PHÓNG SỰ

Việt Nam: Phụ nữ dân tộc thiểu số tại Lào Cai duy tu thường xuyên đường liên thôn

17 Tháng 5 Năm 2010


Các nét chính của bài viết
  • Trong quá khứ, đường chỉ được sửa chữa khi đã hư hỏng. Dự án này tập trung vào việc duy tu thường xuyên để đảm bảo chất lượng con đường
  • Việc duy tu thường xuyên do các chị em dân tộc thiểu số ở địa phương làm đã được thực hiện rất hiệu quả ở Lào Cai.

Lào Cai, ngày 17, tháng 5, năm 2010 - Sương vẫn còn giăng trên bản Nậm Mòn Thượng tỉnh Lào Cai nhưng chị Vòng A Phủ – dân tộc Tày ở xã Nậm Mòn và những phụ nữ trong thôn đi bộ hàng chục cây số với cuốc xẻng trên vai đến nơi làm việc.

Cuốc…

Khơi thông cống rãnh…

Rẫy cỏ...

Phát quang bụi rậm ...

Họ đang làm một việc mới mẻ - duy tu con đường đi lại cho chính họ, mệt nhưng vui hơn đi làm nương một mình nhiều.

“Có các cô các chú về đây động viên thì dân bản ở đây nó mới vui hơn. Bà con nó tự động làm cho nó vui hơn,” chị nói.

Việc duy tu đường bắt đầu được thực hiện thí điểm tại Lào Cai từ tháng 2 năm 2010 và dự kiến sẽ kéo dài hết tháng 6. Đây là dự án Duy tu đường Nông thôn và Tạo việc làm cho Phụ nữ được Quỹ Hành Động vì Giới (GAP) tài trợ.

Dự án này thí điểm việc đào tạo phụ nữ nông thông địa phương và dân tộc thiểu số tại Lào Cai về duy tu đường nông thôn và sau đó thuê họ làm.

Trước đây chỉ khi nào đường hỏng mới sửa chữa. Nhưng giờ dự án tập trung vào việc duy tu thường xuyên, để duy trì chất lượng con đường. Đặc biệt thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 là mùa mưa nên đường hỏng nhiều.

Phụ trách một đội gồm 55 người chủ yếu là phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Mông duy tu đường ở xã Nậm Đéc, chị Phùng Phá Sủi, dân tộc Phù Lá cũng xuống cùng bà con từ rất sớm để chỉ đạo công việc.

“Chi hội nào người ta cũng thích đi. Người ta còn tranh nhau đi ý. Người ta bảo được cái đường đẹp, vừa thuận lợi cho mình, vừa chở hàng hóa, phát triển được kinh tế mà gia đình mình thay đổi được nhiều cái trong kinh tế sản xuất. Trong thời gian này thì trời hay mưa thì đường hay hỏng, thời gian này được bảo dưỡng con đường thì rất là mừng, ” chị nói.

Việc duy tu thoáng nghe có vẻ đơn giản nhưng đối với những người phụ nữ dân tộc, nhiều người thậm chí không biết tiếng Kinh, việc hướng dẫn cho họ hiểu phải có một cách tiếp cận đơn giản mà hiệu quả hơn.

Hội phụ nữ tỉnh và huyện cũng kết hợp với phòng giao thông Nông thôn Sở và huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con. Để bà con dân tộc tiếp thu được kỹ thuật làm đường, các cán bộ đào tạo phải rất linh hoạt.

“Họ không biết được kỹ thuật lề đường như thế nào, nền đường ra làm sao, thì đây là khó nhất…Còn nếu giảng viên họ cầm tay chỉ việc thì họ hiểu ngay,” Ông Nguyễn Mạnh Liên – Trưởng phòng Giao thông Nông thôn của Sở Giao thông Lào Cai nói.

Ngoài ra, với địa hình khác nhau, các cán bộ hội Phụ nữ và Giao thông cũng phải xuống hướng dẫn cụ thể tận hiện trường.

Phụ nữ tham gia dự án được thanh toán tiền công theo ngày, khoảng 100.000 đồng, khá cao so với thu nhập của họ tại địa phương.

Nhưng điều quan trọng là duy tu đường giúp họ nâng cao nhận thức của chính bản thân họ về hoạt động duy tu thường xuyên cũng như giúp họ nhắc nhở nhau bảo vệ con đường.

Đây là một cách làm tiết kiệm chi phí để bảo dường đường nông thôn, đồng thời cũng tăng quyền cho phụ nữ và nâng cao dân sinh cho gia đình họ.

“Hiệu quả ban đầu thì chị thấy trước hết là các chị em trong các xã thôn bản là chị em nhận thấy việc duy tu là cần thiết cho giao thông đi lại cho chị em, phục vụ trước nhất là tại cộng đồng nơi chị em sinh sống, ” chị Trần Thị Khanh, phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai nói.

Với chị Vòng A Phủ, hiệu quả việc chị làm đơn giản là giúp cho sinh hoạt hàng ngày của những người chị biết được tốt hơn.

“Có giúp ích cho xã hội để đi lại, để sửa xong để bà con đi chợ, đi dạy học, đi cô giáo, thầy giáo đi sạch sẽ hơn.”

Chị và những bà con trong bản sẽ ở đây làm việc cả ngày. Khi xong việc, chắc hẳn chị sẽ rất vui khi đi trên đường có "mồ hôi, công sức" của mình bỏ ra.

Api
Api

Welcome