Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 15 Tháng 3 Năm 2018

Hội nghị “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế”

Kính thưa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam;

Kính thưa ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư;

Kính thưa ông Michael Greene, Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ;

Thưa các Quý bà, Quý ông

Xin chúc tất cả các vị đại biểu một buổi sáng tốt lành.

 

Tôi rất vinh dự được cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đón mừng các vị đại biểu tới dự Hội nghị “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế” này. Tôi xin cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về sáng kiến tổ chức cũng như sự tham gia chủ trì trực tiếp hội nghị này của ông. Tôi cũng xin cảm ơn nhóm công tác của Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã phối hợp cùng các đồng nghiệp của tôi tại Ngân hàng Thế giới đã thực hiện công tác chuẩn bị hội nghị rất chu đáo.

 

Thưa các Quý bà, Quý ông,

Phát triển một khu vực kinh tế tư nhân cạnh tranh là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và thịnh vượng trong mỗi nền kinh tế. Chúng ta cũng thống nhất với nhau rằng mức độ năng động của khu vực kinh tế tư nhân phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự có chất lượng, hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh công bằng thì những quy định đó chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào nâng cao năng lực cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm và không ngừng cải thiện môi trường pháp quy. Luật Doanh nghiệp năm 2000 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này. Nhờ đó, các doanh nghiệp tư nhân đã phát triển nhanh chóng và tạo bước đột phá về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Kể từ đó, số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động đã tăng 13,3 lần trong giai đoạn 2000-2015. Vào thời điểm 2017, tổng số doanh nghiệp tư nhân là 520.000, chiếm 97% tổng số các doanh nghiệp. Cũng nhờ đó khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế chính tại Việt Nam, đóng góp 51% tổng số việc làm và 43% GDP trong năm 2016.

Chúng ta cũng biết rằng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế tư nhân. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn có qui mô nhỏ, chưa có đủ năng lực sản xuất có hiệu quả và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu. Kết quả điều tra doanh nghiệp cho thấy mặc dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về quản lý, tệ quan liêu. Cùng với hạn chế về tiếp cận vốn, lao động có tay nghề cao, những yếu tố đó đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều tra Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy trong giai đoạn 2006-2016 chỉ số “Các khoản chi phí không chính thức” không cải thiện là mấy. 1/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ phải dành trên 10% thời gian để hoàn thành các thủ tục hành chính trong năm 2016. Gần đây, nhóm phụ trách về thương mại của Ngân hàng Thế giới tiến hành phân tích số liệu và nhận thấy rằng thời gian tuân thủ quy định, ví dụ hoàn thành thủ tục khai báo hải quan, kiểm hóa trực tiếp, v.v. chiếm đến 76% tổng thời gian nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Rõ ràng là ở đây còn nhiều tồn tại cần giải quyết để giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí tuân thủ.

Trên thực tế, cắt giảm tệ quan liêu và cải thiện môi trường kinh doanh nói chung luôn là ưu tiên của chính phủ trong những năm gần đây. Bắt đầu từ năm 2014 chính phủ đã thực hiện Nghị quyết 19 và đến nay nghị quyết này đã được coi là ví dụ điển hình về nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Mỗi giải pháp hiện nay của chính phủ đều quy định các mục tiêu đổi mới cụ thể được thể hiện trong các chỉ số về Môi trường Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới. Cách làm này đã mang lại kết quả rất khả quan. Việt Nam liên tục và đều đặn thăng hạng và thu hẹp khoảng cách so với biên tối đa về quản lý kinh doanh toàn cầu. Theo báo cáo Doing Business mới nhất năm 2018 Việt Nam xếp thứ 68 trong 190 nền kinh tế về Môi trường Kinh doanh thuận lợi, so với vị trí 82 năm 2017. Việt Nam được xếp trong nhóm 5 nước đổi mới hiệu quả nhất trong ASEAN. Tôi xin chúc mừng chính phủ Việt Nam về những thành tích tuyệt vời này.

Thưa các Quý bà, Quý ông,

Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu, mục tiêu quan trọng của chúng ta tại hội nghị ngày hôm nay là giúp các bên liên quan trao đổi một cách cởi ở và xây dựng nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 19 trong năm 2018.

Nghị quyết khẳng định quyết tâm cao độ của chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và làm cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực nền tảng tạo nên năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Chúng tôi rất hoan nghênh các cam kết đổi mới cụ thể trong các ngành hướng tới mục tiêu rất cao là trở thành một trong 4 nước hàng đầu trong ASEAN, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam còn đang tụt hậu, ví dụ khởi nghiệp, thực thi hợp đồng giải quyết phá sản.

Gắn đổi mới môi trường kinh doanh với các tiêu chí trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh là cách làm hay, nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng mục tiêu cao hơn ở đây là tạo được một môi trường kinh doanh tốt, tức là một khu vực doanh nghiệp năng động, và cuối cùng là một nền kinh tế mạnh và cạnh tranh. Nâng cao thứ hạng đương nhiên là quan trọng nhưng đó không phải là một mục đích tự thân. Vấn đề quan trọng hơn ở đây là những thay đổi về luật pháp, thủ tục phải được thực hiện nghiêm túc. Chúng ta đều biết rằng nếu công tác thực hiện kém thì nó sẽ dễ dàng làm suy yếu khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo gần đây: “trên nóng dưới lạnh”. Đây là thách thức đặt ra với nhiều nước; với kinh nghiệm toàn cầu của mình chúng tôi biết rằng phải kết nối quá trình cải cách với loại bỏ những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể thành công.

Thưa các Quý bà, Quý ông,

Tôi vui mừng nhận thấy trong phòng hội nghị hôm nay có đầy đủ các đại diện doanh nghiệp tư nhân, cơ quan chính phủ, và các đối tác quốc tế. Chúng tôi đã xây dựng một chương trình để làm sao có càng nhiều đại biểu tham gia càng tốt, và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo mỗi người đều có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Do thời gian có hạn tôi đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, tập trung, và cô đọng.

Thưa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Một lần nữa, xin cảm ơn Phó Thủ tướng đã mời chúng tôi cùng tham gia tổ chức sự kiện này ngày hôm nay. Chúng tôi cũng xin cảm ơn chính phủ Australia và USAid về hỗ trợ tài chính của họ cho hội nghị này.

Xin chúc tất cả các vị đại biểu sức khỏe, thành công và hy vọng chúng ta sẽ có một buổi thảo luận xây dựng và hiệu quả.

Xin cảm ơn

Api
Api