Cải thiện vệ sinh môi trường tại các thành phố ven biển ở Việt Nam

27 Tháng 7 Năm 2015

Image

Sông Cầu Rào ở thành phố Đồng Hới trước và sau khi được cải tạo trong dự án.

Ngân hàng Thế giới

Tóm tắt

Dự án Vệ sinh môi trường các thành phố ven biển thực hiện thoát nước, xây dựng các công trình thu gom và xử lý nước thải và chất thải rắn, và thực hiện một chương trình nâng cao năng lực toàn diện. Trên 800.000 dân sẽ được hưởng lợi, trong đó 250.000 sẽ được hưởng lợi từ việc giảm nhẹ úng lụt. Trên 800.000 dân được hưởng lợi từ dịch vụ xử lý chất thải rắn, 65.000 học sinh được sử dụng công trình vệ sinh sạch đẹp hơn, và 8.452 hộ gia đình được vay vốn từ quỹ quay vòng phục vụ cải tạo công trình vệ sinh trong gia đình.

Thách thức

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất khu vực, phần lớn do dân di cư từ vùng nông thôn vào thành phố. Đô thị hóa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng làm tăng thêm các thách thức tại các thành phố về cung ứng dịch vụ và cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải và chất thải rắn.

Nước thải và nước mưa không được xử lý và đổ thẳng vào hệ thống cống dẫn đến các con sông gần nhất. Do không được bảo dưỡng đầy đủ nên thường xảy ra hiện tượng ngập úng trong thành phố và phần lớn hệ thống cống thoát. Các hệ thống cống thoát nước đã được xây dựng từ lâu, nay đã đến lúc phải sửa chữa.

Hàng năm cả nước thải ra khoảng 15 triệu tấn rác thải rắn và thường không được xử lý và đổ thẳng ra các bãi rác lộ thiên, và một số ít các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh. Công tác thu gom rác thải rắn chỉ đáp ứng 70% yêu cầu tại các thành phố.

Ngoài ra, các vấn đề khác cần lưu ý gồm có năng lực thấp và tỉ lệ bù đắp chi phí thấp.

Giải pháp

Dự án đã áp dụng cách tiếp cận đồng bộ và sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức như sau:
•    Áp dụng cách tiếp cận theo giai đoạn đầu tư và lựa chọn công nghệ thích hợp.
•    Coi hệ thống cống kết nối giữa các hộ gia đình và hệ thống thu gom rác là yếu tố quan trọng.
•    Tăng cường quản lý dự án/hợp đồng.
•    Thực hiện đền bù và tái định cư nhanh chóng và nhất quán.
•    Thu xếp vấn đề tổ chức và thể chế gọn nhẹ tại cơ sở. Cam kết tài chính và giải quyết vấn đề thu hồi vốn.
•    Ưu tiên thực hiện Chương trình Thông tin – Giáo dục – Truyền thông (IEC) nhằm nâng mức lệ phí xử lý nước thải/chất thải rắn và thay đổi hành vi, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và thành lập các trung tâm học tập về môi trường tại các thành phố tham gia dự án.


Image

Một nhà máy xử lý sơ bộ bằng hóa chất tăng cường với công suất 14.000 m3/ngày đã được xây dựng ở Quy Nhơn để phục vụ khu vực đô thị trung tâm.

 

Ngân hàng Thế giới

Kết quả

•    Tính đến cuối năm 2014 Dự án đã thực hiện: i) giảm số lần và mức độ ngập úng cho 255.000 dân; ii) cung cấp dịch vụ thu gom rác thải rắn cho 800.000 người khác; iii) tăng cường dịch vụ vệ sinh cho trên 800.000 dân; iv) cải thiện điều kiện vệ sinh trường học cho 66.500 học sinh; và, v) cấp vốn cho quỹ quay vòng hỗ trợ 8.400 hộ nghèo cải tạo công trình vệ sinh và cống thoát.
•    Một nhà máy xử lý nước thải tại Quy nhơn với công suất 14.000 m3/ngày đã được xây dựng bằng nguồn vốn của dự án và khoản viện trợ do GEF cung cấp và mang lại lợi ích cho 60.000 người.
•    Dự án hỗ trợ các công ty môi trường đô thị qua chương trình tổng thể nâng cấp hệ thống kế toán, lập hướng dẫn vận hành bảo trì, và khung pháp lý cho hợp tác công – tư, giám sát môi trường, đào tạo nhân lực để cung cấp dịch vụ tốt hơn.
•    Dự án đóng vai trò xúc tác trong việc ban hành khung pháp lý quan trọng để nâng cao thể chế cho dịch vụ vệ sinh môi trường tại Việt Nam, với trách nhiệm rõ ràng, nguồn doanh thu và công cụ phù hợp để thực thi.

Đóng góp của Nhóm Ngân hàng Thế giới

Ngân hàng Thế giới cấp 190 triệu USD vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA và 4,6 triệu USD từ quỹ tín thác, Quỹ Môi trường toàn cầu GEF cung cấp 5 triệu USD viện trợ không hoàn lại.

Đối tác

Trước đây Ngân hàng Thế giới đã từng tài trợ các dự án tương tự.  Dự án này được chuẩn bị vào thời điểm ba thành phố trên đang hoàn thiện đề xuất dự án vệ sinh môi trường, vì vậy Ngân hàng Thế giới đã có điều kiện đóng góp bằng các kinh nghiệm và cách làm tốt trong khu vực và quốc tế, qua đó góp phần củng cố và tiếp tục phát triển chính sách vệ sinh môi trường đô thị của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện Ngân hàng Thế giới đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền các thành phố tham gia dự án (Nha Trang, Quy Nhơn, và Đồng Hới).

IDA cũng huy động vốn nhằm tiếp tục thực hiện chương trình vệ sinh môi trường tại Việt Nam. Quỹ GEF cũng đồng ý hỗ trợ trình diễn công nghệ xử lý mới tại Quy Nhơn. Một khoản đồng tài trợ không hoàn lại từ PHRD sẽ được dùng cho công tác nâng cao năng lực cho các đơn vị cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước, và nâng cao nhận thức người dân về dự án.

Hướng tới tương lai

Chính phủ và các chính quyền địa phương đã thực hiện các bước ngay từ giai đoạn thiết kế và thực hiện dự án nhằm kéo dài thời gian sử dụng và vận hành công trình. Các địa phương đã lựa chọn công nghệ thích hợp dựa trên quỹ đất sẵn có và dự báo tăng trưởng của mình. Đồng thời dự án cũng hỗ trợ ban hành nghị định mới về môi trường rõ ràng hơn, giúp các địa phương sử dụng phí thu và tiền phạt bù đắp vào chi phí vận hành và bảo dưỡng và các chi phí khác.

Nhờ kết quả khả quan trong giai đoạn đầu, giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ sớm tiếp tục. Ba địa phương tham gia dự án đã đề xuất một phương án cấp vốn hỗn hợp bổ sung và đã tiến hành lập kế hoạch và dự trù trước các kịch bản khác nhau. Đồng thời, các địa phương cũng tìm hiểu các nguồn tạo thu nhập mới ví dụ sản xuất phân bón từ rác tại (Đồng Hới), hay một đề xuất khác về tái sử dụng rác thải chuẩn bị trình lên Quỹ Gates.

Ý kiến người hưởng lợi

Ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UNBD Tỉnh Quảng Bình: “Dự án đã góp phần thay đổi diện mạo của thành phố Đồng Hới, ghi thêm điểm cho những tiêu chí cần thiết của đô thị loại II, đó là 75% dân số và khách du lịch được tiếp cận với dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước sau khi được dự án lắp đặt, nạo vét, cải tạo đã đầu tư thêm cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống neo đậu tàu thuyền, góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường, góp phần phát triển bền vững.”



800,000 người dân
được tiếp cận tốt hơn với dịch vụ vệ sinh môi trường được cải thiện.




Welcome