Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 29 Tháng 3 Năm 2018

Hội nghị Quốc gia về Quản lý Rủi ro Thảm họa

Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,

Kính thưa Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng,

Kính thưa các vị đại biểu đại diện cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, các bộ, các tổ chức quần chúng, các tỉnh và các tổ chức quốc tế,

Thưa các vị đại biểu, thưa các quý bà, quý ông,

Tôi rất hân hạnh tham gia Hội nghị Quốc gia về Quản lý Rủi ro Thảm họa quan trọng này.

Trước hết, tôi xin cảm ơn và chúc mừng sự chỉ đạo hiệu quả của chính phủ, cụ thể là của Bộ NNPTNT và Bộ TNMT trong công tác tăng cường chính sách và thể chế nhằm ứng phó với thảm họa và rủi ro khí hậu.

Việc phê chuẩn Chiến lược quốc gia về phòng chống, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai; Luật phòng chống thiên tai; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các kế hoạch hành động đi kèm; và sự thành lập Tổng cục phòng chống thiên tai là một số ví dụ điển hình về quyết tâm của chính phủ đối với chương trình xây dựng khả năng ứng phó thiên tai.

Quản lý rủi ro thảm họa và xây dựng năng lực ứng phó rủi ro khí hậu là những vấn đề quan trọng cần quan tâm giải quyết trong quá trình phát triển của Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước bị đe dọa nhiều nhất bởi các rủi ro trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Với bờ biển dài 3.260 km Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ biển và sạt lở đất.

Theo một báo cáo gần đây, chỉ số rủi ro thời tiết của Việt Nam đứng trong nhóm 10 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi các sự kiện thời tiết cực đoan trong 20 năm vừa qua.[1]

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra như hiện nay, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết cũng ngày càng tăng lên. Gần đây Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu 84 nước có bờ biển và kết quả cho thấy rằng, thật không may, Việt Nam đứng trong nhóm đầu các nước bị hiện tượng nước biển dâng đe dọa tới người dân, GDP, địa bàn đô thị và các khu ngập nước.[2]

Các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế, với tổn thất ước chừng 1% GDP[3]. Báo cáo đánh giá nhanh thiệt hại sau bão tại Khánh Hòa cho thấy cơn bão Damrey sẽ làm giảm tăng trưởng GDP khoảng 0,9% trong năm 2018. Năm 2017 chính phủ cũng thực hiện đánh giá rủi ro với sự trợ giúp kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới[4] và đưa ra con số ước tính rằng hiện nay khối tài sản với tổng trị giá lên đến 1,3 nghìn tỉ USD đang bị đe dọa bởi rủi ro nhưng chỉ có khoảng 5% tổng số tài sản trong nước được bảo hiểm.

Mặc dù chính phủ đã chú ý đầu tư tăng cường công tác kế hoạch hóa nhưng sau mỗi thảm họa vẫn tồn tại lỗ hổng về cấp vốn khắc phục thảm họa. Năng lực tài chính hiện nay của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 21% nhu cầu tái thiết và khắc phục khẩn cấp. Nếu xảy ra thảm họa lớn Việt Nam có thể bị mất trên 4% GDP. Trong vòng 50 năm tới xác suất xảy ra một thảm họa gây tổn thất kinh tế 6,7 tỉ USD và tác động lên 39 triệu người là 40%.

Các con số nêu trên không đơn thuần là dự báo hoặc ước tính. Đó là thực tế mà Việt Nam phải đối mặt và tính đến. Vì vậy cần phải tiếp tục chủ động đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và xây dựng năng lực ứng phó lâu dài. Nếu không đầu tư vào xây dựng năng lực ứng phó ngay bây giờ thì Việt Nam sẽ bị mất cơ hội phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong tương lai.

Ngân hàng Thế giới hiểu rõ sự cấp thiết phải đầu tư vào phát triển năng lực ứng phó thảm họa và rủi ro khí hậu. Trong 5 năm qua Ngân hàng Thế giới đã tăng gấp 3 lần tài trợ quản lý rủi ro thảm họa, đã cam kết khoảng 6 tỉ USD hàng năm cho lĩnh vực phát triển năng lực ứng phó[5]. Chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm trên thế giới và trên cơ sở đó xây dựng một phương pháp tiếp cận tổng thể về quản lý rủi ro thảm họa, trong đó có một khung chính sách tốt về đầu tư giảm nhẹ rủi ro và cấp vốn ứng phó rủi ro thảm họa.

Ngoài cấp vốn ra, Ngân hàng Thế giới, với kinh nghiệm thiết kế và thực hiện dự án toàn cầu của mình, còn giúp các nước đối tác các gói trợ giúp kỹ thuật và tài chính nhằm giải quyết nhiều vấn đề và giúp nâng cao năng lực các cơ quan thực hiện.

Ngân hàng Thế giới từ trước tới nay luôn luôn hỗ trợ thực hiện chương trình quản lý rủi ro thảm họa và nâng cao năng lực ứng phó tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong thập kỷ vừa qua Ngân hàng Thế giới đã cấp 1,7 tỉ USD phục vụ hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống cảnh bảo sớm, xây dựng hạ tầng phòng chống thiên tai và cải tạo đập. Ngoài ra Ngân hàng Thế giới còn huy động khoảng 7,5 tỉ USD quỹ tín thác thông qua Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi Thảm họa (GFDRR) nhằm giúp tăng cường chính sách và khung quản lý rủi ro thảm họa của chính phủ, thúc đẩy trao đổi giữa Việt Nam và các nước về vấn đề này. Ngân hàng Thế giới còn tài trợ hàng triệu USD nhằm lồng ghép năng lực ứng phó vào các công trình đầu tư phát triển đô thị, giao thông, nông nghiệp, và quản lý thủy lợi.

Chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác trong quá trình thực hiện chương trình quan trọng này. Tôi xin điểm qua một số lĩnh vực mà Ngân hàng Thế giới có thể giúp chính phủ thực hiện các chính sách về rủi ro thảm họa và biến đổi khí hậu trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tôi cho rằng chúng ta có thể phối hợp tốt hơn nữa trong lĩnh vực quản lý nguồn nước. Ví dụ, hiện nay tỉnh Ninh Thuận liên tục bị hạn há và lũ lụt.

Nếu chúng ta có một cách tiếp cận tổng thể, trong đó xem xét tất cả các giải pháp như quy hoạch hồ chứa dựa trên kết nối các lưu vực sông, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm nước và canh tác các giống cây chịu hạn, sản xuất điện sạch nhờ gió và mặt trời—hai nguồn sẵn có tại chỗ thì cách làm đó sẽ chắc chắn giúp thúc đẩy nâng cao năng suất lao động đóng góp nhiều hơn vào kết quả kinh tế-xã hội tại địa phương.

Thứ hai, rất cần tăng cường công tác lên kế hoạch tài chính nhằm thiết lập một hệ thống mạnh, sẵn sàng và có đủ khả năng ứng phó với thảm họa. Đáng mừng là hiện nay chính phủ đã có trong tay một loạt công cụ tài chính về giảm nhẹ rủi ro và ứng phó và phục hồi sau thảm họa, nhưng các công cụ đó vẫn còn dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách các cấp. Nếu chính phủ phối hợp tốt các công cụ đó thì sẽ quản lý nguồn kinh phí được hiệu quả và tiết kiệm hơn và cấp vốn kịp thời hơn khi cần.

Về mặt này Bộ Tài chính giữ vai trò đi đầu trong công tác lập kế hoạch tài chính, trong đó phải xây dựng được một chiến lược tổng thể về tài trợ rủi ro thảm họa. Nếu kết hợp hiệu quả các công cụ với nhau thì nhà nước và cộng đồng có thể huy động được thêm vốn tư nhân để có thể giải ngân nhanh trong trường hợp cần ứng phó và phục hồi khẩn cấp. Trong bối cảnh nguồn tài khóa ngày càng hạn chế như hiện nay chính phủ cần tính đến các giải pháp trên thị trường vốn và bảo hiểm để huy động thêm nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ngân hàng Thế giới gọi cách làm này là “Huy động tối đa nguồn tài chính cho phát triển”, tức là thu hút thêm nguồn tài chính tư nhân và kết hợp với nguồn lực công. Gần đây Bộ Tài chính đã đề cập vấn đề bảo hiểm tài sản hạ tầng công trong luật sửa đổi Quản lý tài sản công. Đây là ví dụ về một bước đi đúng hướng. Xin chúc mừng Bộ Tài chính về cách tiếp cận sáng tạo này.

Thứ ba, ta có thể thiết kế và tạo ra các công cụ sáng tạo để ứng phó với các thảm họa bất ngờ, trong đó phải kể đến Lựa chọn rút vốn ứng phó thảm họa (Catastrophe Deferred Drawdown Option, CAT DDO). Đây là một công cụ kết hợp cả quản lý rủi ro thảm họa với các công cụ tài chính sáng tạo cho phép các chính phủ tiếp cận nguồn vốn cần thiết một cách nhanh chóng và kịp thời. Ví dụ Philippines áp dụng CAT DDO theo hình thức một hạn mức tín dụng dự phòng trong khuôn khổ đổi mới chính sách quản lý rủi ro thảm họa, nhờ đó có thể rút vốn nhanh chóng phục vụ tái thiết và phục hồi sau thảm họa. Nhờ công cụ CAT DDO này, năm 2013 chính phủ Philippines đã huy động được 500 triệu USD chỉ vài ngày sau khi bão Hải Yến đổ bộ và tàn phá vùng Tacloban. Cơ chế chính sách cũng được thiết lập để trên cơ sở đó chính phủ thiết lập văn phòng quản lý rủi ro tại tất cả 80 tỉnh và tại trên 90% các thành phố cùng với phân bổ ngân sách và nhân sự giúp các văn phòng đó hoạt động.

Một ví dụ nữa là quỹ phòng chống thiên tai tại Mexico (FONDEN) với nhiệm vụ cứu trợ và tái thiết sau thảm họa. FONDEN thực hiện chuyển giao rủi ro dựa trên thị trường, tức là chuyển giao rủi ro thông qua công cụ bảo hiểm và các công cụ khác, ví dụ trái phiếu thảm họa. Gần đây nhất, FONDEN đã mua bảo hiểm cho các tài sản của chính phủ và các hộ gia đình thu nhập thấp với tổng mức bồi thường là 400 triệu USD nằm trên mức được bảo hiểm trong hợp đồng tái bảo hiểm. Hiện nay, FONDEN là một trong những cơ chế cấp vốn rủi ro thảm họa phức tạp nhất thế giới.

Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm toàn cầu và giúp các cơ quan chính phủ tìm hiểu và sử dụng các công cụ sáng tạo này trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Kính thưa Thủ tướng, thưa các quý bà, quý ông,

Tôi xin một lần nữa nhấn mạnh rằng Ngân hàng Thế giới cam kết mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam ứng phó với thiên tai và các rủi ro thời tiết ngày càng nghiêm trọng nhằm duy trì và củng cố những thành tựu kinh tế-xã hội đã đạt được. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ về tài chính và tri thức giúp chính phủ Việt Nam thực hiện các công trình đầu tư nâng cao khả năng ứng phó thảm họa. Chúng tôi sẽ áp dụng những kinh nghiệm toàn cầu đã qua thử thách, sẽ thu hút sự tham gia của các bên liên quan tại tất cả các cấp, trong đó có cả khu vực kinh tế tư nhân, và qua đó giúp đưa các biện pháp hữu ích vào cuộc sống, giúp nâng cao khả năng ứng phó thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Xin chúc các vị đại biểu một hội nghị thành công và hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả.

Xin cảm ơn.​

 

[1] https://germanwatch.org/fr/download/16411.pdf

[2] (Dasgupta et. al, 2007)

[3] Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, 2017

[4] Đánh giá và mô hình rủi ro thảm họa Việt Nam, Ngân hàng Thế giới 2017.

[5] The World Bank, 2017

 

 

Api
Api