Dự án phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam

12 Tháng 5 Năm 2015


Image

Bức tranh do một em học sinh ở Long An vẽ đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi vẽ tranh về phòng chống cúm gia cầm.

Ngân hàng Thế giới

Dự án giúp tăng cường năng lực cấp quốc gia về giám sát, chẩn đoán, phản ứng đối với bệnh cúm gia cầm, phối hợp ngành dọc và liên ngành trong lĩnh vực thú y và y tế thông qua cách tiếp cận Một Sức khỏe. Dự án giúp ngăn chặn sự bùng phát cúm gia cầm và cúm ở người và nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của mọi người trong đó có nhân viên y tế, những người buôn bán gia cầm và học sinh.

Thách thức

Tháng 12/2003 Việt Nam thông báo ca đầu tiên nhiễm cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1. Chỉ trong vòng vài tháng bệnh này đã được phát hiện tại 57 trên 64 tỉnh thành trên toàn quốc. Khoảng 44 triệu gia cầm, chiếm 17% tổng đàn gia cầm cả nước, đã bị tiêu hủy nhằm ngăn chặn dịch bệnh và các ca chết do dịch. Dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và nền kinh tế nói chung. Thiệt hại kinh tế vào khoảng 250 triệu USD, tương đương 0,5% GDP.
Năm 2005 virút H5N1 đã đe dọa toàn cầu. Cuối năm 2006 virút đã lây lan ra 55 quốc gia tại châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông.

Tại Việt Nam, hệ thống thú y và kiểm soát dịch bệnh đã nhanh chóng bị quá tải. Ngoài ra, trong năm 2004 đã ghi nhận 15 trường hợp người chết và ngày càng có bằng chứng cho thấy virút có thể lây sang người.

Giải pháp


Dự án đã xác định các mục tiêu rõ ràng và phù hợp đối với nền kinh tế, lĩnh vực y tế công cộng và công tác giảm nghèo của Việt Nam.
-    Xây dựng năng lực trung hạn và dài hạn bằng cách tiếp tục kết hợp phản ứng khẩn cấp với tăng cường mạnh mẽ hệ thống thú ý và y tế công cộng. Dự án VAHIP không chỉ xây dựng năng lực phù hợp với ổ dịch bùng phát cúm gia cầm mà còn phù hợp với các loại dịch bệnh khác.
-    Tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại nguồn, bao gồm cả nâng cấp chợ đầu mối và cơ sở giết mổ gia cầm.
-    Tăng cường mức độ sẵn sàng thông qua diễn tập mô phỏng, tập huấn phản ứng nhanh khi dịch bệnh bùng phát và các chương trình tuyên truyền.
-    Áp dụng các sáng kiến cải tiến vào trong hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên người.
-    Thúc đẩy cách tiếp cận Một Sức khỏe nhằm đảm bảo phối hợp kiểm soát và ngăn ngừa bùng phát cúm gia cầm giữa các ngành, nhất là giữa ngành thú y và y tế.
-    Nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi và nâng cao mức độ sẵn sàng và kiểm soát bùng phát cúm gia cầm đối với nhiều nhóm đối tượng.


" Chúng tôi đã được hưởng lợi nhiều từ dự án VAHIP. Trung tâm chúng tôi đã được nâng cấp đáng kể về môi trường, vệ sinh và an toàn thực phẩm. "

Ông Nguyễn Đăng Phong

Giám đốc trung tâm giết mổ thủy cầm Tân Trường Phúc, Cần Giuộc, Long An

Image

Chợ đầu mối Hà Vỹ trước (trái) và sau khi áp dụng các biện pháp thực hành tốt về an toàn sinh học của dự án.

Ngân hàng Thế giới

Kết quả

-    Tất cả 39 báo cáo về các trường hợp nghi nhiễm HPAI ở gia cầm đã được thu thập và điều tra đầy đủ trong năm 2014.
-    Thời gian từ lúc báo cáo đến khi trả kết quả xét nghiệm tới xã đã giảm từ 8,7 ngày (năm 2006) xuống còn 2,4 ngày (năm 2014) đối với ngành thú y và từ 10 ngày xuống còn 3,4 ngày trong ngành y tế.
-    Tỉ lệ tử vong trên người đối với các ca nhiễm H5N1 đã giảm tại tất cả 11 tỉnh. Cho đến tháng 6/2014 tất cả 44 bệnh viện tỉnh và 124 bệnh viện huyện đã xây dựng xong kế hoạch sẵn sàng ứng phó dịch cúm gia cầm.
-    Đã xây dựng và cung cấp trang thiết bị cho 8 phòng thí nghiệm thú y vùng đồng thời tập huấn kỹ năng xét nghiệm cúm gia cầm cho nhân viên y tế theo chuẩn ISO 17025.
-    87 trung tâm y tế dự phòng cấp huyện tại 11 tỉnh được trang bị đầy đủ và có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Bộ Y tế về y tế dự phòng.
-    Tổ chức 68 đợt diễn tập liên ngành trong năm 2014 cho các bên liên quan; UBND, nhân viên y tế và nhân viên thú y, quân đội, công an, hội phụ nữ, đoàn thanh niên nhằm tăng cường phối hợp và phân công nhiệm vụ.
-    Áp dụng các biện pháp thực hành tốt về an toàn sinh học đối với tất cả những người buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vỹ và nâng cấp 76 chợ và cơ sở giết mổ khác tại 11 tỉnh
-    98.8% nhóm đối tượng can thiệp có thể xác định đúng và thực hành ít nhất một hành vi ngăn ngừa.
-    69.012 nhân viên y tế được đào tạo với lượng thời gian dài gấp ba số thời gian dự kiến ban đầu
-    Chương trình tuyên truyền được thực hiện tại 367 trường, với trên 500.000 học sinh.


Image

Các nhân viên y tế tham dự một buổi diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm.

Ngân hàng Thế giới

Đóng góp của Nhóm Ngân hàng Thế giới

Dự án VAHIP và VAHIP bổ sung vốn được tài trợ bằng một khoản tín dụng IDA (30 triệu USD), một khoản viện trợ không hoàn lại của. Quỹ Phòng chống cúm gia cầm (AHIF) (23 triệu USD), một khoản viện trợ không hoàn lại Của Quỹ Phát triển Dân số và Nhân lực và (PHRD) của Nhật Bản (5 triệu USD), và của Chính phủ Việt Nam (5 triệu USD)

Đối tác

VAHIP được xây dựng và thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, các cơ quan chính phủ khác và 11 tỉnh được lựa chọn. Công tác thực hiện dự án được phân cấp mạnh. Các bộ và UBND các tỉnh đã thể hiện quyết tâm cao và tích cực tham gia hỗ trợ dự án, đồng thời cấp huyện cũng đóng góp bằng tài sản hữu hình, ví dụ xây dựng hoặc nâng cấp các trụ sở cơ quan y tế và thú y cấp huyện.

Đối tượng hưởng lợi

 “Chúng tôi đã được hưởng lợi nhiều từ dự án VAHIP. Trung tâm chúng tôi đã được nâng cấp đáng kể về môi trường, vệ sinh và an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc trung tâm giết mổ thủy cầm Tân Trường Phúc, Cần Giuộc, Long An.

“Dự án VAHIP đã giúp chúng tôi có được các giải pháp phòng ngừa hữu hiệu. Chúng tôi đã có thể chủ động xác định được bênh nhân nhiễm cúm gia cầm và có thể chữa chạy kịp thời và hiệu quả. Năng lực chuyên môn cán bộ y tế cấp xã và huyện đã tăng cường đáng kể. Năng lực khoanh vùng và kiềm chế bùng phát của chúng tôi đã được nâng cao. Vì vậy chúng tôi có thể phát hiện sớm, chữa chạy kịp thời, và ngăn ngừa bệnh bùng phát thành đại dịch”, ông Đỗ Thiện Khuyên, Giám đốc, Trung tâm y tế, huyện Vũ Thư, Thái Bình.

“Em đã học về phòng tránh cúm gia cầm tại trường. Khi về nhà em sẽ nói với bố mẹ là phải dùng găng tay và khẩu trang khi tiếp xúc với gia cầm hoặc khi cho chúng ăn. Cần thông báo cho cán bộ thú y biết nếu nghi ngờ gà, vịt bị cúm để chủ động phòng tránh cúm gia cầm”, một học sinh tham gia chương trình tuyên truyền của dự án VAHIP.

Hướng tới tương lai

Dự án VAHIP và các dự án khác đã giúp các cơ quan Việt Nam nâng cao năng lực y tế và thú y và sự phối hợp giữa hai ngành với nhau. Dự án Năng lực cạnh tranh chăn nuôi và an toàn thực phẩm cũng góp phần hỗ trợ.


Image
98,8%
% nhóm đối tượng can thiệp có thể xác định đúng và thực hành ít nhất một hành vi ngăn ngừa.



Welcome