THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Động đất chỉ ảnh hưởng “tạm thời” lên tăng trưởng của Nhật Bản, và 'có tác động không đáng kể” lên sự phục hồi kinh tế mạnh của khu vực: Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới cho biết

21 Tháng 3 Năm 2011




Singapore, 21/03/ 2011 –  Tăng trưởng GDP thực của Nhật Bản sẽ chậm lại sau trận động đất và sóng thần, nhưng chỉ mang tính tạm thời, và Nhật Bản sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại vào giữa năm 2011 khi triển khai các nỗ lực tái thiết. Đây là nhận định của Ngân hàng thế giới trong bản Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, được công bố ngày hôm nay. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá một cách đầy đủ, nhưng lịch sử Nhật Bản cho thấy đất nước này sẽ triển khai hoạt động tái thiết một cách nhanh chóng, và tác động ngắn hạn của sự kiện này lên các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á sẽ có thể ở mức độ không đáng kể.

Bản Báo cáo lần này với tiêu đề "Ổn định hiện tại, Định hình tương lai" được thực hiện ngay trước khi thảm họa tại Nhật Bản xảy ra. Trong một nghiên cứu ngay sau trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản, Ngân hàng thế giới đã tiến hành đánh giá ban đầu về tác động của những thảm họa này đối với khu vực,  trong đó tập trung vào tài chính và thương mại. Tuy nhiên, phân tích cũng chỉ cho thấy chưa có gì chắc chắn và có thách thức tiềm ẩn từ tình hình phức tạp có liên quan tới các lò phản ứng hạt nhân tại khu vực bị thiên tai của Nhật Bản.

Ông Vikram Nehru, Chuyên gia kinh tế trưởng của NHTG khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói “Rõ ràng, với vai trò quan trọng của Nhật Bản tại khu vực Đông Á, các thảm họa tại nước này chắc chắn sẽ tác động đến khu vực. Nhưng hiện tại còn quá sớm để đánh giá chính xác các thiệt hại. Tại thời điểm này, chúng tôi cho rằng tác động kinh tế của thảm họa lên khu vực Đông Á chỉ mang tính ngắn hạn.Trong tương lai gần, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất là thương mại và tài chính. Chúng tôi cho rằng Nhật Bản sẽ khôi phục lại đà tăng trưởng khi các nỗ lực tái thiết của họ bắt đầu”.

Về thương mại, nếu dựa vào diễn biến sau trận động đất tại Kobe vào năm 1995, có thể thấy thương mại Nhật Bản sẽ tăng chậm chỉ trong một vài quí. Nhập khẩu của Nhật Bản hoàn toàn phục hồi trong vòng một năm sau đó và xuất khẩu phát triển bật trở lại mức 85% trước khi có động đất. Tuy nhiên, đối với lần động đất này, việc ngắt quãng trong mạng lưới sản xuất, đặc biệt là đối với công nghiệp điện tử và ô tô sẽ có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng thương mại Nhật Bản.

Về tài chính, chỉ một phần tư số nợ dài hạn của Đông Á được tính bằng đồng Yên, từ 8% ở Trung Quốc cho đến khoảng 60% ở Thái Lan. Nếu đồng Yên tăng giá 1% sẽ làm tăng nợ phải trả hàng năm lên khoảng 250 triệu đô la Mỹ đối với các khoản nợ tính bằng đồng Yên của các nước Đông Á.

Nhìn lại năm 2010, Báo cáo đánh giá việc tăng sản lượng của khu vực là cao một cách đáng ngạc nhiên với tăng trưởng GDP thực lên đến 9,6%. Tăng trưởng cũng trải rộng: có tới 6 nước trong khu vực Đông Á tăng trưởng ít nhất 7% trong năm 2010. Kết quả này có được nhờ vào các gói kích thích tài chính và tiền tệ của nhiều quốc gia trong khu vực cộng thêm nhu cầu từ các khu vực khác tăng cao. Tăng trưởng GDP thực của khu vực được dự đoán ổn định ở mức khoảng 8% trong năm 2011 và 2012.

Cũng khá khó để tính chính xác tăng trưởng năm 2011 khi việc chống lại lạm phát đang là ưu tiên ngắn hạn. Các lựa chọn chính sách giảm lạm phát luôn là khó khăn đối với các nước thu nhập trung bình Đông Á, nơi việc áp dụng chính sách tiền tệ luôn luôn phức tạp vì dòng chảy vốn đầu tư vào khu vực lên cao cũng như giá cả hàng tiêu dùng và thực phẩm tăng chóng mặt. Gánh nặng của các chính sách điều chỉnh sẽ rơi vào chính sách tài khó, thách thức đặt ra là giảm thâm hụt nhanh nhưng đồng thời phải tạo đủ nguồn tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tối cần thiết, các dự án xã hội và trợ giúp tiền mặt cho người nghèo.

Báo cáo cũng xem xét kinh tế của khu vực trong tương lai trung và dài hạn với câu hỏi là liệu khu vực có thể tranh thủ cơ hội và giải quyết thách thức nhằm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.  Động đất và sóng thần vừa xảy ra ở Nhật Bản là một lời nhắc nhở về một trong những thách thức lớn của khu vực – rủi ro vì thiên tai. Khu vực Đông Á chiếm một nửa diện tích bề mặt trái đất, và 59% dân số của thế giới, nhưng cũng chịu đựng trên 70% thiên tai của cả thế giới. Với số dân và lượng sản xuất ngày càng tăng, các đô thị lớn của Đông Á đang chịu sự đe dọa từ thời tiết khắc nghiệt, nước biển tăng và các thảm họa khác. Các quốc gia trong khu vực cần nghiên cứu xây dựng những thành phố sáng tạo có thể chống lại thảm họa, đảm bảo môi trường bền vững và thích nghi nhanh chóng với thay đổi khí hậu.

Với xu hướng trọng tâm kinh tế thế giới dần chuyển dịch về Đông Á, khu vực này cũng cần chuẩn bị gánh vác những trách nhiệm mới, đóng góp nhiều hơn cho hàng hóa công toàn cầu. Ông Vikram Nehru nhấn mạnh: “Đông Á có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh nếu chính quyền các quốc gia sẵn sàng đưa ra những quyết định cứng rắn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong môi trường kinh tế toàn cầu không ổn định. Đồng thời, khu vực này cần phải giải quyết các thách thức trung hạn  như đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực, thu hẹp bất bình đẳng xã hội, kinh tế và giảm khí thải carbon trong sản xuất và tiêu dùng”.

 

 

Liên hệ truyền thông
Tại Singapore
Chisako Fukuda
tel : +65 85764533
cfukuda@worldbank.org
Tại Washington, DC
Mohamad Al-Arief
tel : +1 (202) 458 - 5964
malarief@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
N/A

Api
Api

Welcome