PHÓNG SỰ

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012: Tổng quan

13 Tháng 1 Năm 2012


Chủ đề của Báo cáo Phát triển Việt Nam năm nay là củng cố nền kinh tế thị trường khi Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Việt Nam có thể sử dụng sức mạnh của thị trường và vai trò thúc đẩy của Nhà nước để hình thành một giai đoạn mới của phát triển mang tính hiệu quả và công bằng hơn. Điều này có thể được thực hiên thông qua củng cố thể chế (institutions), tăng cường cơ chế khuyến khích (incentives) và cung cấp thông tin đầy đủ (information) - được gọi là 3 chữ I của kinh tế thị trường.

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi Mới – một công cuộc đổi mới kinh tế chính trị tự thân – đánh dấu quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1990 đến 2010, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,3%, thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp năm lần. Sự chuyển đổi của Việt Nam – từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường và từ một đất nước rất nghèo trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong vòng chưa đến 20 năm – đã trở thành một phần trong các sách giáo khoa về phát triển.

Nhưng một sự chuyển đổi khác của Việt Nam—để trở thành một nền kinh tế công nghiệp, hiện đại—hầu như mới chỉ bắt đầu. Theo Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội, Việt Nam mong muốn đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 3.000 đô la Mỹ vào năm 2020. Điều này có nghĩa là mức thu nhập bình quân đầu người phải tăng gần 10% mỗi năm—đòi hỏi Việt Nam phải nhân rộng và duy trì được thành tựu kinh tế mà mình đã đạt được trong mười năm qua trong vòng mười năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu này, theo Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội, Việt Nam cần phải bình ổn kinh tế vĩ mô, xây dựng cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn thế giới, xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng và tăng cường các thể chế kinh tế thị trường của mình.

Đạt được những nguyện vọng này không phải là điều dễ dàng. Việt Nam đã phải trải qua những cơn sóng gió chưa từng có trong nền kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây—lạm phát hai con số, tiền đồng mất giá, nguồn vốn tháo chạy và suy giảm dự trữ ngoại hối—làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư. Tăng trưởng nhanh cũng làm bộc lộ những vấn đề mang tính cơ cấu. Chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng vẫn là nguyên nhân gây quan ngại nặng nề do tăng trưởng kinh tế sử dụng quá nhiều tài nguyên, ô nhiễm cao và hàng xuất khẩu thiếu đa dạng và ít có giá trị gia tăng, tỉ trọng đóng góp của năng suất vào tăng trưởng ngày càng giảm. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang bị đe dọa bởi sản xuất điện không theo kịp nhu cầu, chi phí hậu cần và giá cả bất động sản leo thang, tình trạng thiếu lao động có kỹ năng ngày càng phổ biến
    
Vào thời điểm Lễ Kỷ niệm Bạc (25 năm) Đổi Mới, Báo cáo Phát triển Việt Nam năm nay (VDR 2012) sẽ xem xét một số vấn đề nổi cộm mà Việt Nam phải giải quyết để xây dựng một nền tảng mạnh mẽ hơn nhằm trở thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2020.

Theo Kế hoạch 5 năm mới được thông qua gần đây, ba lĩnh vực cần đặc biệt chú trọng là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả chi tiêu công và bình ổn khu vực tài chính. Những phân tích đưa ra trong báo cáo này tập trung vào hai ưu tiên đầu. Thứ nhất, phân tích cho thấy các doanh nghiệp nhà nước được sở hữu nguồn vốn cố định (đất đai và tín dụng) không tương xứng với quy mô của chúng, sử dụng vốn kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài—đòi hỏi phải tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, phân tích cho thấy cách thức Việt Nam phân bổ nguồn lực công đang tạo ra một cơ sở hạ tầng kém tối ưu và manh mún ở cấp địa phương, điều này không góp phần tích cực cho việc xây dựng một hệ thống hạ tầng hiệu quả cho toàn quốc, do vậy cho thấy rõ cần phải thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực. Tiếp đó, báo cáo chỉ ra những lý do giải thích cho sự kém hiệu quả của các DNNN trong đầu tư công và đưa ra một số phương án chính sách tổng quát để thảo luận.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012 phân tích cho thấy các doanh nghiệp nhà nước được sở hữu nguồn vốn cố định (đất đai và tín dụng) không tương xứng với quy mô của chúng, sử dụng vốn kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài—đòi hỏi phải tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước (xem chương 2). Thứ hai, phân tích cho thấy cách thức Việt Nam phân bổ nguồn lực công đang tạo ra một cơ sở hạ tầng kém tối ưu và manh mún ở cấp địa phương, điều này không góp phần tích cực cho việc xây dựng một hệ thống hạ tầng hiệu quả cho toàn quốc, do vậy cho thấy rõ cần phải thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực (xem chương 3). Tiếp đó, báo cáo chỉ ra những lý do giải thích cho sự kém hiệu quả của các DNNN trong đầu tư công và đưa ra một số phương án chính sách tổng quát để thảo luận (xem chương 4). Sau đó, báo cáo nhận diện các nguyên nhân dẫn tới hoạt động thiếu hiệu quả của các DNNN và sự thiếu hiệu quả trong đầu tư công và đề xuất một số hành động chính sách chung để thảo luận.

Báo cáo cho rằng nguyên nhân căn cơ của những vấn đề hiện tại nằm ở chỗ sự chuyển đổi chưa hoàn thiện của Việt Nam sang nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, báo cáo tập trung vào các thể chế yếu (weak institutions), cơ chế khuyến khích bị bóp méo (distorted incentives) và thiếu thông tin (inadequate information) – được gọi là 3 chữ I của kinh tế thị trường – để giải thích cho những khó khăn hiện tại của Việt Nam. Báo cáo cung cấp một loạt ý tưởng và khuyến nghị để giải quyết các vấn đề này nhằm giúp tạo nền móng duy trì phát triển nhanh cho Việt Nam trong 10 năm tới.


Api
Api

Welcome