Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ 22 Tháng 3 Năm 2018

Ngân hàng Thế giới Đưa ra Viễn cảnh Nông nghiệp sạch và an toàn hơn ở khu vực Đông Á

BẮC KINH, Trung Quốc, 23 tháng 3 năm 2018Một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới cho thấy hiện trạng, lý do và hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm trong nông nghiệp tại Trung Quốc, Việt Nam và Philippin, tuy nhiên cũng đưa ra một viễn cảnh đầy hy vọng với các giải pháp kỹ thuật sẵn có và ý chí chính trị mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết vấn đề này.

Thách thức của Ô nhiễm nông nghiệp: Bằng chứng từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippin tổng hợp các số liệu sẵn có về nhiều chất gây ô nhiễm và tác động của chúng, cũng như đưa ra viễn cảnh cho một nền nông nghiệp sạch và an toàn hơn. Mặc dù có nhiều chất gây ô nhiễm trong nông nghiệp nhưng cũng có nhiều giải pháp kỹ thuật giúp cải thiện quản lý chất thải vật nuôi và cây trồng, và tối ưu hóa việc sử dụng hóa chất, nhựa, thuốc thú y và thức ăn trong nông nghiệp. Nhiều trong số các giải pháp này cũng đem lại cơ hội nâng cao chất lượng và giá trị của nông nghiệp.

Bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch về Phát triển Bền vững của Ngân hàng Thế giới phát biểu: Tăng trưởng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an ninh lương thực và đưa hàng triệu người thoát nghèo đói ở khu vực Đông Á trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng đi kèm với cái giá cao, dẫn đến ô nhiễm đất, nước và không khí chưa từng có trong khu vực. Đầu tư vào việc ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm là quan trọng nhằm đảm bảo rằng lợi ích thu được từ phát triển trong nông nghiệp là bền vững. Các chính sách và biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả có thể nâng cao lợi nhuận của nông nghiệp và khuyến khích sự phát triển của một ngành công nghiệp thực phẩm cạnh tranh trong khi nâng cao được sức khỏe con người và môi trường,”

Hành động phòng chống ô nhiễm có thể tiếp sức cho các ưu tiên chính sách tầm quốc gia mới trong đó có tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng khẩu phần ăn hàng ngày, thu hút một thế hệ mới các nông dân và doanh nhân thực phẩm, và giảm phát thải khí nhà kính để chống lại biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh này, giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong nông nghiệp có thể được coi là cánh cổng dẫn đến thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững nói chung của các quốc gia.

Tăng trưởng và thâm canh nông nghiệp đã hỗ trợ một số các nền kinh tế trong khu vực Đông Á tăng trưởng và đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới, tuy nhiên ở một số nơi khác trong vùng, nông nghiệp đang trở thành nạn nhân của chính những thành công của nó do ảnh hưởng môi trường của nó trở nên sâu hơn. Tại các khu vực trồng trọt thâm canh, nông nghiệp đã trở thành nguyên nhân chính nếu không muốn nói là hàng đầu vào ô nhiễm đất, không khí và nước. Hàm lượng thuốc hoặc hóa chất quá mức trong thực phẩm cũng ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế. Hơn nữa, ô nhiễm trang trại thường lan truyền rộng và vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng ngay cả khi tình trạng này đang gia tăng.

Báo cáo đưa ra phương thức để khu vực công có thể cải thiện vấn đề này và hướng nguồn lực tới các ưu tiên xử lý ô nhiễm; bắt buộc và tạo động lực cho nông dân có qui mô sản xuất và năng lực khác nhau sản xuất theo các cách hiệu quả hơn; hỗ trợ đổi mới sáng tạo và học hỏi để kiểm soát được thách thức ô nhiễm; và cấu trúc lại khu vực nông nghiệp để tăng trưởng bền vững hơn. Dù kiểm soát ô nhiễm đòi hỏi phải có đầu tư ban đầu, có nhiều giải pháp tạo ra lại cơ hội thành công cho cả việc tăng hiệu quả và giảm tác động xấu.

Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới phát biểu: “Báo cáo này cho thấy việc định hướng lại chính sách công và chi tiêu cho kiểm soát ô nhiễm có thể mang lại lợi ích cho cả nông dân và người tiêu dùng. Ngân hàng Thế giới cam kết giúp các nước thực hiện cam kết này”.

Với sứ mạng là chấm dứt nghèo đói, một phần hoạt động của Ngân hàng Thế giới cũng là hỗ trợ cho các nỗ lực kiểm soát ô nhiễm nông nghiệp ở khu vực Đông Á và trên khắp thế giới. Tại Trung Quốc, các dự án trị giá hơn 1 tỉ đôla đang giúp giải quyết ô nhiễm nông nghiệp thông qua nhiều cách tiếp cận trong đó có giảm chất amoniac từ việc sử dụng phân bón ở tỉnh Hà Bắc, quản lý rủi ro và xử lý đất bị ô nhiễm ở tỉnh Hồ Nam, giảm sử dụng thừa hóa chất nông nghiệp ảnh hưởng đến Hồ Thiên Đảo, giảm ô nhiễm cây trồng và vật nuôi ở tỉnh Quảng Đông để bảo vệ hệ sinh thái ven biển và cửa sông. Tại Việt Nam, nguồn tài chính của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp nhân rộng các thực tiễn tốt và sáng tạo về nuôi trồng thủy sản giúp nâng cao năng suất tôm đồng thời giảm ô nhiễm nước cho khoảng 100.000 ha trong vòng 5 năm tới ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp nâng cao sinh kế và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu của nông dân. Ngoài ra, Việt Nam đang nhân rộng việc áp dụng bể phân hủy khí sinh học (biogas) trong hoạt động chăn nuôi và thúc đẩy việc sử dụng phân bón và hóa chất nông nghiệp hợp lý hơn trong nhóm nông dân trồng lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Philippin, dự án tưới tiêu do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã tập huấn cho nông dân phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ giúp tiết kiệm nước và năng lượng trong khi tăng được năng suất lúa. Ngoài ra, có một dự án giảm khí meetan do Quỹ Cacbon hỗ trợ nhằm mục đích giảm phát thải từ các trang trại nuôi lợn trên khắp đất nước Philippin.

 


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ: 2018/119/AG, EAP

Liên lạc

In Beijing
Li Li
+86-10-5861-7850
lli2@worldbank.org
In Hanoi
Nguyen Hong Ngan
+84-4934-6600
Nnguyen5@worldbank.org
In Manila
Leonora Aquino Gonzales
+66-2-686-8341
Lgonzales@worldbank.org
Api
Api