PHÓNG SỰ

Việt Nam: Những cây đào mang lộc xuân

15 Tháng 3 Năm 2010


Các nét chính của bài viết
  • Tham gia những Tổ chức dùng nước đã giúp cho những phụ nữ nông thôn nghèo gặt hái được nhiều lợi nhuận hơn từ vụ mùa và có được giá trị cao hơn từ các sản phẩm nông nghiệp.
  • 60-70% trong số những thành viên là những phụ nữ đã giúp xây dựng hệ thống kênh mương dài 2500km làm hiện đại hóa sáu hệ thống tươi tiêu lớn nhất cả nước.

Bắc Giang, Việt Nam: 15 tháng 3, 2010 - Ở Việt Nam, khi thấy cành đào và cây quất được trang trí trong các gia đình, cửa hàng và các nơi công cộng là người ta biết Tết đang về. Những cây cảnh báo hiệu Tết Nguyên Đán này là một ngành kinh doanh lớn và là nguồn thu dồi dào cho phụ nữ ở thôn Dinh Ke, cách Hà Nội vài giờ đồng hồ đi ôtô. Ở đây người ta thường treo bao “lì xì” lên những cây cảnh ngày Tết, vì với họ bản thân những cây cảnh đó chính là “tiền lì xì” của họ.

Chúng tôi đang đi ngang qua một cánh đồng rực rỡ những bông đào màu hồng nở rộ trên những cây đào được trồng một cách đặc biệt. Chúng không có lá và vì thế những bông hoa đào có thể bám vào cành thành những chùm hoa kép dầy sát nhau. Đó là một loại hàng hóa mang lại lợi nhuận cao mà năm năm trước những người phụ nữ nghèo làm nông nghiệp như Nguyễn Thị Dư và Nguyễn Thị Lan chưa từng mơ đến.

Trở lại thời điểm năm năm trước, khi đó nguồn nước rất thất thường, những cánh đồng của họ không được tưới tiêu đầy đủ và họ không biết những điều cơ bản nhất về việc trồng cây nông nghiệp. Họ kể lại: “Chúng tôi không có kiến thức về các loại giống khác nhau, về tình trạng đất và các kỹ thuật trồng cấy. Chúng tôi chỉ trồng hai vụ một năm. Bây giờ chúng tôi trồng được ba vụ và chúng tôi nâng cao được chuỗi giá trị thông qua việc trồng cấy thêm rau củ và hoa”.

Chương trình được thiết kế nhằm thu hút nữ giới sử dụng

Cả hai phụ nữ trên đều là thành viên của một trong 66 Tổ Chức dùng nước do người dân quản lý (WUO) được thành lập với nguồn tài trợ là 1,65 triệu đôla từ chính phủ Nhật Bản theo Dự án Hỗ trợ Thủy lợi Việt Nam trị giá 176,2 triệu đôla (VWRAP). Mục đích của dự án là nhằm đẩy mạnh đa dạng hóa nông nghiệp thông qua việc hiện đại hóa sáu hệ thống tưới tiêu lớn nhất cả nước và thúc đẩy việc quản lý bền vững những nguồn nước ở lưu vực sông Thu Bồn ở khu vực miền Trung. Nguồn tài trợ này đặc biệt dành để thu hút sự tham gia của phụ nữ vào quá trình quản lý nước nông nghiệp thông qua việc áp dụng cách quản lý khai thác công trình thủy lợi có sự tham gia của nhà nông (PIM).

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở Hội Phụ nữ thôn Dinh Ke cho biết: “Chúng tôi đã thành lập các hội người sử dụng nước để cho những phụ nữ dù có bận bịu công việc gia đình hay khan hiếm thời gian vẫn có thể tham dự được các cuộc gặp”. Bà cũng cho biết thêm: “Chúng tôi gửi thư báo và các thông tin khác đến các thôn và đặc biệt trân trọng kính mời các phụ nữ tham gia. Hiện nay có đến 50 đến 60% các thành viên là phụ nữ, mặc dù vậy vẫn còn cần nhiều thời gian để thay đổi tư duy từ xưa đến nay”.

Trên thực tế trong số 50.000 hộ gia đình ở 18 xã được hưởng lợi từ các WUO trên khắp cả tỉnh thì chỉ có 9% trong số các gia đình đó là do phụ nữ làm chủ. Nguyên nhân là do đàn ông thường trực ca đêm khi nước về và thường được bầu làm trưởng các WUO vì mọi người biết đến họ nhiều hơn. Tuy nhiên, chính những phụ nữ này lại là những người có tâm huyết với dự án. Bà Ánh Tuyết cho biết: “Họ đã trợ giúp công tác xây dựng cơ quan và công tác nạo vét gần 2500 mét kênh đầy đất cát. Họ đứng trong những con mương đen bẩn và làm cả những việc ngoài trời lẫn những việc quản lý nguồn nước”.

Tập huấn cho phụ nữ mang lại hiệu quả cao

Phụ nữ được tham gia vào các cuộc gặp hàng tháng ở làng xã và họ trao đổi về các nhu cầu dùng nước sạch trong một tháng cũng như những nguồn tín dụng nhỏ hỗ trợ cho việc chăn nuôi gia cầm, gia súc và các vụ mùa cho lợi nhuận cao. Tại một buổi họp có khoảng vài chục phụ nữ thôn Dinh Ke chúng ta có thể nhận thấy rõ vai trò của Hội Phụ nữ Việt Nam trong việc khích lệ chị em tham gia vào các khóa giáo dục cách nuôi dạy con và các kỹ năng sống khác.

Ông Lương Đức Hiền, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện cho biết: “Ở các thôn đã tiến hành khoảng 66 khóa tập huấn về công tác quản lý công trình thủy lợi có sự tham gia của nhà nông, và sáu trong số các khóa đó là ở cấp cơ sở. Chúng tôi đã tiến hành 26 khóa tập huấn về nâng cao và đa dạng hóa sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và kết quả là nhiều thành viên của WUO đã nâng cao được nguồn thu nhập một cách đáng kể trong khi vẫn giúp cải thiện năng lực của các WUO về các vấn đề tài chính, hành chính và kỹ thuật”.


Một kết quả quan trọng khác đó là nhờ có sự cộng tác với nhau trong các chương trình tưới tiêu nên những xung đột xung quanh vấn đề nguồn nước đã được giảm thiểu. Ông nói: “Những người ở cuối nguồn nước được đảm bảo nguồn cung cấp nước giống như những người ở đầu nguồn. Và điều này đã giúp chúng tôi trồng được ba vụ một năm thay vì chỉ hai vụ như ngày trước”.

 Những WUO được thành lập theo cấu trúc hình chóp với cơ quan trên đỉnh là Bộ - là cơ quan quy định giá và các tiêu chuẩn của việc dẫn nước, xuống bên dưới là các cấp tỉnh, huyện và xã. Đó là một hệ thống tương tự như cấu trúc của các tổ chức từ cơ sở khác ở Việt Nam, ví dụ như Hội Nông dân và Hội Phụ nữ, những tổ chức liên quan chặt chẽ đến công tác hoạt động của WUO.

 Đối với chị Dư và chị Lan, họ đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng “những phụ nữ trong thôn đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cấp hệ thống tưới tiêu”. Họ đã chứng minh được rằng những nhóm dùng nước do người dân quản lý có thể gặt hái được thành công cao hơn nếu họ khuyến khích được sự tham gia của phụ nữ vào ngay từ giai đoạn đầu của dự án.

 


Api
Api

Welcome