Diễn văn và Bản ghi chép

Việt Nam: Triển vọng kinh tế toàn cầu và những thách thức trong thời kỳ hậu khủng hoảng

8 Tháng 4 Năm 2010

Juan Jose Daboub Nha Trang, Việt Nam

Như trong bản chuẩn bị để phát biểu

Bài Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 14 của Ông Juan Jose Daboub
Giám đốc Điều hành Nhóm Ngân hàng Thế giới
8/04/ 2010
Nha Trang, Việt Nam

Thưa ngài Chủ tịch, Thưa ngài Tổng Thư ký Tiến sỹ Pitsuwan

Cảm ơn các quý ngài đã mời tôi phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN này. Đây là một thời điểm quan trọng cho khu vực này và ASEAN đóng một vai trò quan trọng . Trong khi khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang sẵn sàng phục hồi hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cho phép tôi được chia sẻ ba thách thức chính mà chúng ta có thể nhận thấy, đó là:

  • Thách thức thực hiện các chương trình cải tổ còn đang dang dở
  • Thách thức đẩy mạnh hội nhập khu vực, và
  • Thách thức đạt được cân bằng giữa an ninh năng lượng và tính bền vững

Trên thực tế, hầu hết các nền kinh tế đều đã giành lại được mức đầu ra và mức xuất khẩu như trước khủng hoảng. Có được điều đó chúng ta phải cảm ơn Trung Quốc rất nhiều nhưng cũng cần cảm ơn các nước ASEAN vì họ đã và đang phục hồi mạnh mẽ trong năm 2010. Tăng trưởng GDP thực ở khu vực đang phát triển Đông Á ước đạt 8,6% trong năm 2010, tăng hơn so với 7% trong năm 2009 và tương đương với mức tăng trưởng của năm 2008 (8,5% năm 2008).

Nhân dịp này, cho phép tôi được chúc mừng ASEAN vì đã mang lại một diễn đàn có tiếng nói mạnh mẽ để cùng phối hợp các chính sách trong khu vực và đã đề xuất nhiều sáng kiến giúp kiểm soát cuộc khủng hoảng và gần đây nhất là việc thiết lập được thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai.

Trong quá trình phục hồi, khu vực này đã nổi lên như là một động lực chính đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính. Tăng trưởng của khu vực chiếm hơn 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2010, mặc dù nó mới chỉ chiếm hơn 10% GDP toàn cầu.

Về phần mình, để đối phó với cuộc khủng hoảng và nhằm trợ giúp cho các nước trong những năm tới, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho việc:

  • Chống lại đói nghèo thông qua những chương trình như mạng lưới an sinh xã hội
  • Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả cơ sở hạ tầng mang tính cạnh tranh
  • Nâng cao công tác quản trị và chống tham nhũng, và
  • Phát triển khu vực tư nhân – để tạo công ăn việc làm

Xuất phát từ vị thế mạnh về tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã và đang chèo chống cuộc khủng khoảng và đã thúc đẩy mạnh mẽ những hoạt động của mình. Tính đến hết tháng này, những cam kết của chúng tôi kể từ đầu cuộc khủng hoảng sẽ lên tới 100 tỷ đôla.

Ngoài ra, Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng đẩy mạnh hỗ trợ cho những chương trình cải tổ để chuẩn bị tốt hơn cho những khách hàng trong tương lai. Sự hỗ trợ này dựa trên cơ sở những bài học và những kinh nghiệm học được từ các nước đã tiến hành được những giải pháp mang tính sáng tạo.

Trong giai đoạn ngắn hạn, cần phải lưu ý rằng quá trình phục hồi kinh tế vẫn chưa kết thúc và sẽ là quá sớm nếu rút lui hoàn toàn khỏi những gói kích thích kinh tế. Vẫn còn tồn tại những nguy cơ đi xuống của nền kinh tế thế giới.

Thách thức với chúng ta là phải duy trì được sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh những nước trong khu vực đồng euro vẫn còn lao đao và những bất ổn sâu sắc của nền kinh tế Mỹ mà tập trung vẫn là vấn đề nhà đất, các thị trường tài chính và tình hình căng thẳng tài chính toàn diện.

Ở khu vực Đông Á, cần phải triển khai thành công chiến lược rút lui của Trung Quốc, và tháo ngòi cho tình trạng tăng trưởng tín dụng quá lớn trong năm ngoái vì đó là một yếu tố có thể tiềm ẩn tình trạng bong bóng bất ổn định. Nhìn chung, trong bối cảnh tăng trưởng và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và các nước khu vực đồng euro có khả năng giảm sút, nhu cầu tìm kiếm các thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu của khu vực sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Xét về mặt dài hạn, không chỉ trong những năm tới đây mà còn trong cả vài thập kỷ tới, khu vực này hoàn toàn có thể dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế thế giới. Họ đã tích lũy được hơn 2 nghìn tỷ đôla và thặng dư tài khoản vãng lai rất lớn. Họ có một đội ngũ lao động ngày càng có trình độ cao, và rất có khả năng theo kịp với các nước G7 về lĩnh vực công nghệ, năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người. Để đạt được những kỳ vọng trên, các nhà lãnh đạo trong khu vực cần quan tâm xem xét ba thách thức chính.

Thứ nhất, xây dựng một chương trình cải tổ quan trọng đa dạng theo từng nước.

  • Đối với các nước mạnh về xuất khẩu, nhiệm vụ chủ chốt là cần phải sử dụng nguồn tài chính, thương mại và những chính sách khuyến khích hợp lý để đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, các mặt hàng nhập khẩu và khu vực dịch vụ vốn đang tương đối tụt hậu.
  • Đối với các nước có thu nhập trung bình như Malaysia và Thailand, thách thức quan trọng khác là phải đẩy mạnh đầu tư tư nhân - một lĩnh vực vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng Châu Á 1997 - và đầu tư vào đổi mới, tri thức và giáo dục để tiến được xa hơn nữa trong chuỗi công nghệ. Đây là một cách để họ có thể tránh được cái bẫy của việc có thu nhập trung bình, đó là khi chi phí đơn vị lao động của họ tăng lên, họ lại bị cạnh tranh gay gắt hơn bởi những nước có thu nhập thấp hơn ở Đông và Nam Á và Châu Phi.
  • Các nước có thu nhập thấp cần phải bứt phá ra khỏi những ngành dệt may truyền thống và phát triển những ngành sản xuất tiên tiến hơn và gia nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu bằng cách đa dạng hóa những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn ví dụ như sản xuất hàng điện và điện tử.
  • Cuối cùng là những nhà xuất khẩu hàng hóa ở mọi mức thu nhập như In-đô-ne-xia, Thái Lan và Lào cần phải đẩy mạnh những quy định và khung chính sách về tài chính để chuyển hóa những nguồn thu từ bên ngoài mang tính không ổn định thành nguồn lực cho tăng trưởng dài hạn.

Thách thứ chính thứ hai là đẩy mạnh hội nhập khu vực. Làm được điều đó có nghĩa là sẽ làm được hai việc sau:

  • Thứ nhất, hội nhập khu vực sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ.
  • Thứ hai, năng xuất lao động và trình độ cải tiến sẽ được nâng cao do việc luân chuyển những luồng vốn và lao động xuyên biên giới đã được tạo điều kiện thuận lợi để đạt được hiệu quả cao nhất, và do có việc trao đổi tri thức - vốn là một yếu tố quan trọng đối với đổi mới.

Chúng tôi muốn đề xuất ba lĩnh vực mà chương trình nghị sự của khu vực cần đề cập - và ASEAN đang nắm vai trò quan trọng trong cả ba lĩnh vực này:

Thúc đẩy trao đổi buôn bán thành phẩm trên phạm vi nam – nam và trong khu vực thông qua việc giảm những biểu thuế hiện hành đối với hàng dệt may, sản phẩm nông nghiệp và những mặt hàng khác và thông qua việc xúc tiến các biện pháp hỗ trợ thương mại.

Mở rộng phạm vi tự do hóa thương mại về dịch vụ vì trong khu vực vẫn còn tồn tại nhiều rào cản.

Như quý vị đã biết, so với những khu vực khác trên thế giới thì những rào cản đối với đầu tư cổ phiếu, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành chế tạo, viễn thông, vận tải và tài chính giữa các nước khu vực Đông Á với nhau vẫn còn ở mức rất cao. Những rào cản như vậy đã gây khó khăn việc sử dụng những nguồn dự trữ ngoại hối và nguồn tiết kiệm lớn của khu vực, và làm trì hoãn công tác xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá gần 5 nghìn tỷ đôla – một công việc cần phải làm trong thập kỷ tới.

Lĩnh vực thứ ba đối với hội nhập khu vực là việc quản lý vấn đề di trú một cách tốt hơn.

Hiện nay có khoảng hơn 20 triệu người di cư khỏi khu vực và trong năm 2008, họ đã gửi về gần 80 tỷ đôla Mỹ. Phần lớn sự di cư này diễn ra trong khu vực. Sự cách biệt lớn về thu nhập lên tới hơn 5 lần giữa các nước trong khu vực, và những áp lực về nhân khẩu học liên quan đến tuổi già (trong vòng 30 năm tới, những người ở độ tuổi từ 65 trở lên sẽ chiếm 40 đến 60% ở một số nước Bắc Á) ở các nước giầu hơn sẽ gây ra tác động bất lợi đến tăng trưởng và sự ổn định về tài chính vì phải hạ thấp phần phân chia cho khu vực dân số trong độ tuổi lao động.

Những nghiên cứu mới cho thấy việc quản lý người di cư có thể trở thành một công cụ chính sách hiệu quả để nâng cao lợi nhuận và đầu tư cho các nước tiếp nhận, trong khi đó có thể giảm thiểu những hậu quả đối với lực lượng lao động trong nước.

Thách thức cuối cùng là làm thế nào để có thể cân bằng giữa nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng và tính hiệu quả với sự phát triển bền vững. Đây là một thách thức sẽ được hưởng lợi nhiều nếu có được sự hợp tác trong khu vực.

Đối với nhiều nước đang phát triển, những kế hoạch mang tính chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng và tính hiệu quả lại liên quan đến việc áp dụng những công nghệ mà trong đó có cả những công nghệ thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính.

Song đồng thời, chính những nước này lại cần có sự phát triển bền vững để tạo ra những cơ hội kinh tế cho cư dân hiện nay của họ, giúp đất nước họ đáp ứng được với những thay đổi và sự kiện liên quan đến kinh tế và môi trường, và đảm bảo một nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của các thế hệ sau.

Vẫn có những khả năng biến thách thức về biến đổi khí hậu thành cơ hội để có thể “tăng trưởng xanh”.

Một số nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đã sẵn sàng đi tiên phong trong việc đầu tư và phát triển những công nghệ và sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng và có khả năng tái tạo. Họ đã trở thành những người dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất và sử dụng công nghệ dùng năng lượng tái tạo như các tấm pin mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học và thủy điện.

Trong tương lai sẽ xuất hiện nhu cầu đẩy mạnh đầu tư vào các ngành nguyên liệu sạch, xây dựng và giao thông “xanh” và thiết kế đô thị chắc chắn và hiệu quả hơn. Việc khuyến khích đầu tư vào những công nghệ này và việc tuyên truyền sử dùng những sản phẩm nhằm “tăng trưởng xanh” đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả của toàn khu vực vì các nước trong khu vực sẽ cần phải nâng cao hiểu biết về trách nhiệm cần phải cộng tác một cách cởi mở với nhau và chia sẻ những thành tựu của đổi mới.

Như các quý vị đã biết, chương trình nghị sự của ASEAN nhằm kích thích hội nhập về thương mại hàng hóa và dịch vụ và nhằm thúc đẩy hợp tác về kinh tế và công nghệ giữa các nước thành viên sẽ là chìa khóa để giải quyết những thách thức về phát triển cho khu vực.

Chúng ta đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực thương mại và tạo cơ sở cho việc nhất thể hóa các thị trường tài chính.

ASEAN cần phải dựa vào nền tảng vững chắc này, và cùng với “ba cộng” với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và trở thành những đối thủ lớn mạnh hơn trong sân chơi kinh tế thế giới.

Rõ ràng là các nước trong khu vực đã sẵn sàng để đối phó với những thách thức này.

Thật là một vinh dự cho Ngân hàng khi được là đối tác của các bạn và được trợ giúp các bạn trong việc triển khai chương trình nghị sự này.

Api
Api

Welcome