THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Việt Nam nhận hỗ trợ tài chính để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ôzôn

14 Tháng 11 Năm 2012




WASHINGTON, ngày 14 tháng 12, 2012 – Hôm qua Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt một khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 9,76 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam từ Quỹ đa phương cho Thực thi Nghị định thư Montreal nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm chất HydroChloroFluoroCarbons (HCFCs) với nguy cơ gây tình trạng trái đất nóng lên cao cho giai đoạn từ 1/1/2013 đến 1/1/2015. Sáng kiến này được xây dựng trên một chương trình sẵn có để loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozôn khác.

Được thiết kế để giúp Việt Nam giảm bớt tiêu thụ HCFC trong lĩnh vực sản xuất xốp PU (polyurethane), Dự án Loại bỏ HCFC giai đoạn 1 của Việt Nam sẽ áp dụng các công nghệ mới nhất để loại bỏ khoảng 1.275 tấn HCFC-141B tại 12 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất xốp, và hỗ trợ các chính sách, quy định và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để hạn chế tiêu thụ HCFCs.

HCFCs là chất làm suy giảm tầng ôzôn (ODS) tạo ra nguy cơ trái đất nóng lên cao và là một chất trong danh sách phải kiểm soát tiêu thụ và sản xuất của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Nghị định thư Montreal yêu cầu các nước đang phát triển phải giảm dần từ năm 2013 và chấm dứt hoàn toàn tiêu thụ và sản xuất HCFC vào năm 2030.

Việt Nam tiêu thụ một số loại HCFCs cho các ứng dụng công nghiệp khác nhau, bao gồm HCFC-22 cho sản xuất tủ lạnh và điều hòa không khí và bảo trì bảo dưỡng thiết bị hiện có; HCFC-141B cho sản xuất xốp; và HCFC-123 để bảo trì bảo dưỡng các thiết bị làm mát.

Loại bỏ chất HCFCs là một cơ hội tuyệ vời để phối hợp giữa bảo vệ tầng ôzôn và bảo vệ khí hậu theo Quyết định XIX/6 theo Các bên ký kết Nghị định thư Montreal, theo đó yêu cầu việc loại bỏ HCFCs phải cân nhắc tới tác động tới khí hậu. Loại bỏ HCFC ở Việt Nam cũng nhằm tối đa hóa lợi ích có liên quan đến khí hậu, thông qua việc áp dụng những sản phẩm hoặc công nghệ thay thế không có nguy cơ làm trái đất nóng lên hoặc có rất thấp. Hoạt động này phù hợp với chính sách quốc gia của Việt Nam về công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đáp ứng mục tiêu chung là tiếp tục tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Ngân hàng Thế giới là một trong những cơ quan thực hiện Quỹ đa phương cho Thực thi Nghị định thư Montreal, và đã tham gia các hoạt động nhằm loại bỏ ODS tại Việt Nam từ đầu những năm 2000.

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : (+84) 439346600
nnguyen5@worldbank.org

THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ:
20121114

Api
Api

Welcome