PHÓNG SỰ

Thúc đẩy nền kinh tế thị trường: Vai trò của thông tin và minh bạch

13 Tháng 1 Năm 2012


Chủ đề của Báo cáo Phát triển Việt Nam năm nay là củng cố nền kinh tế thị trường khi Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Việt Nam có thể sử dụng sức mạnh của thị trường và vai trò thúc đẩy của Nhà nước để hình thành một giai đoạn mới của phát triển mang tính hiệu quả và công bằng hơn. Điều này có thể được thực hiên thông qua củng cố thể chế (institutions), tăng cường cơ chế khuyến khích (incentives) và cung cấp thông tin đầy đủ (information) - được gọi là 3 chữ I của kinh tế thị trường.

Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong 15 năm qua trong việc thúc đẩy công khai dữ liệu và thông tin kinh tế. Tuy nhiên tiến độ đã chậm hơn dự kiến do thiếu một luật tổng quát về khả năng tiếp cận thông tin. Tác động của minh bạch yếu kém đã làm cho sự phát triển của Việt Nam trở nên tốn kém. Một nghiên cứu năm 2011 về tham nhũng trong quản lý đất đai đã xác định sự thiếu minh bạch là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra tham nhũng tại Việt Nam,  phát hiện được rút ra từ nghiên cứu dữ liệu.

Lợi ích cận biên cho nền kinh tế Việt Nam từ việc gia tăng minh bạch có thể rất lớn. Số lượng thông tin tài khóa, tài chính và kinh tế mà Chính Phủ Việt Nam hiện đang thu thập và cung cấp cho công chúng không đầy đủ cho sự vận hành trơn tru của một quốc gia ở mức thu nhập trung bình. Ngay cả số liệu thống kê cơ bản như cơ cấu chi tiêu ngân sách theo ngành, chi tiêu ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối, và các bảng cân đối của doanh nghiệp nhà nước hoặc không được thu thập, không được công bố, hoặc chỉ được công bố với độ trễ về thời gian đáng kể. Tuy nhiên, người tham gia thị trường như các nhà đầu tư vốn cổ phần, nhà xuất nhập khẩu, người kinh doanh ngoại hối, chủ sở hữu trái phiếu, các ngân hàng, doanh nghiệp, và thậm chí cả nông dân đều cần thông tin cập nhật gần như hàng ngày để hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Và nếu thông tin như vậy không có sẵn, người tham gia thị trường sẽ phải dùng đến phương án đầu cơ, tin đồn, và thậm chí là các phương thức không trung thực để có được thông tin. Điều này giải thích do tại sao người ta đã lập luận rằng một trong những nguồn gốc của sự bất ổn kinh tế hiện nay tại Việt Nam có thể có nguồn gốc từ việc thiếu dữ liệu kinh tế kịp thời và đáng tin cậy và sự yếu kém trong công tác truyền thông về các thay đổi chính sách tới thị trường

Thông tin là huyết mạch của thị trường

Công khai thông tin có thể giảm thiểu tính kém hiệu quả của thị trường. Tính minh bạch làm giảm thiểu sự bất ổn thị trường do tính chủ quan của các nhà hoạch định chính sách gây ra, khiến cho chính sách tiền tệ dễ dự đoán hơn và các thị trường tài chính hoạt động hiệu quả hơn. Minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng có thể đóng một vai trò lớn trong việc giảm thiểu bất ổn kinh tế vĩ mô. Ngày càng có nhiều các bằng chứng xuyên quốc gia về lợi ích của việc minh bạch tài khóa.

Minh bạch tài chính ở Việt Nam

Minh bạch tài chính đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh vai trò tương đối lớn của khu vực công trong nền kinh tế. Quản lý tài chính tại Việt Nam đã trở nên phức tạp hơn.

Chính phủ đã có một khởi đầu tốt đẹp trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế về minh bạch tài chính. Thông tin về Ngân sách Nhà nước được đăng tải lên các trang web của cơ quan nhà nước đã được cải thiện. Ngân sách Nhà nước của Việt Nam có một cơ cấu phân loại chi tiết, nhưng vẫn chưa công bố thông tin một cách có hệ thống, sử dụng tiêu chuẩn Thống kê Tài chính Chính phủ. Ngân sách công bố ra công chúng được trình bày ở một mức độ tương đối tổng hợp theo phân loại chức năng và hành chính, chứ không phải về kinh tế, mặc dù đã được chia ra theo cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và cấp trung ương. Báo cáo thực hiện ngân sách cung cấp những báo cáo chi tiết về chi tiêu theo các phân loại kinh tế, chức năng, và chương trình. Việc thiếu mối liên kết rõ ràng giữa lập ngân sách và số liệu kế toán làm cho việc đánh giá tình hình thực hiện các chính sách ngân sách chi tiết khó thực hiện. Tuy nhiên, với việc phân cấp ngày càng tăng trong những năm gần đây, tính minh bạch của các quan hệ tài chính giữa các cấp chính quyền đã từng bước được tăng cường.

Việc tuân thủ tốt hơn các nguyên tắc minh bạch tài chính có thể cải thiện hơn nữa công tác quản lý và phân tích tài chính. Một số vấn đề quản lý quan trọng có thể được giải quyết tốt hơn bằng cách áp dụng các nguyên tắc trong Quy định về minh bạch tài chính như sau:

• Sự tách biệt giữa ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản và ngân sách chi thường xuyên gây khó khăn trong việc ước tính tác động đến chi tiêu thường xuyên trung hạn của vốn đầu tư phát triển và thiết lập một sự cân bằng dài hạn giữa việc tạo ra các tài sản công cộng và các hoạt động và bảo trì chúng.

• Một số khoản chi ngoài ngân sách không được tính trong ngân sách tổng hợp hoặc các tính toán thâm hụt ngân sách.

• Đối với đánh giá bao quát hơn về rủi ro tài chính, mặc dù có những quy định chi tiết về báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nhà nước , năng lực phân tích thông tin này và cung cấp thông tin cho những phản ứng của chính phủ vẫn còn hạn chế.

• Với mức phân cấp cao như vậy, người ta có thể dự tính trước được chất lượng công tác báo cáo sẽ không đồng đều.

Chính phủ đang thực hiện cải cách quản lý tài chính công để giải quyết những thách thức và nâng cao hơn nữa tính toàn diện, độ tin cậy và kịp thời của thông tin tài khóa. Một lĩnh vực khác cần cải thiện là tăng cường năng lực của các cơ quan giám sát.


Api
Api

Welcome