PHÓNG SỰ

Việt Nam: Trẻ em dân tộc thiểu số thích đến trường nhờ những bài học gần gũi cuộc sống

4 Tháng 9 Năm 2013



Các nét chính của bài viết
  • Học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa ở Việt Nam rất khó để hiểu được bài học vì các em không nói được tiếng Việt, ngôn ngữ chính thức giảng dạy trong nhà trường.
  • Nhờ một dự án do Ngân hàng Thế giới quản lý, những bài học song ngữ và tài liệu học tập thiết kế riêng giúp trường học trở nên gần gũi và thú vị hơn cho học sinh.
  • Phụ huynh và cộng đồng cùng tham gia với học sinh và giáo viên để xây dựng thư viện, thiết kế tài liệu học tập và nâng cấp thiết bị dạy học để các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái, Điện Biên và Quảng Trị ở Việt Nam, nhiều học sinh dân tộc thiểu số không thích đi học. Do không nói được tiếng Việt – ngôn ngữ chính thức dùng trong giảng dạy ở nhà trường – các em cảm thấy rất khó hiểu được bài. Thầy cô giáo phải thường xuyên đến từng nhà học sinh để vận động các em đến trường.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi.  Từ năm 2010, càng ngày càng có nhiều học sinh yêu thích đến trường. Thậm chí, các em còn đi học sớm để kịp ghé đọc sách ở thư viện mới của trường trước khi giờ học bắt đầu.

“Em thích đến trường vì em có thể đọc sách trong nhà nấm [thư viện ngoài trời],” một học sinh lớp 4 ở trường tiểu học Nậm Lành, Văn Chấn, Yên Bái hào hứng kể. “Các thầy cô còn đẩy xe sách truyện đi quanh để cho chúng em chọn nữa.”

Bắt đầu thực hiện từ năm 2010, dự án Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số ở 3 tỉnh vùng khó khăn của Việt Nam đã mang đến một phương pháp học trực quan sinh động  hơn cho khoảng 31.000 học sinh ở 49 trường tiểu học.

Dự án được tài trợ thông qua Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản, và được tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) và Ngân hàng Thế giới đồng quản lý. Trong dự án này, các trợ giảng giúp giải thích bài học cho học sinh bằng tiếng địa phương. Ở một số trường, tiếng Việt còn được dạy như ngôn ngữ thứ hai. Phương pháp này giúp các em học sinh hiểu bài dễ dàng hơn.

Dưới sự chỉ dẫn của các thầy cô, các em học sinh tự tạo ra những cuốn sách riêng của mình bằng từ ngữ, hình ảnh và tranh vẽ của chính mình. Vì nội dung gần gũi với cuộc sống của mình nên các em rất say mê đọc. Đồng thời, việc đọc nhiều lại giúp các em cải thiện căn bản vốn tiếng Việt của mình.

Để cho việc học càng trở nên thú vị hơn, các lớp học còn trưng bày quần áo dân tộc, đồ chơi truyền thống từ các lễ hội dân gian và nhạc cụ dân tộc, Những câu chuyện lịch sử địa phương, những chi tiết thú vị từ cuộc sống cộng đồng được đưa vào sử dụng như những nội dung dạy và học.

Ý tưởng chính của dự án là thay thế cách học vẹt như hiện nay bằng những lớp học tương tác, sinh động hơn. Nhờ cách học mới, học sinh hiểu bài nhanh hơn và cũng gần gũi với thầy cô hơn.


" Em thích đến trường vì em học được nhiều điều hay. Em muốn trở thành cô giáo. "

Lê Triệu Như Ý

Học sinh lớp 3 người dân tộc Dao ở Yên Bái

Trước khi có dự án, các em học sinh thường thấy các bài học rất chán, nhất là ở các lớp học cả ngày. Các em thường ngủ gật trong lớp và không thích học. Nhưng bây giờ vừa học vừa chơi, các em làm bài nhanh hơn và tốt hơn hẳn.

“Trước năm 2010, ở chỗ chúng tôi có rất nhiều trẻ em bỏ học,” ông Bùi Kim Đồng, cán bộ phòng Giáo dục Văn Chấn, Yên Bái chia sẻ. “Bây giờ chúng tôi không gặp phải vấn đề này ở các vùng sâu, vùng xa nữa.”

Người dân trong cộng đồng địa phương cũng tham gia động viên trẻ đến trường thông qua việc giúp đỡ xây dựng thư viện và làm công cụ giảng dạy và đồ chơi dùng trong lớp học.

Cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của cha mẹ học sinh và cộng đồng, dự án đã hỗ trợ nâng cấp các phòng học, nhà vệ sinh và cả bếp ăn nhà trường, giúp cho việc đi học của các em càng vui hơn.

Hơn 6.500 giáo viên đã nhận được sự giúp đỡ của dự án thông qua các khóa đào tạo thường xuyên và các cuộc gặp gỡ để trao đổi chuyên môn và kinh nghiệm. Giáo viên cũng cải thiện được kỹ năng giảng dạy khi tự thiết kế tài liệu, công cụ học tập.

Kết thúc vào tháng 6 năm 2013, dự án đã thực sự giúp trường học trở nên gần gũi hơn với học sinh và giúp các em trở nên tự tin hơn.

“Em thích đến trường vì em học được nhiều điều hay. Em muốn trở thành cô giáo,” Lê Triệu Như ý, học sinh lớp 3 người dân tộc Dao ở Yên Bái chia sẻ.


Api
Api

Welcome