Skip to Main Navigation
Results Briefs 7 Tháng 6 Năm 2019

Quản lý tài nguyên vùng duyên hải để phát triển bền vững: Nâng cao khả năng chống chịu và cải thiện sinh kế - kinh nghiệm của Việt Nam


Sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam dựa vào tài nguyên biển, nhưng rủi ro ngày một tăng vì tài nguyên biển đang suy giảm và các vấn đề về môi trường ngày một trầm trọng. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, 40 huyện tại tám tỉnh ở Việt Nam đã và đang áp dụng công cụ lập kế hoạch liên ngành để quản lý khai thác thủy sản trên biển tốt hơn, qua đó giúp tạo ra sự cân bằng và cải thiện việc phát triển kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái biển tại các tỉnh tham gia dự án.

Thách thức

Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Trong đầu thập kỷ 2010, ngành thủy sản phải đối mặt với rủi ro về cạn kiệt tài nguyên thủy sản, ô nhiễm môi trường và bệnh dịch ngày một tăng. Nhiều ngành khác nhau tham gia vào công tác quy hoạch vùng duyên hải. Các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch thường phải làm việc với dữ liệu hạn chế, như ước tính về trữ lượng cá, mô hình đánh bắt, số thuyền cá hoạt động ở các địa điểm khác nhau. Tại từng địa phương, các sở ban ngành khác nhau có xu hướng cạnh tranh hơn là phối hợp, dẫn đến đầu tư chồng chéo, quy hoạch và tiếp cận thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn nhau. Dự kiến đầu tư của khu vực tư nhân hầu như chưa được phản ánh trong quy hoạch của Chính phủ.

Nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải chuyển đổi chiến lược phát triển thủy hải sản của quốc gia từ chỗ hoàn thành các chỉ tiêu (ngày càng tăng) về sản lượng sản xuất và đánh bắt, để chuyển sang cải thiện quản lý tài nguyên vùng duyên hải, quản lý rủi ro và khả năng chống chịu, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Cách tiếp cận

Dự án hỗ trợ các địa phương chuyển đổi từ phương thức quy hoạch ngành manh mún sang quy hoạch không gian tổng hợp (ISP) để quản lý tốt hơn tài nguyên vùng duyên hải, giảm mâu thuẫn trong quy hoạch và kế hoạch của các ngành. Trên cơ sở nền tảng quy hoạch không gian tổng hợp (ISP), các thông lệ tốt về thực hành nuôi trồng thủy hải sản bền vững, đồng quản lý đánh bắt thủy hải sải được xúc tiến nhằm cải thiện sinh kế cho các cộng đồng vùng duyên hải.

Về nuôi trồng thủy sản, dự án đã xúc tiến và hỗ trợ áp dụng Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt (GAP) cho người sản xuất đồng thời tăng cường một loạt các dịch vụ công, bao gồm an ninh sinh học, các biện pháp thú y, quản lý chất thải và theo dõi môi trường. Về lĩnh vực đánh bắt, dự án hỗ trợ phát triển và triển khai phương thức đồng quản lý đánh bắt cho các cộng đồng nghề cá ở địa phương sinh sống dọc đường bờ biển các tỉnh, kết hợp với tăng cường theo dõi, kiểm soát và giám sát chung (MCS). Cuối cùng, dự án áp dụng cách tiếp cận có sự tham gia và phân cấp, với ưu tiên nhằm hỗ trợ các nhóm nữ và cộng đồng thiểu số thông qua các hoạt động sinh kế bổ sung và cải thiện vệ sinh môi trường ở cộng đồng.

Kết quả

  • Qua sáu năm triển khai (từ 2012 đến 2018), dự án đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển, bao gồm quản lý tốt hơn các hoạt động sản xuất và đánh bắt thủy sản vùng ven biển. Cụ thể, dự án đã triển khai thành công phương thức quy hoạch không gian tổng hợp (ISP) tại toàn bộ 40 huyện và 257 xã vùng duyên hải tại tám tỉnh vùng dự án. Dự án cũng đã nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu thủy hải sản quốc gia nhằm cải thiện quản lý và quản trị ngành thủy sản.
  • 82 vùng thực hành tốt (GAP) đã được thành lập với cơ sở hạ tầng an ninh sinh học được cải thiện và các hệ thống xử lý chất thải đầy đủ, phục vụ trực tiếp cho 13.109 nông dân nuôi trồng thủy hải sản trên tổng diện tích 16.956 ha.
  • Công tác quản lý bệnh dịch và theo dõi môi trường cũng đã được tăng cường; 55 lò tôm giống đã được chứng nhận đáp ứng các yêu cầu về an ninh sinh học; một khu vực giống phi bệnh dịch cụ thể đã được thành lập mới; 91% nông dân đã áp dụng giống có chất lượng; 86% các trại đã lắp đặt đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và xử lý chất lắng tốt (tăng từ 9% vào thời điểm thẩm định năm 2012); tổn thất do bệnh dịch giảm 80%; lợi nhuận cho nông dân tăng 76%.
  • 97 nhóm đồng quản lý đánh bắt được thành lập dọc 803 km bờ biển, với sự tham gia của 13.751 hộ đánh bắt ở địa phương; ba Khu vực Biển Địa phương Quản lý (gần 90.000) có giá trị đa dạng sinh học cao được thành lập và đi vào hoạt động tại Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà; 28 trạm thực địa theo dõi, kiểm soát và giám sát chung (MCS) được thành lập và củng cố; những vi phạm về đánh bắt tại vùng dự án giảm 30%.
  • 21 cảng cá và bến đáp được nâng cấp được cải thiện về điều kiện về sinh, bốc xếp thủy sản an toàn và hiệu suất hoạt động; tổn thất sau thu hoạch giảm từ 35% vào năm 2012 xuống còn 15% năm 2018. 
  • Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, 13 nghiên cứu lựa chọn đã được thực hiện, góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược và Quy hoạch Tổng thể Phát triển Thủy sản đến năm 2020; đồng thời cung cấp thông tin để sửa đổi Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017 (ví dụ như áp dụng đồng quản lý đánh bắt thủy sản, phân bổ quyền đánh bắt cho các cộng đồng địa phương).

Đóng góp của Nhóm Ngân hàng Thế giới

IDA cung cấp khoản tín dụng trị giá 100,0 triệu USD tài trợ cho các hoạt động chính trong tất cả các hợp phần dự án, bao gồm tăng cường năng lực thể chế quản lý đánh bắt bền vững, thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững, quản lý bền vững đánh bắt ven bờ, quản lý, theo dõi và đánh giá dự án. Cơ chế Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) đóng góp khoản viện trợ không hoàn lại 6,5 triệu USS tài trợ cho quy hoạch không gian tổng hợp (ISP) và đồng quản lý đánh bắt. Nông dân và ngư dân địa phương đóng góp khoảng 6,2 triệu USD, Chính phủ Việt Nam đóng góp 11,7 triệu USD.

Đối tác

Chương trình hợp tác của Tổ chức Nông lương (FAO-CP) cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn an toàn sinh học cho nuôi trồng tôm, trại giống, đồng quản lý đánh bắt ven bờ, nâng cấp cảng cá và bến.

Định hướng tiếp theo

Kinh nghiệm và bài học từ dự án đã đóng góp để xây Quy hoạch Tổng thể Phát triển Thủy sản  tầm nhìn đến năm 2030; sửa đổi Luật thủy sản; đồng thời cung cấp thông tin để Ngân hàng Thế giới thiết kế chiến lược hợp tác dài hạn nhằm hỗ trợ ngành thủy sản của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận hỗ trợ từ phía Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển qua dự án thủy sản tiếp theo nhằm hiện đại hóa ngành thủy sản qua bài học từ dự án Tài nguyên Duyên hải để Phát triển Bền vững, đặc biệt liên quan đến quy hoạch không gian tổng hợp, phát triển nuôi trồng thủy hải sản bền vững, đồng quản lý tài nguyên đánh bắt, phát triển hạ tầng thủy sản, nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững, góp phần giảm nghèo và thịnh vượng chung.

Người hưởng lợi

Ông Phạm Văn Chạy – nông dân thuộc nhóm nuôi tôm ở xã Phước Thắng, Bình Định, cho biết nhờ có sự hỗ trợ của dự án, thu nhập ròng của ông đến nay đã tăng 6-8 lần.

Nhóm đồng quản lý đánh bắt số 2 ở Hà Tĩnh có 230 thành viên. Khoảng 85% các thành viên dựa vào nguồn thu nhập chính là đánh bắt thủy sản. Sau 2 năm áp dụng đồng quản lý đánh bắt, số lượng hộ gia đình áp dụng các biện pháp đánh bắt mang tính hủy diệt trong nhóm đã giảm từ 31 hộ (năm 2016) xuống còn 6 hộ (năm 2018). Qua hỗ trợ của dự án, họ đã chuyển sang sử dụng các dụng cụ đánh bắt thân thiện hơn với môi trường.


76%

Lợi nhuận của người nông dân tăng 76% do sử dụng giống có chất lượng, xử lý nước tốt hơn, và giảm được 80% tổn thất do bệnh dịch.