PHÓNG SỰ

Dành chỗ cho dòng sông

29 Tháng 8 Năm 2014


Image

Các nét chính của bài viết
  • Các cấp lãnh đạo trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn, đó là làm sao tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất bảo vệ khu vực đồng bằng, đất canh tác, giao thông đường thủy và vùng bờ biển trước các hiện tượng lũ lụt, xói lở và xâm nhập mặn. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác bảo vệ khu vực đồng bằng không hề nhỏ và đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm các giải pháp “mềm”.
  • Chính phủ Việt Nam đang huy động các nguồn lực trong nước cho các hoạt động về khí hậu, đề ra các mục tiêu về phát thải và triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng nỗ lực lồng ghép các chính sách khí hậu vào công tác quy hoạch ngành và điều phối ở cấp cao các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang tỏ rõ quyết tâm hành động trên lĩnh vực biến đổi khí hậu. Và ông không đơn độc trong cuộc chiến này. Trong tháng này, các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo và kêu gọi những người khác cùng tham gia tăng cường hoạt động trên lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Chính phủ Việt Nam đang huy động các nguồn lực trong nước cho các hoạt động về khí hậu, đề ra các mục tiêu về phát thải và đưa vào triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng nỗ lực lồng ghép các chính sách khí hậu vào công tác qui hoạch ngành và điều phối ở cấp cao các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Nhưng vẫn còn những vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn phải quan tâm giải quyết, như tình trạng thiếu nước ngọt ngày càng tăng, chất lượng nguồn nước giảm, và làm sao có đủ năng lực sản xuất gạo đáp ứng nhu cầu trong nước và đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Ông nhận thức được về mức độ tổn thương thực sự của người dân, khả năng sinh kế và tài sản của họ trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông đang tìm kiếm nguồn lực và kiến thức chuyên môn có thể giúp đất nước quản lý rủi ro khí hậu và tăng cường khả năng kháng cự trước các rủi ro đó.

Tại Việt Nam, các cơn bão ngày càng có cường độ mạnh hơn, các trận lụt và hạn hán ngày càng thường xuyên hơn. Nước biển dâng và xâm nhập mặn gây nên những tổn thất lớn về kinh tế và con người; trong vòng 20 năm qua, mỗi năm thiên tai gây thiệt hại kinh tế trung bình khoảng 1%  đến 1,5% GDP.

Các cấp lãnh đạo trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – từ cơ sở đến cấp tỉnh và cấp trung ương – đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn, đó là làm sao tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất bảo vệ khu vực đồng bằng, đất canh tác, giao thông đường thủy và vùng bờ biển trước các hiện tượng lũ lụt, xói lở và xâm nhập mặn. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác bảo vệ khu vực đồng bằng không hề nhỏ và đòi hỏi chúng ta cần tìm kiếm các giải pháp “mềm”, chi phí thấp và hiệu quả, ví dụ khôi phục rừng ngập mặn. Đối với mỗi phương án riêng rẽ hoặc kết hợp một vài phương án với nhau đều cần phải tiến hành phân tích chi phí – lợi ích, phân tích cái được cái mất khá chi tiết và phức tạp. Có lẽ điều duy nhất mà ta biết chắc chắn là nếu càng trì hoãn hành động thì chi phí sẽ càng cao. 



" Một chiến lược phát triển dài hạn cho khu vực đòi hỏi nỗ lực không ngừng nhằm quản lý theo hướng thích ứng dựa trên kiến thức khoa học và phối hợp hành động giữa nhiều ngành, nhiều địa phương trong công tác qui hoạch, xác định mục tiêu ưu tiên và thực hiện các dự án đầu tư tăng cường năng lực kháng cự. "

Anjali Acharya

Chuyên gia cao cấp về Môi trường, Ngân hàng Thế giới


Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam, sản xuất ra 50% sản lượng gạo và 70% thủy sản toàn quốc. Gần 20% số người nghèo nhất trong cả nước sinh sống tại đây. 18 triệu dân trong vùng là những người đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Dân số tăng trong khi đất bị chìm xuống và nước biển dâng. Hệ quả là các trận lũ lụt ngày càng thường xuyên hơn.

Các công trình thủy điện và tưới tiêu phía thượng nguồn đang làm thay đổi dòng chảy, quá trình bồi lắng phù sa và luồng di cư tự nhiên của cá. Sự thay đổi dòng chảy đã ảnh hưởng tới khả năng chống ngập mặn phía hạ nguồn. Sự cân bằng toàn vùng đang bị đe dọa.

Không hi vọng sẽ giải quyết được các vấn đề này trong thời gian ngắn. Các kết quả nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu sẽ càng làm trầm trọng thêm các thách thức về sử dụng đất và nước ngọt kể trên. Mực nước biển sẽ tăng lên, các cơn bão sẽ mạnh hơn và năng suất lúa sẽ giảm đến 12% do bị xâm nhập mặn. Nuôi trồng thủy sản cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ tính riêng chi phí thích ứng biến đổi khí hậu cho ngành thủy sản đã lên tới 130 đến 190 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Ngay bây giờ, các cơ quan chức năng và người dân phải quyết định phương án bảo vệ khu vực đồng bằng, khi nào dành khoảng trống cho các dòng sông, chặn nước mặn ở đâu và phương án điều chỉnh các biện pháp sinh kế, canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản như thế nào để thích ứng với thực tế mới.

Để giải quyết các thách thức đó, Ngân hàng Thế giới đang cùng với các đối tác phát triển giúp các địa phương trong vùng lập kế hoạch dài hạn và thực hiện chuyển giao kiến thức và hỗ trợ vốn.

Công tác hỗ trợ qui hoạch tại các địa phương như tỉnh Bến Tre sẽ dựa trên một khung hỗ trợ ra quyết định, trong khung hỗ trợ đó sẽ cung cấp số liệu và kết quả phân tích do các cơ quan chức năng và các đối tác phát triển yêu cầu, cùng với các bản đồ thông tin địa lý GIS, quy hoạch tổng thể ngành, kiến thức tại chỗ và mô hình khí hậu.

Qua đó có thể tìm ra các giải pháp tiết kiệm chi phí, ví dụ đắp đê bao, xây cống ngăn mặn, trồng rừng ngập mặn. Bản đồ GIS sẽ cung cấp thông tin cho biết khu vực canh tác hay khu dân cư nào có nguy cơ bị ngập lụt hoặc khu canh tác lúa nào có nguy cơ bị nhiễm mặn, qua đó sẽ giúp đưa ra các quyết định qui hoạch và đầu tư đúng đắn.

Khung hỗ trợ ra quyết định giúp cơ quan chức năng và lãnh đạo địa phương hiểu rõ hơn hệ quả của các phương án mà họ lựa chọn, đánh giá các phương án và cùng nhau đánh giá cái được cái mất không tránh khỏi của từng phương án.

“Một chiến lược phát triển dài hạn cho khu vực đòi hỏi nỗ lực không ngừng nhằm quản lý theo hướng thích ứng dựa trên kiến thức khoa học và phối hợp hành động giữa nhiều ngành, nhiều địa phương trong công tác qui hoạch, xác định mục tiêu ưu tiên và thực hiện các dự án đầu tư tăng cường năng lực kháng cự,” bà Anjali Acharya, chuyên gia cao cấp về Môi trường, trưởng nhóm công tác đa ngành về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

Dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cung cấp các bài học kinh nghiệm cho các nước lân cận và các khu vực châu thổ sông Hằng, sông Okavango, sông Mississippi và các hệ sinh thái châu thổ phức tạp khác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu được tổ chức vào tháng 9. Ông hi vọng sẽ chia sẻ kinh nghiệm và khích lệ những người khác tham gia hành động toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.



Api
Api

Welcome