Diễn văn và Bản ghi chép

Phát biểu khai mạc của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016

9 Tháng 12 Năm 2016


Ousmane Dione Diễn Đàn Phát Triển Việt Nam 2016 Hanoi, Việt Nam

Như trong bản chuẩn bị để phát biểu

Kính thưa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng,

Thưa các vị Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, ủy ban Quốc hội và các ban của Đảng,

Thưa các vị Đại sứ, Trưởng Đại diện các cơ quan phát triển,

Thưa quý vị đại biểu, Xin chào!

Tôi có một vinh dự và đặc ân lớn là được cùng Bộ trưởng Dũng chào mừng các Quý vị tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 này. Tôi biết rằng vào thời điểm này các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển đều rất bận và tôi cảm ơn các Quý vị đã thu xếp thời gian để tới đây hôm nay. Đây là một sự kiện quan trọng và tôi hy vọng VDF sẽ dần trở thành một diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thẳng thắn về những thách thức phát triển của Việt Nam.

VDF 2016 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế và tình hình chính trị toàn cầu trở nên bấp bênh. Những diễn biến gần đây sẽ có tác động lớn lên triển vọng toàn cầu. Đối với Việt Nam, những diễn biến đó cũng vừa mang lại cơ hội, vừa mang lại thách thức trên con đường hội nhập khu vực và toàn cầu thông qua một loạt các hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương.

Việt Nam vừa mới bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đại hội Đảng lần thứ 12 hồi đầu năm đã đưa ra định hướng và chỉ đạo rõ ràng cho Chính phủ đối với việc thực hiện cải cách và chính sách quan trọng, nhằm hướng tới tăng trưởng và thịnh vượng bền vững.

Thưa Bộ trưởng Dũng, thưa Quý vị,

Tại thời điểm năm 2016 sắp kết thúc này, tôi xin chúc mừng Chính phủ mới về những kết quả đã đạt được trong năm. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô thành công nhờ các chính sách hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm quản lý tỉ giá linh hoạt hơn được áp dụng từ đầu năm. Năm 2016 cũng được đánh dấu bởi lạm phát một con số, tỉ giá tương đối ổn định, và cán cân thương mại được cải thiện. Vấn đề quan trọng là, mặc dù môi trường toàn cầu bất lợi, nhưng nền kinh tế vẫn phản ứng tốt nhờ cầu trong nước mạnh và ngành công nghiệp chế tạo hướng về xuất khẩu; với tốc độ tăng trưởng đạt 6,0%--thuộc nhóm cao nhất so với khu vực và trên toàn cầu.

Tuy nhiên vẫn tồn tại một số khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Tôi xin đi sâu thêm vào một số điểm như sau:

Thứ nhất, đó là thách thức về năng suất. Trong vài năm gần đây, sau thời kỳ suy thoái toàn cầu Việt Nam đã phục hồi đà tăng trưởng ngoạn mục. Nhưng xu thế giảm mức tăng năng suất lao động vẫn tồn tại và gây quan ngại. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% và có xu thế đi xuống. Trong khi đó tỷ lệ tăng năng suất lao động của Trung Quốc là trên 7%, của Hàn Quốc là 5% khi các nước này còn ở cùng trình độ phát triển như hiện nay của Việt Nam. Tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay khó có thể đảm bảo tăng trưởng cho Việt Nam theo kịp quỹ đạo tăng trưởng của Hàn Quốc hay Sing-ga-po.

Để chấm dứt tình trạng này cần thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển bằng nhiều biện pháp, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, khuyến khích các thành phần kinh tế kết nối và cạnh tranh nhằm tạo ra những chuỗi giá trị hiệu quả trong và ngoài nước. Cần đổi mới mạnh hơn để tạo ra những thể chế thị trường hiệu quả thì mới có thể đạt được các mục tiêu trên. Ngoài ra cũng cần áp dụng cơ chế thị trường trong phân bổ vốn và đất đai. Có như vậy mới đảm bảo tài nguyên được phân bổ cho các mục đích sử dụng hiệu quả nhất. Nếu thiết lập được và đảm bảo thị trường đất đai vận hành hiệu quả thì đó sẽ là một thành quả đáng kể trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đó sẽ là nhân tố quan trọng mang lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn cho người dân và doanh nghiệp tư nhân.

Vấn đề lớn thứ hai là sự gia tăng ảnh hưởng lên môi trường của Việt Nam. Trong 5 năm qua phát thải khí nhà kính của Việt Nam tăng với tốc độ cao nhất trong khu vực. Ngành năng lượng là nguồn phát thải lớn nhất. Hiện nay thủy điện chiếm 42% tổng sản lượng điện nhưng tiềm năng đã được khai thác hết. Với mức sử dụng điện tăng 10% / năm chúng ta cần tính đến khai thác các nguồn năng lượng mới. Để tránh phụ thuộc vào than đá và khuyến khích sử dụng nguồn phát thải các-bon thấp, cần xây dựng khung pháp quy khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, hơi đốt, điện mặt trời và đồng thời khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Qua đó sẽ giúp Việt Nam phát triển theo con đường tiết kiệm năng lượng và hoàn thành mục tiêu đóng góp quốc gia (NDC) của mình—giảm 8% phát thải. Ngân hàng Thế giới cam kết sát cánh cùng Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn mục tiêu trên. Nhưng trước hết, Chính phủ phải ban hành chính sách và khung thể chế để tạo nền tảng xuất phát.

Vấn đề thứ ba là giảm nghèo và phúc lợi xã hội. Tuy đã đạt nhiều tiến bộ nhưng nhiều người dân Việt Nam vẫn thuộc diện nghèo. Nhiều chỉ số cho thấy còn hạn chế trong việc cải thiện cơ hội kinh tế và xã hội cho nhóm dân tộc thiểu số. Tỷ lệ giảm nghèo trong nhóm thiểu số giai đoạn 2012-2015 còn khiêm tốn, bao gồm cả tiêu chí giảm suy dinh dưỡng. Cần gấp rút tìm ra phương pháp và cách làm mới nhằm giảm nghèo và tăng phúc lợi cho người thiểu số. Hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sẽ làm thay đổi đáng kể tình trạng này nếu được xây dựng và thực hiện tốt.

Cuối cùng, đó là câu hỏi Việt Nam sẽ huy động vốn như thế nào cho chương trình phát triển đầy tham vọng của mình trong 5 năm tới. Trong thời điểm nguồn vốn ưu đãi chấm dứt - do đã trở thành nước thu nhập trung bình - Việt Nam phải tạo nguồn thu trong nước. Nhưng trong 5 năm qua tỷ lệ thu ngân sách / GDP đã giảm từ 27% xuống 21%. Tăng cường thu trong nước, tiết kiệm chi, tăng cường năng lực quản lý nợ nhất là thị trường nợ trong nước sẽ giúp đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển mà không rơi vào tình trạng mất bền vững nợ. Ngoài ra, cần sử dụng vốn ODA một cách chiến lược hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn và hướng tới mục đích thu hút đầu tư tư nhân.

Thưa Quý vị,

Bộ trưởng Dũng đã trình bày hướng chỉ đạo của Chính phủ đối với quá trình phát triển trong 5 năm tới. Tôi rất phấn khởi khi biết rằng Chính phủ quyết tâm hướng tới vai trò kiến tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế một cách hòa nhập. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, với một kế hoạch hành động cụ thể Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu trong kỳ kế hoạch 5 năm tới và các mục tiêu dài hơi hơn. Các đối tác phát triển sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về kiến thức, kinh nghiệm và cách làm quốc tế. Và, VDF chính là một sự kiện điển hình trong quá trình này.

Năm nay VDF tập trung vào kinh tế vĩ mô và quản lý tài khoá/quản lý nợ, coi đây là nền tảng chiến lược để giải quyết các thách thức phía trước. Tôi tin rằng chúng ta sẽ thảo luận một loạt các vấn đề thú vị và phù hợp như đã ghi trong chương trình nghị sự sáng nay. Và để đảm bảo hiệu quả cao nhất tôi hy vọng các vị đại biểu sẽ phát biểu ngắn gọn và tập trung vào vấn đề và dành thời gian để nghe thêm nhiều ý kiến khác.

Chúc các Quý vị một buổi thảo luận hữu ích. Xin cảm ơn. 

Api
Api

Welcome