ cho cuộc chiến chống nghèo đói. Về mặt số lượng, Ấn Độ đứng đầu thế giới với 71 tỉ USD. Để dễ so sánh, ta thấy con số này gấp 3 lần FDI năm 2012 của Ấn Độ. Kiều hối có tác động đáng kể giúp tái tạo cân bằng trong trường hợp lượng vốn chảy vào bị yếu đi như đã từng xảy ra khi Quỹ Dự trữ Trung ương Mỹ tuyên bố hạn chế chương trình bơm tiền đảm bảo thanh khoản. Và khi đồng nội tệ bị yếu đi thì kiều hối có tác động như một cơ chế tự ổn định”, ông Kaushik Basu, Phó Chủ tịch cao cấp và Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phát biểu.

Theo thống kê chính thức, các nước nhận nhiều kiều hối trong năm 2013 là Ấn Độ (khoảng 71 tỉ USD), Trung Quốc (60 tỉ USD), Phi-lip-pin (26 tỉ USD), Mê-hi-cô (22 tỉ USD), Ni-giê-ria (21 tỉ USD) và Ai Cập (20 tỉ USD). Tiếp theo là các nước nhận nhiều kiều hối khác gồm Pa-kix-tan, Băng-la-đét, Việt Nam, và U-crai-na.

Nếu so với GDP thì các nước nhận nhiều kiều hối năm 2012 là Ta-zi-kix-tan (48%), Cộng hòa Kiếc-ghi-kix-tan (31%), Lê-xô-thô và Nê-pan (25%) và Môn-đô-va (24%).

Tăng trưởng kiều hối tại các vùng trên thế giới đều rất mạnh, trừ Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê có lượng kiều hối sụt giảm do kinh tế Mỹ suy yếu.

“Kiều hối là mối liên kết dễ thấy nhất và ít gây tranh cãi nhất giữa di cư và phát triển”, ông Dilip Ratha, trưởng nhóm Di cư và Kiều hối thuộc ban Nghiên cứu Phát triển của Ngân hàng Thế giới nhận định. “Các nhà hoạch định chính sách còn có thể làm nhiều hơn nữa nhằm đạt hiệu quả tối đa của kiều hối bằng các biện pháp giúp quá trình chuyển tiền ít tốn kém hơn và lượng tiền được sử dụng hiệu quả hơn cho bản thân cá nhân và quốc gia nhận kiều hối”.

Chi phí chuyển tiền qua các kênh chính thức vẫn cao và đang cản trở việc sử dụng kiều hối cho các mục đích phát triển trong khi người chuyển tiền ưa tìm cách chuyển tiền về nhà qua các kênh phi chính thức hơn. Chi phí chuyển kiều hối trung bình toàn cầu là 9% và con số này không thay đổi kể từ 2012.

Báo cáo tóm tắt cho thấy tuy chi phí chuyển kiều hối có vẻ không đổi nhưng các ngân hàng đã bắt đầu tính thêm một số khoản phí trên lượng kiều hối chuyển về. Các khoản phí đó có thể lên đến 5% lượng kiều hối giao dịch.
Một số ngân hàng quốc tế cũng đóng tài khoản của các công ty chuyển tiền do lo ngại về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

“Những tiến triển này đánh dấu một sự đảo ngược không mong muốn của các tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực chuyển kiều hối của người di cư,” ông Ratha nói. “Điều đó đi ngược lại cam kết của các nước G20 về giảm chi phí chuyển kiều hối”.

Cộng đồng phát triển thế giới, trong quá trình thảo luận chương trình nghị sự cho giai đoạn sau năm 2015, cần chú ý tới vấn đề giảm chi phí di cư, bao gồm chi phí tuyển dụng, chi phí visa và hộ chiếu, và chi phí đăng ký cư trú.

Nhóm Ngân hàng Thế giới cam kết tiếp tục tham gia tiến trình phát triển quan trọng này như đã thể hiện qua việc thành lập Đối tác Tri thức Toàn cầu về Di cư và Phát triển (Global Knowledge Partnership on Migration and Development – KNOMAD), dự tính sẽ trở thành một trung tâm về tri thức và chính sách di cư.

Chương trình làm việc của KNOMAD tập trung vào 12 chủ đề bao gồm di cư lao động có tay nghề và không có tay nghề; gắn kết chính sách và thể chế; di cư, an ninh và phát triển; quyền của người di cư và các khía cạnh xã hội của di cư; và di cư trong nước và đô thị hóa.

Ngoài ra, KNOMAD cũng giải quyết các vấn đề liên ngành như vấn đề giới, theo dõi và đánh giá, xây dựng năng lực và dư luận và truyền thông.

Kết quả đầu ra của KNOMAD sẽ tận dụng được kinh nghiệm toàn cầu và sẽ được quảng bá rộng rãi và cung cấp như là một hàng hóa công.

---

Xem bảng phân loại quốc gia cập nhật nhất của Ngân Hàng Thế Giới ngày 1/7/2013 tại https://data.worldbank.org/news/new-country-classifications

Liên hệ truyền thông
Tại Oa-sinh-tơn
Indira Chand
tel : +1 (202) 458-0434, +1 (703) 376-7491
ichand@worldbank.org
Tại Niu-Oóc
Veronica Piatkov
tel : +1 (212) 317 4726, +1 (202) 779 6319
vpiatkov@worldbankgroup.org
Yêu cầu Phát thanh truyền hình
Mehreen A. Sheikh
tel : +1 (202) 458-7336
msheikh1@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2014/115/DEC

Api
Api

Welcome