THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Việt Nam nằm trong số mười nền kinh tế cải cách tốt nhất theo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2011

4 Tháng 11 Năm 2010




Hà Nội, Việt Nam, 4/11/2010 – Những cải thiện trong đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng và cung cấp thông tin tín dụng giúp Việt Nam giành được vị trí trong số 10 nền kinh tế cải cách tốt nhất nhằm tạo điều kinh doanh thuận lợi trong năm 2009/2010, theo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2011: Tạo khác biệt cho doanh nghiệp, báo cáo thường niên lần thứ 8 do IFC và Ngân hàng Thế giới công bố.

Trong báo cáo này, Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh thuận lợi, lên thứ 78 trong số 183 nền kinh tế đề cập trong báo cáo. Singapore, đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc và New Zealand là những nền kinh tế dẫn đầu thế giới về môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Các nỗ lực cải cách thể chế và hành chính công của Chính phủ Việt Nam,đã được báo cáo Môi trường Kinh doanh 2011 ghi nhận và thể hiện ở sự tăng bậc xếp hạng chung của Việt Nam,” ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực IFC phụ trách Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan phát biểu. “Trước mắt, điều quan trọng là phải tiếp tục tập trung vào việc triển khai các cải cách trên thực tế và duy trì động lực cải cách.”

Lần đầu tiên trong 8 năm, các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương nằm trong số những nền kinh tế thực hiện cải cách tích cực nhất, với 18 trên 24 cải cách về quy định và thể chế kinh doanh trong năm qua – nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác.

Những nền kinh tế đang nổi lên như Indonesia, Malaysia và Việt Nam đi đầu trong việc đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép, đăng ký tài sản và cải thiện cung cấp thông tin tín dụng. Trong đó, Malaysia đã giảm được thời gian và chi phí chuyển nhượng bất động sản nhờ triển khai nhiều dịch vụ trực tuyến hơn.

Việt Nam tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà và chuyển thẩm quyền chứng nhận quyền sở hữu nhà từ cơ quan chính quyền địa phương sang Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm cho việc cấp phép xây dựng thuận lợi hơn nữa. Ngoài ra, hệ thống thông tin tín dụng cũng được cải thiện, cho phép người đi vay được kiểm tra báo cáo tín dụng về họ và được quyền sửa chữa các thông tin sai lệch.

Từ năm 2005 đã có khoảng 85% các nền kinh tế trên thế giới tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp địa phương thông qua 1.511 cải cách trong quy định về kinh doanh. Theo báo cáo, Trung Quốc là một trong 15 nền kinh tế cải cách tích cực nhất khi đã triển khai 14 thay đổi về thể chế nhằm tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn trong những năm gần đây, trải dài trên cả chín lĩnh vực mà Báo cáo Môi trường Kinh doanh xem xét.

Singapore là nền kinh tế đứng đầu thế giới về môi trường kinh doanh thuận lợi trong 5 năm liền. Đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc giữ vững vị trí thứ hai một phần nhờ nâng cao được hiệu quả trong giải quyết tranh chấp thương mại. Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia cũng giữ được vị trí trong nhóm 25 nền kinh tế đứng đầu.

Tính trên phạm vi toàn cầu, kinh doanh ở các nền kinh tế thuộc khối OECD thu nhập cao vẫn thuận lợi nhất và khó khăn nhất là ở khu vực Cận Sahara Châu Phi và Nam Á. Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển cũng đang ngày càng năng động hơn. Trong năm qua, 66% các nước đang phát triển đã tiến hành các cải cách trong quy định về kinh doanh, trong khi mới 6 năm trước chỉ có 34% thực hiện cải cách.

Về báo cáo thường niên Môi trường Kinh doanh

Báo cáo Môi trường Kinh doanh phân tích các quy định áp dụng cho các doanh nghiệp trong một nền kinh tế trong suốt vòng đời của doanh nghiệp, từ khi thành lập và hoạt động, thực hiện giao thương quốc tế, đóng thuế, đến đóng cửa doanh nghiệp. Môi trường Kinh doanh không đề cập đến tất cả mọi lĩnh vực của môi trường kinh doanh mà chỉ những lĩnh vực quan trọng đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chẳng hạn, báo cáo không đề cập đến các yếu tố an ninh, ổn định kinh tế vĩ mô, tham nhũng, trình độ tay nghề hay năng lực của hệ thống tài chính. Các kết quả của báo cáo đã khơi dậy những tranh luận về chính sách ở hơn 80 nền kinh tế và tạo điều kiện hình thành một cơ quan chuyên nghiên cứu về mối liên hệ giữa các quy định ở cấp độ doanh nghiệp và thành quả kinh tế ở khắp các nước.

Về Nhóm Ngân hàng Thế giới

Nhóm Ngân hàng Thế giới là một trong những nguồn cung cấp vốn và tri thức lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển. Nhóm bao gồm 5 tổ chức có liên hệ chặt chẽ đó là Ngân Hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA); và Trung tâm Giải quyết Các Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID). Mỗi một tổ chức này đều có vai trò riêng biệt trong công cuộc chống đói nghèo và cải thiện mức sống cho người dân ở các nước đang phát triển.

 

Liên hệ truyền thông
Tại Washington, D.C
Nadine Ghannam
tel : +1 (202) 473-3011
nsghannam@ifc.org
Tại Hà Nội
Chu Vân Anh
tel : +844-3934 2282
canh1@ifc.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : +844-39346600
nnguyen5@worldbank.org



Api
Api

Welcome