Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 3 Tháng 10 Năm 2017

Bài phát biểu của Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Hội thảo Phổ biến Kết quả Đánh giá Chi công.

Kính thưa ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính,

Kính thưa ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ tịch Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội,

Thưa các đồng nghiệp từ các bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Giáo dục Đào tạo, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông và các tỉnh, thành phố,

Thưa các đồng nghiệp từ các nhà tài trợ,

Tôi rất hân hạnh có mặt tại đây hôm nay, chào mừng quý vị tới buổi hội thảo phổ biến kết quả đánh giá chi công này. Trước khi đi vào chi tiết, tôi xin phép nêu một số điểm vắn tắt như sau.

Trước hết, thay mặt nhóm công tác Ngân hàng Thế giới xin cảm ơn quý vị đã hợp tác rất hiệu quả trong quá trình xây dựng báo cáo đánh giá này. Đây thực sự là kết quả chung và chúng tôi đánh giá rất cao sự tin tưởng cũng như mối quan hệ đối tác mà chúng tôi đã cùng quý vị xây đắp không chỉ riêng với Bộ Tài chính mà với tất cả các cơ quan chính phủ khác, từ lãnh đạo tới cấp chuyên viên tại 8 bộ và 5 tỉnh, thành. Nhân dịp này tôi cũng xin cảm ơn các đối tác phát triển như DFAT (Úc), GAC (Canada), SECO (Thuỵ sỹ), Ukaid (Vương quốc Anh), và các cơ quan LHQ. Chúng tôi đã nhận được nhiều hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các đối tác này trong suốt quá trình xây dựng báo cáo đánh giá.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của báo cáo đánh giá này. Báo cáo được xây dựng đúng vào thời điểm mà Việt Nam cần phải đưa ra những lựa chọn quan trọng về tài khoá, một phần bởi Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi trong công cuộc phát triển của mình. Chi công ngày càng tăng do phải nâng cao chất lượng dịch vụ công và dịch vụ an sinh xã hội mà nguyên nhân sâu xa của nó là hiện tượng già hoá diễn ra nhanh chóng, và đòi hỏi phải đầu tư vào hạ tầng để tăng trưởng và giảm nghèo. Mở cửa kinh tế hơn nữa và hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới đã dẫn đến giảm thuế quan và giảm nguồn thu từ thương mại; mặt khác nền kinh tế lại dễ bị tổn thương hơn trước các biến động từ bên ngoài. Giảm thu từ khai thác tài nguyên, nguồn thu bán đất, miễn giảm thuế tràn lan nhằm khuyến khích đầu tư cũng làm giảm nguồn thu trong một vài năm gần đây. Chính vì vậy, khoảng đệm tài khoá đã bị thu hẹp. Thâm hụt tài khoá triền miên đã làm tăng nợ công và làm ta quan ngại về mức độ bền vững tài khoá trung hạn và xu thế tăng nợ công đi kèm.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra kế hoạch kiềm chế mất cân đối tài khoá và giữ mức thâm hụt khoảng 3,9% GDP trong giai đoạn 2016-2020. Đây là việc làm cực kỳ cần thiết. Nhưng muốn đạt mục tiêu đó thì đòi hỏi phải cố gắng vượt bậc để làm sao tăng được nguồn thu, tái cơ cấu và tăng cường tiết kiệm chi, tăng cường quản lý tài sản công và trách nhiệm trả nợ công, và tăng cường quản lý rủi ro tài khoá cả ở cấp trung ương và địa phương.

Chính vì vậy, chúng tôi rất hân hạnh cùng các đối tác chính phủ trình bày báo cáo đánh giá này ngày hôm nay. Trong báo cáo sẽ nêu các khuyến nghị cụ thể, đồng bộ về các phương án chính sách nhằm (a) lành mạnh hoá tình hình tài khoá dần dần hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và coi đó như một yếu tố sống còn nhằm thiết lập bền vững tài khoá đồng thời tạo được một khoảng đệm vừa phải để chi đầu tư và xã hội; và (b) tái cơ cấu phân bổ ngân sách, kể cả phân bổ ngân sách giữa trung uơng và địa phương, giữa chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên, và tái phân bổ giữa các ngành.

Đây là báo cáo đầu tiên loại này được thực hiện trong hơn một thập kỉ qua. Hy vọng  kết quả phân tích trong này sẽ giúp chính phủ và các bên có lợi ích liên quan, trong đó bao gồm cả Quốc hội, xây dựng kế hoạch phát triển trung hạn, lập kế hoạch và xác định các hạng mục ưu tiên về tài khoá và ngân sách. Ngoài lĩnh vực tài khoá, các biện pháp vừa nêu cũng sẽ giúp tăng cường cung cấp dịch vụ công và đầu tư vào hạ tầng kinh tế, xã hội.

Quá trình tương tác và trao đổi giữa qua lại các bên, xét về nhiều mặt, cũng quan trọng không kém bản thân bản báo cáo. Chỉ thông qua đối thoại thì các kết quả phân tích và ý tưởng mới có thể biến thành hành động, chính sách và kết quả thực tế. Chúng tôi rất hân hạnh có được cơ hội làm việc gần gũi với các nhà hoạch định chính sách hôm nay tại đây.

Trong thời gian tới chúng ta cần: (a) phổ biến kiến thức mà ta biết được tới công chúng rộng rãi hơn qua các hoạt động truyền bá một cách hiệu quả, (b) thực hiện các khuyến nghị theo ý kiến của Thủ tướng. Chúng tôi rất vui mừng vì Thủ tướng đã giao các cơ quan liên quan điểm lại tiến độ thực hiện 6 tháng một lần. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ khi cần trong suốt quá trình thực hiện báo cáo đánh giá này.

Hội thảo ngày hôm nay thực sự là một dấu mốc trong quá trình phát triển mối quan hệ đối tác của chúng ta. Chúng tôi luôn không ngừng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam nhằm giải quyết thách thức và nắm bắt các cơ hội.

Tôi rất vui mừng được tham gia thảo luận với tất cả quý vị. Hy vọng  tất cả quý vị đại biểu tích cực tham gia thảo luận, đặt câu hỏi và chia sẻ ý tưởng của mình. 

Api
Api