THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Nhu cầu nội địa mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng tại Đông Á và Thái Bình Dương

15 Tháng 4 Năm 2013




Một số nền kinh tế lớn cần thận trọng với khả năng tăng trưởng quá nóng

Singapore, 15/4/2013 – Các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tầu của kinh tế toàn cầu, được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa mạnh, tăng trưởng ở mức 7,5% năm 2012  - cao hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới, Ngân hàng Thế giới cho biết như vậy trong một phân tích mới nhất về tình hình kinh tế khu vực. Được công bố hôm nay, Báo cáo dự báo rằng, khi kinh tế toàn cầu hồi phục, tăng trưởng của khu vực có thể tăng nhẹ lên mức 7,8% trong năm 2013 và 7,6% trong năm 2014.

"Khu vực Đông Á Thái Bình Dương đóng góp khoảng 40% cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2012, và kinh tế toàn cầu tiếp tục phụ thuộc vào sự tăng trưởng của khu vực, niềm tin của các nhà đầu tư tăng cao và thị trường tài chính tiếp tục vững vàng," Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Axel van Trotsenburg khẳng định. "Bây giờ là thời điểm các nước tập trung vào giúp đỡ những nước vẫn còn nghèo, với các khoản đầu tư chất lượng nhiều hơn và tốt hơn để cải thiện tốc độ tăng trưởng toàn diện."

Chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư đã giúp duy trì tăng trưởng toàn khu vực trong năm 2012 , trong đó các nước có thu nhập trung bình tăng trưởng đặc biệt tốt. Các nền kinh tế đang phát triển, không kể Trung Quốc, tăng trưởng 6,2% trong năm 2012, tăng từ 4,5% của năm 2011.

Ở Trung Quốc, tăng trưởng giảm xuống mức 7,8% vào năm 2012 do những nỗ lực tái cân bằng, trong khi thu nhập thực tế của hộ gia đình thành thị tăng hơn 9%, hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình, đóng góp 4,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 8,3% vào năm 2013 và 8,0% vào năm 2014.

Rủi ro bắt nguồn từ khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ đã suy giảm kể từ giữa năm ngoái. Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng khiêm tốn ở múc 2,4% trong năm 2013 và tăng dần lên mức 3% vào năm 2014. Mặc dù vẫn còn mong manh, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy chuyển biến trong hoạt động thực tế tại các nền kinh tế thu nhập cao, do đó nhu cầu xuất khẩu đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ ổn định trong năm nay. Những con số mới nhất về sản xuất công nghiệp và kỳ vọng của nhà sản xuất khẳng định tăng trưởng tiếp tục vững chắc.

Biến động tiền tệ ở các quốc gia có thu nhập cao, chẳng hạn như đồng Yên, có khả năng ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và đầu tư của khu vực trong ngắn hạn. Một số quốc gia, đặc biệt là nhà cung cấp linh kiện cho nền công nghiệp Nhật Bản và các quốc gia có vốn đầu tư đáng kể từ Nhật Bản có thể được lợi, trong khi các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Nhật Bản tại một thị trường thứ ba có thể phải đối mặt với một số khó khăn trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, báo cáo khẳng định sự hồi phục tăng trưởng bền vững ở Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực.

Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, một vấn đề đang nổi lên là nguy cơ tăng trưởng nóng tại một số các nền kinh tế lớn. Các con số mới nhất cho thấy rằng, nếu nhu cầu toàn cầu tiếp tục phục hồi, một số nền kinh tế lớn có thể đạt đến giới hạn năng lực sản xuất hiện tại, vì khoảng cách về sản lượng đã được thu hẹp hoàn toàn ở những quốc gia này.

"Hầu hết các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á đã được chuẩn bị tốt để đối phó với các cú sốc bên ngoài, nhưng tiếp tục các biện pháp kích cầu hiện tại có thể phản tác dụng, vì có thể khiến áp lực lạm phát gia tăng,” Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở khu vực Đông Á và kinh tế Thái Bình Dương Bert Hofman phân tích. "Sự phục hồi mạnh mẽ của dòng vốn chảy vào khu vực từ việc kéo dài của các gói kích cầu (QE) ở Mỹ, EU và Nhật Bản, có thể khuếch đại rủi ro về tín dụng và giá tài sản."

Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, quản lý kinh tế nói chung đã có hiệu quả trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong đó đã cho phép khu vực duy trì khả năng phục hồi và tăng trưởng.

Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách hiện nay là tiếp tục phát triển dựa trên những thế mạnh này và giải quyết những thách thức ngắn hạn và dài hạn với các chính sách hợp lý:

• Các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục thận trọng để phản ứng với những cú sốc trong nền kinh tế thế giới, nhưng cần chuẩn bị để dừng các gói kích thích kinh tế khi nền kinh tế thế giới hồi phục. Đối với các nước có nhiều dấu hiệu của áp lực lạm phát, đó sẽ là thời điểm thích hợp để xây dựng lại bước đệm chính sách.

• Một số nước cần phải quản lý các dòng vốn chảy vào mạnh mẽ bằng cách duy trì một hỗn hợp chính sách vĩ mô phù hợp, đủ linh hoạt trong tỷ giá hối đoái và chính sách vĩ mô thận trọng.

• Hầu hết các nước có thể tăng năng lực sản xuất bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, và do đó mở đường cho việc duy trì tăng trưởng cao và công bằng.

Liên hệ truyền thông
Tại Singapore
Leonora Gonzales
tel : +65 6517 1255
lgonzales@worldbank.org
Tại Singapore
Paul Risley
tel : +66 80 781 5165
prisley@worldbank.org
Tại Washington
Carl Hanlon
tel : 202 473-8087
chanlon@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
2013/333/EAP

Api
Api

Welcome