Khoản tài chính bổ sung 97 triệu đô la Mỹ cho một dự án giao thông nông thôn cũng nhằm mục đích tạo các cơ hội kinh tế phi nông nghiệp và dịch vụ xã hội cho các cộng đồng nông thôn nghèo.
Hà Nội, ngày 9 tháng 3 năm 2012 – Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định tài chính bổ sung cho Dự án Giao thông Nông thôn III nhằm: i) tăng số lượng các cộng đồng dân cư được kết nối với các tuyến đường mới và đã được nâng cấp có thể sử dụng được bốn mùa quanh năm ; ii) cải thiện điều kiện đường nông thôn thông qua việc tăng cường quản lý và bảo dưỡng hệ thống, và (iii) nâng cao hiệu quả thể chế để lập kế hoạch, thực hiện và duy trì các kết quả đã đạt được trong lĩnh vực giao thông nông thôn.
Đến nay, Dự án Giao thông Nông thôn III đã cải tạo được khoảng 2,100km đường giao thông, và hoàn thành việc bảo trì khoảng 13.000 km cầu và đường giao thông cấp huyện. Dự kiến, khoảng 5 triệu người ở 32 tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam, trong đó có 14 tỉnh thuộc khu vực miền núi sẽ được hưởng lợi từ hệ thống giao thông được cải thiện.
Khoản tài chính bổ sung trị giá 97 triệu đô la Mỹ được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế. Đây cũng là nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới cho các nước có thu nhập thấp.
Các khoản đầu tư mạnh mẽ trong phát triển đường bộ đã giúp mạng lưới đường bộ của Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng, từ 225.000 km trong năm 1999 lên 256.000 km vào năm 2009. Mạng lưới này hiện bao gồm 196.404 km đường giao thông nông thôn và phục vụ khoảng 75% toàn bộ dân số cả nước và 90% người nghèo sống ở khu vực nông thôn trên cả nước. Mạng lưới đường giao thông nông thôn của Việt Nam, tuy nhỏ hẹp và còn nhiều hạn chế, vẫn được phân bố hợp lý theo nhu cầu và địa hình.
Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành công trong việc mở rộng mạng lưới đường giao thông nông thôn, chất lượng đường giao thông nông thôn ở Việt Nam nhìn chung còn thấp. Chỉ có khoảng 30% số đường được trải nhựa chiếm chủ yếu là đường huyện và đường xã vẫn còn là đường cấp phối hoặc chưa trải nhựa. Hơn nữa, ngân sách được phân bổ cho bảo trì chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu. Kết quả là mạng lưới đường nông thôn bị xuống cấp nhanh chóng do không được bảo trì và cải tạo kịp thời. Ngân sách bảo trì đường giao thông nông thôn ở Việt Nam còn thấp và bảo trì vẫn không được quan tâm đúng mức do thiếu kinh phí. Ngoài ra, do sự tăng trưởng đáng kể các phương tiện cá nhân và các phương tiện vận tải hạng nặng, cần phải gia tăng cường độ mặt đường trong khi đó ngân sách thường chỉ tập trung vào xây dựng mới hơn là bảo trì.