Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 19 Tháng 12 Năm 2017

Bài phát biểu của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Đồng Tháp

Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Kính thưa ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy

Kính thưa ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh

Thưa các quý bà, quý ông,

 

Tôi rất hân hạnh có mặt tại đây ngày hôm nay và tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại tỉnh Đồng tháp tươi đẹp này. Tôi xin cảm ơn các vị lãnh đạo, các đồng nghiệp và người dân trong tỉnh đã dành cho tôi tấm lòng mến khách và cho tôi đặc ân được phát biểu tại sự kiện quan trọng này.

Tôi cũng rất hân hạnh được chứng kiến sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị này ngày hôm nay. Sự có mặt của Thủ tướng là nguồn động viên lớn và đồng thời cũng thể hiện quyết tâm và tầm nhìn của chính phủ đối với sự phát triển và thịnh vượng của Đồng Tháp nói riêng và của cả vùng đồng bằng sông Cửu long nói chung. Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đề ra một kế hoạch tổng thể rất rõ ràng nhằm thúc đẩy phát triển đồng bộ và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả trong toàn vùng. Tôi hy vọng rằng hội nghị này và một số hội nghị khác tại các tỉnh xung quanh sẽ góp phần thực hiện thành công nghị quyết nêu trên của Chính phủ.

Thưa các vị đại biểu,

Trong bối cảnh diễn ra các thay đổi nhanh chóng về kinh tế và xã hội trong khu vực đồng bằng sông Cửu long, tiếp theo ý kiến của các diễn giả khác, tôi xin điểm lại một số nét chính có tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển của Đồng Tháp.

Thứ nhất, chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng có tiềm năng rất lớn về doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó cần tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao và hiện đại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp-lương thực. Nói cách khác, cần phát triển một nền nông nghiệp sản xuất ra nhiều sản phẩm sơ cấp và chế biến chúng thành các sản phẩm an toàn và có chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Muốn vậy, các doanh nghiệp nông nghiệp phải hợp tác chặt chẽ với nông dân, tạo thêm nhiều việc làm, ứng dụng công nghệ mới và đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp. Với tình hình nợ công như như hiện nay thì huy động vốn đầu tư tư nhân là một hướng đi quan trọng để thực hiện mục tiêu đó.

Chúng tôi cho rằng cần giải quyết bốn lĩnh vực chính sau đây thì mới có thể thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp một cách hiệu quả: (i) tích tụ đất đai, hay nói rộng hơn, đó là phải tạo được lợi thế quy mô; (ii) phát triển một nền nông nghiệp thích ứng tốt với khí hậu; (iii) hiện đại hóa chuỗi giá trị; và (iv) khuyến khích khởi nghiệp trong doanh nghiệp nông nghiệp. Một người nông dân trồng xoài có thể thông qua internet đem đến khách hàng trải nghiệm được sở hữu và theo dõi sự tăng trưởng của một cây xoài. Đó là một ví dụ.

Thứ hai, hệ thống giao thông đa phương thức có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển của Đồng Tháp. Cần đầu tư, cải tạo cả hệ thống đường bộ và đường thủy nội địa trong mạng lưới giao thông vùng Đồng Tháp Mười để kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, coi đây là phương thức vận chuyển hàng nông sản rời tiết kiệm và hiệu quả. Tôi cũng cho rằng Đồng Tháp và các tỉnh lân cận cần thúc đẩy các giải pháp giao thông đa phương thức để từ đó tăng cường giao thương và hợp tác với Cam-pu-chia, ví dụ trao đổi hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp và vật tư xây dựng.

Thứ ba, các tỉnh trong vùng đang trải qua thời kỳ chuyển đổi cơ cấu do đô thị hóa nhanh chóng mang lại. Ngày càng có nhiều người chuyển vào sống trong các khu vực đô thị nên đã tạo áp lực rất lớn lên cơ cấu hạ tầng, dịch vụ và đòi hỏi phải tạo thêm nhiều việc làm. Theo kinh nghiệm tại một số nước, ví dụ Ma-lai-xi-a, nếu quá trình đô thị hóa được qui hoạch tốt, thì có thể phát triển được các vùng đô thị tập trung và các cụm công nghiệp. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi phải linh hoạt trong sử dụng đất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Tại các vùng nước lợ, các vùng hay bị nhiễm mặn hoặc các vùng bị đe dọa bởi các rủi ro khác, cần xem xét chuyển từ lúa sang các cây trồng hoặc biện pháp sản xuất và canh tác khác hợp lý hơn. Đi cùng với tiến trình này cần xây dựng các khu đô thị được quy hoạch gọn về không gian. Đó sẽ là giải pháp mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực.

Thứ tư, muốn tận dụng được các cơ hội nêu trên chúng ta cần huy động nguồn vốn và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Khả năng tài khóa của trung ương ngày càng hạn chế, do vậy Đồng Tháp sẽ phải tìm cách thu hút đầu tư tư nhân từ các nguồn trong nước và nước ngoài để phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Một cơ chế thân thiện và hiện đại đã được triển khai và đang không ngừng cải thiện. Hội nghị ngày hôm nay là minh chứng về một mô hình thúc đẩy đầu tư hiệu quả dưới sự dẫn dắt của một ban lãnh đạo mạnh.

Để thay lời kết tôi xin cam kết với quý vị rằng Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ hợp tác và giúp đỡ tỉnh Đồng Tháp trong công cuộc phát triển của mình thông qua các dự án đang thực hiện, ví dụ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững, dự án Ứng phó Khi hậu Đồng bộ và Sinh kế Bền vững thông qua cơ chế tối đa hóa tài chính cho phát triển của chúng tôi. Ngân hàng Thế giới mong muốn tiếp tục hợp tác với tỉnh nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư hơn nữa vào nông nghiệp, nhất là vào trong các chuỗi giá trị sản xuất gạo, trái cây và cá tra.

Chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chúc mừng năm mới.

Xin cảm ơn!

Api
Api