THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam thống nhất giải pháp nhằm đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững

10 Tháng 12 Năm 2012




Hà Nội, ngày 10 tháng 12, 2012 – Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và các Đối tác Phát triển đã được tổ chức ngày hôm nay, tập trung vào việc đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam.  Các đại biểu đã thống nhất rằng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển giáo dục và kỹ năng, và đảm bảo chính sách đất đai hợp lý là những ưu tiên chính giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thành công. Các đối tác Phát triển cam kết tài trợ 6.485 triệu USD cho chương trình phát triển của Việt Nam năm 2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự phiên họp đầu của Hội nghị và cập nhật các đại biểu về kết quả của Việt Nam đạt được trong năm 2012 và các định hướng chính sách của Chính phủ trong năm 2013. Thủ tướng cảm ơn các Đối tác Phát triển đã đóng góp ý kiến xây dựng về nhu cầu cần thiết duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho phát triển bền vững, và qua đó tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.  Thủ tướng ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu hội nghị về hệ thống giáo dục và đào tạo bình đẳng và hiệu quả nhằm chuẩn bị các kỹ năng cho Việt Nam khi trở thành quốc gia thu nhập trung bình.

CẬP NHẬT KINH TẾ VIỆT NAM: TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ VÀ TÍNH CẠNH TRANH

Trong khi thảo luận về kinh tế, các đại biểu đều cho rằng các điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện trong năm 2012, nhưng bày tỏ quan ngại về nền kinh tế có xu hướng suy giảm và tiến độ thực hiện các chương trình nghị sự về tái cơ cấu ba nội dung chính gồm: tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính ngân hàng, và tái cơ cấu DNNN. Các đại biểu hội nghị cũng thúc giục Chính phủ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, có những hành động quyết đoán trong chương trình cải cách cơ cấu bao gồm giải quyết nợ xấu, nâng cao quản trị doanh nghiệp trong các DNNN, nâng cao tính minh bạch và công bố thông tin trong khu vực nhà nước và thông tin đầy đủ hơn các giải pháp về chính sách và kết quả quy trình tái cơ cấu.

Ông Sanjay Karla, Đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam cho rằng: “Trong một vài năm qua và trước khi có suy giảm gần đây, nền kinh tế đã tăng trưởng ở các lĩnh vực có thể đã không duy trì bền vững trong dài hạn và những tổn thương trên suốt chặng đường.  Những tổn thương này và những hạn chế về cơ cấu đã làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Vào năm 2013 và sau đó, cần giải quyết những thách thức khó khăn này.”

Ông Tomoyuki Kimura bổ sung thêm rằng để thực hiện được việc này “cần tăng cường điều phối liên bộ khi có nhiều kết nối ngành quan trọng thực hiện xuyên xuốt chương trình cải cách”.

GIÁO DỤC VÀ KỸ NĂNG: ĐẶT NỀN MÓNG CHO TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG

Năm nay, một trong những chủ đề thảo luận chính tại CG là làm sao đảm bảo được chất lượng giáo dục và kỹ năng cao, điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế công nghiệp hiệu quả là nguồn nhân lực có kỹ năng cao.  Ngân hàng Thế giới đã trình bày một số phát hiện ban đầu trong Báo cáo Phát triển Việt Nam có tiêu đề là ‘Kỹ năng’. Dựa vào khảo sát việc làm gần đây tập trung về Kỹ năng, các phân tích cho thấy trong khi đội ngũ công nhân của Việt Nam ngày càng được giáo dục tốt, những nhà tuyển dụng lại lo ngại về chất lượng giáo dục.

Trong nhiều trường hợp, kỹ năng của người lao động không phù hợp với  nhu cầu của người tuyển dụng khi thị trường lao động đòi hỏi ngày càng tăng về các kỹ năng hiện đại như các kỹ năng giao tiếp và quản lý cũng quan trọng giống như các kỹ năng kỹ thuật đơn thuần. Các đại biểu cũng cho rằng Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào: a) đảm bảo phát triển các kỹ năng kỹ thuật phù hợp với tiến bộ của khoa học công nghệ thông qua việc tăng cường quan hệ đối tác giữa đơn vị tuyển dụng lao động và các đơn vị giáo dục đào tạo, b) đảm bảo rằng chiến lược đào tạo kỹ năng của đất nước cũng tăng cường các kỹ năng quản lý, như các kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề, và kỹ năng ứng xử như kỹ năng xã hội và giao tiếp, và c) đảm bảo rằng các phương pháp giảng dạy và học tập được hiện đại hóa theo hướng ít học thuộc lòng hơn và tương tác nhiều hơn. 

“Các đối tác Phát triển rất ủng hộ tập trung của CG năm nay vào nội dung giáo dục và kỹ năng.” Fiona Lappin, Giám đốc Tổ chức Phát triển Quốc tế của Anh tại Việt Nam  phát biểu “Hội đồng Anh và DFID phối hợp với Việt Nam trong toàn bộ lĩnh vực giáo dục, và rõ ràng là nguồn nhân lực rất quan trọng giúp Việt Nam duy trì bền vững tăng trưởng, xóa đói nghèo và tránh bẫy thu nhập trung bình.  Đó không chỉ là các yêu cầu kỹ năng về suy nghĩ biện chứng và kỹ năng đáp ứng công việc.  Đây là cơ hội tốt để giải quyết nội dung này tại Hội nghị CG, cũng như giúp xây dựng đường hướng giúp Việt Nam tận dụng được đầy đủ đội ngũ lao động trẻ.  Các đối tác Phát triển sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách thông qua việc chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm.”

VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI: ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI CHO MỤC ĐÍCH TĂNG TRƯỞNG  BỀN VỮNG VÀ TOÀN DIỆN

Thảo luận về điều chỉnh bổ sung Luật Đất đai Việt Nam, các đại biểu cũng nhất trí rằng quy trình này cần tạo ra môi trường thuận lợi cho việc quản lý bền vững về mặt môi trường các nguồn lực đất đai khan hiếm. Các đối tác Phát triển thúc giục Chính phủ đảm bảo quyền sử dụng đất cho người dân, sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp, tăng cường quyền sử dụng đất của các nhóm bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo và cộng đồng dân tộc thiểu số. Các Đối tác Phát triển cũng khuyến nghị thành lập quy trình thu hồi và đền bù đất của Nhà nước bình đẳng và minh bạch hơn và hạn chế những vấn đề nảy sinh trong quá trình thu hồi đất bắt buộc. Nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý quy hoạch sử dụng đất trong khuôn khổ quản lý đất đai chung rất cần thiết cho sự phát triển hiệu quả và toàn diện của Việt Nam trong tương lai.

Pratibha Mehta, Điều phối viên của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng “Đây là cải cách chủ chốt cho tăng trưởng bình đẳng và toàn diện của Việt Nam trong tương lai. Cải cách đem lại cơ hội để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị đất đai của Việt Nam và để đảm bảo rằng cơ chế thị trường được áp dụng trong luật đất đai, đặc biệt là các vấn đề đền bù cho người sử dụng đất trong quá trình thu hồi đất đai.”

ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA CG

Các đại biểu CG nhất trí về việc chuyển đổi hình thức của CG thành Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) từ năm 2013 trở đi, với tầm nhìn chung nhằm hỗ trợ đối thoại chính sách về các lĩnh vực mà các bên quan tâm giúp tăng cường phát triển kinh tế xã hội theo ngành và nâng cao đời sống của người dân.  Hình thức CG hiện tại được thiết kế từ 20 năm trước chủ yếu nhằm phục vụ mục đích huy động ODA. Hiện nay, phần lớn các đối tác phát triển có những cuộc thảo luận về ODA riêng và chức năng huy động ODA là không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên hiện vẫn cần những diễn đàn để thảo luận những vấn đề phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ một cách thực chất và ý nghĩa. Vì vậy, hình thức diễn đàn mới là sự kiện tổ chức hàng năm giúp tăng cường đối thoại chính sách cấp cao cũng như là quá trình để hỗ trợ đối thoại nhằm mục đích xây dựng sự đồng thuận và thực hiện cam kết của các bên liên quan cho các chương trình hành động của Chính phủ cho các ưu tiên cải cách và phát triển.

Trong phần tóm tắt các nội dung trao đổi trong CG, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định rằng: “Thảo luận CG cho thấy quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Việt Nam và các đối tác phát triển.  Chúng ta đã thống nhất hai lĩnh vực quan trọng cần thực hiện: một là thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách về giáo dục và kỹ năng, và tìm kiếm kinh nghiệm liên quan về khung pháp lý nhằm hỗ trợ việc sử dụng đất truyền thống của người dân tộc thiểu số.” 

Bế mạc hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chân thành cảm ơn các Đối tác Phát triển đã tham gia và trao đổi thảo luận. Bộ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng vào việc đổi mới hình thức CG trong giai đoạn mới, qua đó quan hệ giữa Việt Nam và các Đối tác Phát triển sẽ được nâng lên một tầm cao mới nhằm hỗ trợ hơn nữa chương trình nghị sự phát triển của Việt Nam.

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : (+84) 439346600
nnguyen5@worldbank.org


THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
121210

Api
Api

Welcome