THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Kết quả nổi bật về Phát triển của Việt Nam giúp tăng thêm hỗ trợ

7 Tháng 4 Năm 2010



Washington DC, 6/4/2010 - Khẳng định những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong tiến trình đạt được vị trí nước có thu nhập trung bình, Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt một khoản vay thứ hai cho Việt Nam từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD). Khoản vay giúp cải cách cho ngành điện này và các khoản vay IDA cho bốn dự án khác đã được phê duyệt để hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, y tế và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu vực dễ bị tổn thương ở miền Bắc, đồng bằng sông Hồng và thành phố Hồ Chí Minh đang đô thị hóa nhanh.

Có rất nhiều con số cụ thể chứng minh cho sự tiến bộ của Việt nam. Ví dụ, Dự án Giảm nghèo Các tỉnh Miền núi Phía Bắc giai đoạn 1 giúp tăng gấp đôi thu nhập cho hộ gia đình tham gia từ 4.300.000 đồng (khoảng US $ 226) trước khi dự án được thực hiện đến 10,600,000 (khoảng US$ 557) khi dự án kết thúc năm 2007. Trong giai đoạn đầu của dự án này, hơn 350.000 hộ gia đình được hưởng lợi từ các dịch vụ y tế tốt hơn và hơn 118.000 hộ gia đình được tiếp cận nước sạch,cải thiện đáng kể sức khỏe của người dân địa phương.

"Việc phát triển của Việt Nam là cảm hứng cho các nước ngoài khu vực Đông Á," ông Jim Adams, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương nói. "Thách thức hiện nay là đảm bảo chất lượng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và con người của Ngân hàng sẽ hỗ trợ những cải cách quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, tính bền vững và tăng trưởng sạch hơn trong ngắn hạn đồng thời cũng tạo điều kiện cần thiết cho tăng trưởng lâu dài."

Ban Giám đốc Điều hành đã phê duyệt các dự án sau:

Dự án Giảm nghèo Các tỉnh Miền múi phía Bắc giai đoạn hai, trị giá 150 triệu đô la: Hướng đến các khu vực dân tộc thiểu số nghèo nhất Việt Nam, dự án này được xây dựng trên sự thành công của dự án thứ nhất để nâng cao mức sống của người dân địa phương. Dự án sẽ giúp cải thiện và đa dạng hóa sinh kế của người nghèo, giúp họ cơ hội tiếp cận tốt hơn thông qua cải thiện hạ tầng sản xuất, các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, cải thiện năng suất nông nghiệp và tạo thêm cơ hội việc làm tại chỗ. Nó cũng giúp xây dựng năng lực của chính quyền địa phương và cộng đồng để lập kế hoạch, quản lý và thực hiện các hoạt động cải thiện sinh kế tại địa phương.

Dự án Hỗ trợ Y tế khu vực Bắc Trung Bộ, trị giá 65 triệu đô la: Năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Luật Bảo hiểm Y tế nhằm tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong thập kỷ này. Dự án sẽ tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế cho đối tượng cận nghèo, hiện chỉ chiếm 10% . Dự án cũng đầu tư vào nâng cấp năng lực của các bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng, đào tạo cán bộ y tế và nâng cấp các trường cao đẳng y tế.

"Cả hai dự án này sẽ xóa khoảng cách trong xoá đói giảm nghèo", bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói. "Tăng trưởng nhanh cần phải được hỗ trợ bởi các chương trình như vậy mới giúp người dân ở vùng hẻo lánh và có hoàn cảnh khó khăn bắt kịp với mọi người để có cơ hội tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Cách tiếp cận lấy cộng đồng làm định hướng tiếp tục hỗ trợ tất cả các thành viên xã hội thực hiện nguyện vọng phát triển cá nhân và tập thể của họ."

Bổ sung Tài chính Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Hồ chí Minh, trị giá 90 triệu đô la: Dự án xây dựng hệ thống thoát nước, có tổng chiều dài 335 km, cho lưu vực trung tâm của thành phố để kiểm soát lũ lụt hàng năm và tăng thu phí nước thải một cách bền vững với môi trường và tài chính. Cùng với nạo vét kênh mương và làm đê kè, dự án cũng sẽ giảm thiểu ngập lụt cho hơn 240.000 hộ gia đình, ngăn ngừa thiệt hại cơ sở hạ tầng - ước tính hiện nay khoảng $78 triệu đô hàng năm, giảm thiểu rủi ro sức khỏe cộng đồng. Hơn 1,2 triệu người sẽ được hưởng lợi từ dự án.

Bổ sung Tài chính Dự án Vệ sinh và Cấp nước Nông thôn đồng bằng sông Hồng, trị giá 65 triệu đô: Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho vệ sinh và cấp nước sẽ làm cho 800 ngàn người được hưởng lợi. Dự án cũng hỗ trợ thay đổi hành vi vệ sinh ở 120 xã trong khi giúp chính phủ xây dựng năng lực cho các trạm cấp nước nông thôn được hoạt động một cách bền vững, với giá nước có thể đủ cho việc hoạt động, bảo dưỡng và trả lãi.

Dự án Vốn vay Chính sách Phát triển Cải tạo Ngành điện giai đoạn 1, trị giá 312 triệu đô la: Dự án  tập trung vào bốn lĩnh vực chính sách cần thiết để cải cách ngành điện của Việt Nam: phát triển thị trường điện cạnh tranh bằng cách giảm sự độc quyền hiện có, chuyển dịch cơ cấu ngành điện cung cấp cho khách hàng lựa chọn dịch vụ, cải cách giá điện để thu hút các nhà đầu tư mới và nâng cao hiệu suất năng lượng.

Liên hệ truyền thông
Tại Washington
Elisabeth Mealey Jane
emealey@worldbank.org
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : (84-4) 934 6600 - 234
nnguyen5@worldbank.org


Api
Api

Welcome