Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 28 Tháng 7 Năm 2018

Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh

Bài phát biểu của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Hội thảo quốc tế “ Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh”

Ngày 28 tháng 7 năm 2018

Kính thưa Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Kính thưa Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Xin chào!

Tôi rất hân hạnh được tham gia cùng quý vị trong hội nghị quan trọng này về “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại thành phố Hồ Chí Minh”. Hai tuần trước, tôi đã có vinh dự được phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp 4.0 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại Hà Nội. Không cần phải nói, sáng tạo là một từ quan trọng trong mỗi bài phát biểu và thuyết trình. Rõ ràng, Việt Nam không thể nắm lấy xu hướng và cơ hội của Công nghiệp 4.0 mà không có sự sáng tạo.

Nhưng tầm quan trọng của sự sáng tạo không chỉ dừng ở cấp quốc gia. Trong thực tế, sự sáng tạo phải diễn ra bên trong và được thúc đẩy bởi cộng đồng của chúng ta, các công ty tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và phát triển, cũng như các thành phố. Những biến đổi về công nghệ đang làm cho thế giới phẳng hơn, điều này sẽ làm thay đổi cảnh quan toàn cầu, thay đổi cách chúng ta làm việc và sinh sống. Cạnh tranh và quan hệ đối tác giữa các thành phố ở cấp toàn cầu là “tiêu chuẩn mới” và các thành phố sẽ cần phải đổi mới để tồn tại trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi tầm nhìn và khả năng lãnh đạo để tạo ra một hệ sinh thái nuôi dưỡng khả năng sản xuất và tăng trưởng mà tự nhiên sẽ mang lại sự phát triển đô thị bền vững và bao trùm vì lợi ích của mọi công dân. Tôi rất vui khi thấy TP HCM đã bắt đầu triển khai quá trình xây dựng tầm nhìn quan trọng này đối với khu đô thị sáng tạo. Nhân cơ hội này, tôi xin chia sẻ với quý vị ba điểm cơ bản, đó là tầm nhìn, quy hoạch, nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh.

Trước hết, theo kinh nghiệm quốc tế, để khu đô thị sáng tạo đạt được kết quả thành công, thành phố cần phải có một tầm nhìn rõ ràng ngay từ đầu. Trong nhiều các ví dụ khác nhau trên toàn cầu, thành phố Barcelona ở Tây Ban Nha là một thành công. Thành phố bắt đầu với một tầm nhìn rõ ràng cho Khu đô thị sáng tạo để hồi sinh nền kinh tế của thành phố, thu hút đầu tư và tạo việc làm. Barcelona được cho là đã tạo ra khu đô thị sáng tạo đầu tiên với dự án “22@ Barcelona” bắt đầu từ năm 2000. Nó khởi sự với một câu hỏi đơn giản “Có thể thực hiện các biện pháp nào để cải thiện và tăng cường mối tương tác giữa cộng đồng quốc tế với các công ty và tổ chức tại địa phương ở Barcelona?”[1]. Từ đây đã dẫn đến việc chuyển đổi 200 ha đất công nghiệp bị bỏ hoang/trước đây sản xuất bông ở khu lân cận El Poblenou thành một khu đô thị sáng tạo, với mục tiêu tập trung và xây dựng các hoạt động và công ty chuyên sâu về tri thức. 22@ District được coi là một thành công và đã trở thành mô hình tiên phong cho nhiều khu đô thị sáng tạo khác, trong đó có Khu đô thị sáng tạo tại thành phố Boston. Hiện nay, 70% đất công nghiệp ở El Poblenou đã được xây dựng lại, từ 141 kế hoạch riêng lẻ để thực hiện tái phát triển. 85 trong số 141 kế hoạch được phê duyệt này thuộc khu vực tư nhân, đã xây dựng 700.000 m2 các cơ sở mới và gần 2.000 ngôi nhà ở mới trong khu vực. Chúng tôi thấy những xu hướng này đang nổi lên ở các thành phố như Seoul, Pittsburgh, Silicon Valley, và nhiều nơi khác.

Thứ hai, công tác quy hoạch đô thị, xây dựng chính sách và quản lý hiệu quả không chỉ tại chính khu đô thị sáng tạo, mà còn trong quá trình tích hợp khu đô thị sáng tạo với phần còn lại của thành phố, có ý nghĩa rất quan trọng. Điều quan trọng là phải biết rằng khi “quy hoạch” các khu đô thị sáng tạo, chúng ta cần phải “tư duy” vượt ra ngoài các khu đô thị sáng tạo và xem xét các yếu tố, xu hướng và chính sách ưu đãi trong khu vực và trên toàn cầu, mà có ảnh hưởng đến kết quả của những sáng kiến ​​này. Khu đô thị sáng tạo không phải là các thực thể độc lập hoặc công trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Thay vào đó, những nơi này được cho là một phần không thể tách rời của một thành phố, tựa như được dệt bởi các tổ chức hoạt động trong bối cảnh khu vực. Chúng được kết nối với nhau trong một thành phố và với các thành phố khác thông qua chuỗi giá trị, cung cấp vốn nhân lực từ quá trình di cư, di dời nhà máy và doanh nghiệp, chia sẻ tài nguyên thiên nhiên và công cộng. Do đó, khi thực hiện kế hoạch đô thị và chính sách quản lý, các thành phố cần cân nhắc hài hòa giữa các khu đô thị sáng tạo và phần còn lại trong nhu cầu kinh tế và phát triển của thành phố.

Thứ ba, nếu phát triển thành công, các Khu đô thị sáng tạo sẽ góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế toàn diện cho thành phố. Ví dụ như thành phố New York, tốc độ tăng trưởng việc làm trong “hệ sinh thái công nghệ cao” từ năm 2003 đến 2013 là gần 18%, lớn hơn tốc độ tăng trưởng việc làm chung của thành phố New York và nhanh hơn tốc độ tăng trưởng việc làm bình quân của toàn nước Mỹ trong cùng giai đoạn chỉ ở vào khoảng 4%. Đây là nơi "đầu tư vào con người" mang lại kết quả! Tôi thấy tiềm năng lớn cho giới trẻ Việt Nam, được phản ánh qua những thành tích cao trong các Chương trình đánh giá học sinh quốc tế như PISA và Young Lives, có thể để đóng góp vào chương trình đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, những gì còn thiếu là các kỹ năng thông minh để đi trước và nắm lấy những thay đổi trong sáng tạo, trong đó có hiểu biết về kỹ thuật số. Đây cũng là yêu cầu đối với lực lượng lao động trong khu vực nhà nước hiện nay để có thể đáp ứng những nhu cầu kỹ thuật số mới phát sinh. Khi đó, các tổ chức giáo dục đại học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm trên toàn thế giới cho thấy nghiên cứu và phát triển trong giáo dục đại học và các trường đại học đẳng cấp thế giới là chìa khóa để thúc đẩy sự sáng tạo.

Kính thưa quý vị,

Một tầm nhìn rõ ràng, công tác quy hoạch tốt và lực lượng lao động có tay nghề cao là chìa khóa để xây dựng một khu đô thị sáng tạo thành công. Sau cuộc gặp giữa ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành uỷ TP. HCM, với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực của Ngân hàng Thế giới, tại Washington DC vào tháng 12 năm 2017, và các cuộc thảo luận tiếp theo giữa ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM và chính tôi, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ TP. HCM để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, chuyên môn, kiến thức và nguồn lực tài chính đối với chương trình quan trọng này. Tôi rất mong được lắng nghe thảo luận và ý tưởng sáng tạo được trình bày trong hội nghị này để hỗ trợ tầm nhìn của TP HCM trở thành một thành phố hàng đầu ở Đông Nam Á.

Kính chúc các quý vị luôn mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc.

Xin cảm ơn!

 

[1] https://www.smartcitiesdive.com/ex/sustainablecitiescollective/case-study-22-barcelona-innovation-district/27601/

Api
Api