WASHINGTON, Ngày 15 tháng 1 năm 2010—Theo một cuộc khảo sát mới của Ngân hàng Thế giới về ngành hậu cần, năng lực của các nước trong việc vận chuyển hàng hóa và kết nối các nhà sản xuất, người tiêu dung với thị trường quốc tế đang có những bước tiến trên toàn cầu, nhưng cần có những tiến triển hơn nữa nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn và giúp các công ty có lợi ích từ phục hồi thương mại.
Nước Đức đứng đầu trong số 155 nền kinh tế về Chỉ số hoạt động Ngành Hậu cần (Logistics Performance Indicators - LPI), được đưa ra trong báo cáo Kết nối để cạnh tranh 2010: Ngành hậu cần thương mại trong nền kinh tế toàn cầu. Nghiên cứu được dựa trên cuộc khảo sát toàn diện nhất về các hãng vận tải hàng hóa quốc tế.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert B. Zoellick, trong chuyến thăm nước Đức vào ngày 13-15 tháng 1 nhằm thảo luận các vấn đề kinh tế và tăng trưởng toàn cầu, đã nói “Cạnh tranh kinh tế thúc đẩy các nước đẩy mạnh thành quả hoạt động và phát triển hậu cần là một cách khôn ngoan tạo thêm hiệu suất, giảm giá thành và cộng thêm giá trị cho tăng trưởng kinh tế. Hợp lý hóa mối liên hệ giữa các thị trường, nhà sản xuất, nông dân và người tiêu thụ mang lại sự phát triển lớn lao cũng như các cơ hội đầu tư và cần là trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển của các nước phát triển. Với tư cách là tổ chức phát hành bản báo cáo toàn cầu, tôi rất hài lòng khi đến thăm nước Đức, nước dẫn đầu về hiệu quả trong ngành hậu cần”
Theo LPI, các nền kinh tế thu nhập cao chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng dẫn đầu, với hầu hết trong số đó chiếm giữ các vị trí quan trọng trong chuỗi cung cấp trong khu vực và trên toàn cầu. Ngược lại, mười nước đứng dưới cùng hầu hết là từ nhóm thu nhập thấp.
Mặc dù nghiên cứu cho thấy có “khoảng cách hậu cần” đáng kế giữa các nước giàu và hầu hết các nước đang phát triển, nghiên cứu cũng thấy những xu hướng tích cực trong một số khu vực cơ bản đối với thực thi thương mại hậu cần. Một vài trong số đó bao gồm hiện đại hóa thủ tục hải quan, sử dụng công nghệ thông tin và phát triển các dịch vụ hậu cần tư nhân.
Ông Otaviano Canuto, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách vấn đề Giảm nghèo và Quản lý kinh tế nói “Tiếp theo cuộc khảo sát đầu tiên của chúng tôi vào năm 2007, nhiều nước đang phát triển đã nâng cao năng lực kết nối với thị trường thế giới, một thành phần mấu chốt cho cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu các nước đang phát triển muốn thoát khỏi khủng hoảng trong một vị thế mạnh và cạnh tranh hơn, họ cần đầu tư vào ngành hậu cần tốt hơn”
Ông Bernard Hoekman, Giám đốc Ban Thương Mại, Ngân hàng Thế giới nói “Các nước có hậu cần tốt hơn có thể phát triển nhanh hơn, trở nên cạnh tranh hơn và tăng thêm cấp độ đầu tư. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tăng cường thực thi thương mại hậu cần tại các nước thu nhập thấp tới các nước có thu nhập trung bình có thể thúc đẩy thương mại tăng 15% và có lợi cho tất cả các công ty và người tiêu dùng vì giá thành thấp hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn.”
Bản báo cáo, do hai nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới, Jean Francois Arvis và Monica Alina Mustra thực hiện, lưu ý rằng tại các nước đang phát triển, ngành hậu cần nhiều khi không phản ánh thu nhập bình quân đầu người: Nhiều nước có ngành hậu cần tốt hơn là nếu chúng ta nhìn thứ hạng theo bình quân thu nhập. Mười nước đáng kể nhất bao gồm Trung Quốc (27), Ấn Độ (47), Uganda (66), Việt Nam (53), Thái Lan (35), Philipin (44), Nam Phi (28)
Cũng như vậy, các nước có các cải thiện đáng kể trong chỉ số LPI giữa hai cuộc khảo sát (2007 và 2010 LPI) thường là các nước thực thi thương mại hậu cần toàn diện và cải tổ thương mại sớm hơn như Colombia, Brazil và Tuy-ni-zi
Về mặt các nước đang phát triển đang thực hiện thế nào trong khu vực, Nam Phi (28) dẫn đầu khu vực châu Phi, Trung Quốc (27) từ Đông Á, Ba Lan (30) từ Trung và Đông Âu, Brazil (41) từ Mỹ Latin. Li-băng (33) từ Trung Đông và Ấn Độ từ Nam Á.
Theo như nghiên cứu, ngành hậu cần bị chi phối mạnh mẽ bởi chất lượng các thể chế khu vực công và sự phối hợp hiệu quả của các quy trình giấy phép tại cửa khẩu giữa các cơ quan quản lý biên giới. Trong phạm vi này, khu vực hải quan thực hiện tốt hơn nhiều cơ quan khác, cho thấy sự cần thiết của cải tổ quản lý vùng biên giới. Đối với các nước hậu cần kém, trung bình có một nửa các công-ten-nơ bị kiểm tra và một phần bảy công-ten-nơ bị kiểm tra ít nhất hai lần.
Các khu vực khác cần cải thiện bao gồm các chính sách giao thông tốt hơn, tăng cường tính cạnh tranh trong các dịch vụ liên quan đến thương mại như vận tải hàng hóa đường bộ, hàng không, xe lửa và đẩy mạnh cơ sở hạ tầng. Đối với các nước thu nhập thấp, rào cản lớn nhất thường nằm ở các dịch vụ hậu cần và hệ thống quá cảnh quốc tế. Để các nước hoạt động tốt hơn trên nhiều chỉ số khác, cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại thường được báo cáo là một ưu tiên cho các nước có thu nhập trung bình.
Ngân hàng Thế giới có một số dự án được thiết kế để cải thiện hậu cần thương mại ở các nước đang phát triển. Dự án Đông Phi và Thuận lợi hóa giao thông trị giá 250 triệu USD đã nâng cấp hành lang hạ tầng và nâng cấp đường biên chính giữa Uganda và Kenya tại Malaba, giảm thời gian đi qua biên giới từ 3 ngày xuống còn 3 giờ. Tại Tuy-ni-zi, một hoạt động trị giá 250 triệu USD đang cải thiện tính cạnh tranh thông qua giảm chi phí thương mại và hợp lý hóa các thủ tục hải quan vùng biên. Tại Áp-ga-nis-tan, Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ vốn cho dự án trị giá 31,2 triệu USD nhằm hiện đại hóa và điện toán hóa bốn ngã tư vùng biên chính, tăng doanh thu hải quan từ 50 triệu USD khi dự án mới bắt đầu năm 2004 lên trên 399 triệu USD năm 2008.
Thêm vào đó, Ngân hàng thế giới đang làm việc cùng IBM, Microsoft và Hiệp hội Vận tải tốc hành toàn cầu, là một phần của quan hệ đối tác công-tư trong “Hỗ trợ thuận lợi hóa thương mại”. Mục tiêu là nhằm phát triển các dự án thí điểm tại các nước đang phát triển đang áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin sáng tạo nhằm hợp lý hóa các thủ tục hải quan biên giới.