Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ 25 Tháng 6 Năm 2019

Nâng cấp đô thị dựa vào sự tham gia của cộng đồng giúp cải thiện điều kiện sống cho hàng triệu người nghèo tại Việt Nam

Image

Hẻm 231 đường D1 Khu Dân cư Thu nhập thấp số 1 tỉnh Cà Mau trước khi nâng cấp. Dự án MDRUUP đã nâng cấp hơn 260 km đường hẻm và 480 km cống ở các khu dân cư thu nhập thấp, ở vùng trũng thấp, và nâng cao điều kiện sống cho 625.000 người thụ hưởng.

 


Tiêu Điểm

  • Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị không những làm cho các thành phố trở thành nơi đáng sống hơn, mà còn góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cho tất cả mọi người. Ở Việt Nam, các dự án nâng cấp đô thị do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã giúp cải thiện điều kiện sống cho hàng triệu người nghèo đô thị.
  • Sự tham gia thực chất của cộng đồng và cách tiếp cận đa ngành toàn diện là những yếu tố then chốt dẫn đến thành công của dự án. Yếu tố đầu tăng sự tham gia và cam kết của người dân trong khi yếu tố sau giúp giảm chi phí và thời gian đáng kể.
  • Tổng lợi ích kinh tế xét về tiết kiệm chi phí y tế và thời gian sản xuất, giảm thiệt hại do ngập lụt, cũng như tăng giá trị đất vùng dự án ước tính gần gấp đôi số vốn đầu tư ban đầu.

Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị không những làm cho các thành phố trở thành nơi đáng sống hơn, mà còn góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cho tất cả mọi người. Ở Việt Nam, một công ty gia đình tọa lạc trong một con hẻm nhỏ hiểu rõ điều này nhất. Thành Lợi, một hộ kinh doanh tương ớt, gia vị cay, và xi-rô đóng chai tại tỉnh Trà Vinh, đã có thể tăng gấp đôi doanh thu sau khi một dự án nâng cấp đô thị cải tạo con hẻm cho phép ô tô ra vào.

Trước đây, công ty chỉ có thể sử dụng xe máy để vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu, và đây là trở ngại lớn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau khi con hẻm được nâng cấp trong khuôn khổ một dự án do Ngân hàng Thế giới (NHTG) tài trợ, xe tải đã có thể lưu thông vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện tốt để Thành Lợi đã tăng gấp đôi công suất.

Năm 2003, khi các chuyên gia của NHTG lần đầu tiên đưa ra ý tưởng thực hiện một dự án nâng cấp đô thị quy mô lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều người đã bày tỏ sự hoài nghi. Trước đó đã có nhiều dự án tương tự, do chính quyền thành phố và các tổ chức phi chính phủ thực hiện, nhưng không đạt được nhiều thành công.

16 năm sau, thành công của dự án này đã vượt ra ngoài phạm vi của thành phố Hồ Chí Minh. Dự án Nâng cấp Đô thị Việt Nam đầu tiên, hoàn thành vào năm 2014, đã cải thiện điều kiện sống cho hàng triệu người dân thành thị nghèo không chỉ ở Tp. Hồ Chí Minh mà còn ở ba thành phố khác là Nam Định, Cần Thơ và Hải Phòng. Dự án Nâng cấp Đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MDRUUP) vừa được hoàn thành gần đây đã mang lại hiệu ứng tích cực tại sáu thành phố nhỏ hơn ở đồng bằng sông Cửu Long. Dự án Mở rộng Nâng cấp Đô thị Việt Nam đang nỗ lực giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng như hệ thống đường, thoát nước, cống, điện, phòng cháy chữa cháy trong các con hẻm cho cộng đồng thu nhập thấp ở bảy thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long.

 


"Chúng tôi rất coi trọng sự tham gia của cộng đồng. Chúng tôi sẽ không triển khai tiếp các hoạt động trừ khi được ít nhất 60% người dân chấp thuận. Trên cơ sở những buổi họp dân, chúng tôi đã cùng với cộng đồng xây dựng kế hoạch nâng cấp chi tiết cụ thể…"
Hoàng Thị Hoa
Chuyên gia Phát triển Đô thị cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Image

Hẻm 231 đường D1 Khu Dân cư Thu nhập thấp số 1 tỉnh Cà Mau sau khi nâng cấp.

 


Dự án MDRUUP đã nâng cấp hơn 260 km đường hẻm và 480 km cống ở các khu dân cư thu nhập thấp, ở vùng trũng thấp, và nâng cao điều kiện sống cho 625.000 người thụ hưởng. Hai triệu người khác được hưởng lợi gián tiếp từ cơ sở hạ tầng được cải thiện và các công trình xã hội xây mới trên toàn thành phố. Khi hoàn thành dự án, 99,4% hộ gia đình ở các khu thu nhập thấp đã được đấu nối với hệ thống cấp nước và 97,9% hộ gia đình được thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày. Trước đây, trung bình 21,4% hộ gia đình không có nước sạch và 23,9% hộ gia đình không được dùng dịch vụ thu gom chất thải rắn.

Có hai yếu tố then chốt dẫn đến thành công của cả hai dự án. “Chúng tôi đã rất coi trọng sự tham gia của cộng đồng. Chúng tôi sẽ không triển khai tiếp các hoạt động trừ khi được ít nhất 60% người dân chấp thuận. Trên cơ sở những buổi họp dân, chúng tôi đã cùng với cộng đồng xây dựng kế hoạch nâng cấp - còn được gọi là tuyên ngôn của dự án”, bà Hoàng Thị Hoa, Chuyên gia Phát triển Đô thị cao cấp của NHTG tại Việt Nam, cho biết.

Dự án MDRUUP cũng xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại được những người dân sử dụng tương đối thường xuyên. Để nâng cao hơn nữa ý thức làm chủ của người dân ở đây, dự án yêu cầu cộng đồng phải đóng góp 3% giá trị của hợp phần nâng cấp đường. Tỷ lệ này được xác định dựa trên các cuộc khảo sát toàn diện về mức độ sẵn sàng chi trả và khả năng chi trả của người thụ hưởng. Trung bình một hộ gia đình 3 người đóng góp khoảng 400.000 đồng (17 USD).

Một số người có thể coi việc đóng góp bắt buộc là một trở ngại, nhưng các chuyên gia của NHTG nhận thấy yêu cầu này làm tăng sự tham gia và cam kết của người dân. Có thêm trách nhiệm tài chính đã khuyến khích các cộng đồng địa phương chủ động giám sát tiến độ và chất lượng xây dựng, đóng vai trò là những giám sát viên cộng đồng tận tâm.

Sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng, nhưng chỉ là một phần trong quá trình này. Một yếu tố cơ bản khác là việc áp dụng cách tiếp cận đa ngành toàn diện. Nếu như theo cách tiếp cận nâng cấp trước đây, đôi khi một con đường mới được trải nhựa vài tháng là lại bị đào lên để lắp đặt đường ống nước mới. Dự án đã đảm bảo điều này không xảy ra. Ở mọi nơi, những hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng đã được thực hiện theo theo đúng quy trình hợp lý, kết hợp giữa các ngành cấp nước, thoát nước, trải nhựa, điện, vệ sinh môi trường, và quản lý chất thải rắn sao cho phù hợp với nhu cầu của cộng đồng.

Ưu điểm dễ nhận thấy của phương pháp này là tiết kiệm thời gian và chi phí, nhưng nó đòi hỏi sự phối hợp hết sức nhịp nhàng, mà điều này sẽ không thể có được nếu các hợp phần của dự án không được lồng ghép vào kế hoạch hành động của chính quyền sở tại. Nhờ đó, các cấp, các ngành hợp tác rất chặt chẽ và hiểu rõ về dự án.

Mặc dù số tiền đầu tư dự kiến ban đầu không thay đổi, dự án MDRUUP đã vượt chỉ tiêu  đề ra, có những hợp phần tăng hơn gấp đôi. Đơn cử số người có thu nhập thấp được sử dụng cơ sở hạ tầng nâng cấp được cải thiện đã tăng từ 146.000 đến 355.000 người, những con đường được xây mới và cải tạo đã tăng từ 150 km đến 260 km, chiều dài hệ thống cống được xây dựng tăng từ 240 km lên 480 km, cùng với số hộ gia đình được đấu nối nước tăng từ 26.000 đến 43.300 hộ. Tổng lợi ích có thể định lượng trong toàn bộ đời dự án được ước tính khoảng 724 triệu USD nếu xét đến tiết kiệm chi phí y tế và thời gian sản xuất, giảm thiệt hại do ngập lụt, cũng như tăng giá đất, số tiền này gần gấp đôi số vốn đầu tư ban đầu của dự án. Và người dân địa phương được hưởng trọn vẹn những lợi ích này.


Api
Api