THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Hội nghị các nhà tài trợ nhất trí Tái cơ cấu kinh tế và Bảo đảm ổn định xã hội là những ưu tiên chính trong trung hạn

6 Tháng 12 Năm 2011




Hội nghị Nhóm Tư vấn Các nhà Tài trợ cho Việt Nam 2011
“Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”
Hà Nội ngày 6 tháng 12 năm 2011

Hà Nội, ngày 6 tháng 12, 2011 – Hôm nay, các đai biểu tham dự Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã nhất trí tiếp tục hành động để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam và giải quyết những vấn đề nghèo đói mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên khai mạc và thông báo với các đại biểu về các định hướng chính sách của chính phủ trong năm 2012. Theo Thủ tướng, tiếp tục ổn định kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo là những ưư tiên chính của Chính phủ trong năm 2012 và giai đoạn tiếp theo. Chính phủ sẽ phải tập trung tái cơ cấu trong ba lĩnh vực chính – đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục coi an sinh xã hội và các giải pháp cho các vấn đề xã hội khác vừa là mục tiêu vừa là công cụ cho phát triển bền vững, và đặt mục tiêu giảm tỉ lệ nghèo thêm 2 phần trăm vào năm tới.

Các đối tác phát triển đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế, và khởi động các cải cách để tái cơ cấu nền kinh tế và giảm nghèo. Để hỗ trợ những nỗ lực cải cách của Chính phủ, các đối tác phát triển cam kết 7, 39 tỷ  đô la Mỹ nguồn vốn vay phát triển chính thức ODA cho Việt Nam trong năm  2012.

TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ CỦA VIỆT NAM VÀ KẾ HOẠCH TÁI CƠ CẤU:

Các đại biểu thảo luận về những vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam gần đây và chúc mừng Chính phủ đã quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11, thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm thâm hụt tài khóa, và đảm bảo ổn định hệ thống tài chính.

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế tư vấn cho Chính phủ cần hành động nhanh và quyết liệt nhằm đảm bảo sự lành mạnh của ngành tài chính đồng thời tái lập ổn định kinh tế vĩ mô, vì nếu thất bại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thành quả vừa đạt được. Ông tư vấn: (i) các chính sách tiền tệ và tỷ giá cần tập trung vào việc xây dựng lòng tin vào tiền đồng Việt Nam, kỳ vọng lạm phát thấp hơn, và tái thiết dự trữ ngoại hối; (ii) chính sách tài khóa cần hỗ trợ chính sách tiền tệ nhiều hơn trong việc giảm lạm phát; (iii) những rủi ro của khu vực tài chính cần được giải quyết ngay.

Về chương trình tái cơ cấu, các đối tác phát triển ủng hộ quyết định củng cố đầu tư công và tập trung cải thiện hiệu quả.

Thay mặt các đối tác phát triển, Ông Deepak Mishra, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề cập tới vấn đề khuôn khổ đầu tư công hiện nay ngày càng trở nên khó đáp ứng về mặt tài chính, và góp phần gia tăng mức độ nợ công. Vì vậy, việc tái cơ cấu đầu tư công một cách hiệu quả là vô cùng cấp bách. Một số biện pháp nhằm cải thiện hiệu quả đầu tư công bao gồm cải cách quyền sử dụng đất, thay đổi ưu đãi tài chính cho chính quyền địa phương, và củng cố khung pháp lý cho đầu tư công.

TÁI CƠ CẤU NGÀNH TÀI CHÍNH

Các đại biểu cho rằng ngành ngân hàng Việt Nam đang gặp nhiều thách thức sau những bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài. Các đối tác phát triển hoan nghênh cam kết tái cơ cấu ngành tài chính của Chính phủ Việt Nam, và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong các nỗ lực cải cách quan trọng này.

Các đại biểu đã lắng nghe kinh nghiệm của Ma-lai-xia trong việc tái cơ cấu ngành tài chính của bà Latifah Merican Cheong, Cố vấn cho Văn phòng Chủ tịch, Ủy ban chứng khoán Ma-lai-xia và thảo luận những bài học phù hợp với tình hình Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm bao gồm: (i) cam kết và tham gia của các cấp lãnh đạo cao nhất; (ii) kế hoạch thực hiện toàn diện và có lộ trình hợp lý phù hợp với mục tiêu chuyển đổi kinh tế của đất nước; (iii) cơ cấu thể chế rõ ràng và vững mạnh để thực hiện kế hoạch; (iv) minh bạch trong việc tiến hành cải cách; (v) chiến lược truyền thông với những thông điệp nhất quán; và (vi) hợp tác giữa các bên liên quan.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB khẳng định các cải cách cần phải tác động tới mọi mặt của ngành tài chính, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, các thị trường vốn, và khu vực ngân hàng. Đại diện cho các đối tác phát triển, ông khuyến nghị Chính phủ cần bắt đầu Chương trình Đánh giá ngành tài chính (FSAP) của Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới để đánh giá toàn diện tình hình ngành tài chính. Kết quả Chương trình đánh giá sẽ giúp xác định rõ và ước tính mức độ chính xác của những rủi ro, và sẽ đưa ra một loạt các khuyến nghị theo thứ tự ưu tiên mà tất cả các bên liên quan có thể dựa vào đó để điều phối và lồng ghép các hoạt động hỗ trợ trong chương trình tái cơ cấu ngành tài chính.

Một số đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngành tài chính. Đại sứ Hàn Quốc, Ông Ha Chan Ho đã chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về cải cách doanh nghiệp nhà nước, với các bài học chủ chốt cho Việt Nam, bao gồm 1) các quy định về người lao động chặt chẽ, 2) vai trò lãnh đạo mạnh trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và 3) một hệ thống giám sát và đánh giá tốt hơn. Những quy định, là một phần của cải cách, ví dụ như hướng dẫn quản lý cũng có thể tăng tính hiệu quả của thể chế. Về lĩnh vực tài chính, ông Đại sứ cho rằng nếu để môi trường bên ngoài bắt phải cải cách thì sẽ tổn thất nhiều hơn. Ông Allaster Cox, Đại sứ Úc nhấn mạnh rằng cần điều tra hiện trạng tất cả các ngân hàng và công khai những thông tin này phải là bước đầu tiên trong quá trình cải cách ngành tài chính.

CÁC VẤN ĐỀ NGHÈO ĐÓI MỚI

Các đối tác phát triển chúc mừng Chính phủ về những kết quả ấn tượng của xóa đói giảm nghèo trong suốt 15 năm qua, đã giúp cho khoảng 28 triệu người dân thoát nghèo. Nhưng  các đại biểu cũng quan ngại tốc độ xóa đói giảm nghèo đang chậm lại, và một số bộ phận người dân bị rơi vào tình trạng nghèo dai dẳng, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số. Các đối tác phát triển kêu gọi cần có một hướng tiếp cận mang tính khác biệt và nhiều chiều để giải quyết các vấn đề nghèo đói hiện đang tồn tại.

Đìều phối viên Chương trình Liên hợp quốc, bà Pratibha Mehta cho rằng hệ thống bảo trợ xã hội cần được đánh giá và điều chỉnh lại để xử lý các loại hình nghèo đói mới nổi lên, và tăng cường vai trò hệ thống trong việc giúp người dân không bị tái nghèo. Việc này phải đi đôi với chương trình tái cơ cấu kinh tế. Bà cũng lưu ý trong khi tình trạng nghèo ở nông thôn vẫn còn rõ rệt, quá trình đô thị hóa và việc di cư ra thành thị đang tạo ra hình thức nghèo mới, không rõ ràng và có thể không được thống kê chính thức về nghèo đói.  Người nghèo phải đối mặt với những vấn đề như tiếp cận tới nhà ở, vệ sinh, dịch vụ xã hội và loại trừ xã hội. Họ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc về kinh tế và lạm phát hơn.

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là việc đo lường tình trạng nghèo cần tính đến những khía cạnh không liên quan đến tiền tệ của nghèo đói, bao gồm cả việc thể chế hóa việc sử dụng những chỉ số nghèo nhiều chiều. 

Các đại biểu cũng kêu gọi Chính phủ cần có sự đáp ứng một cách hệ thống để giải quyết những tổn thương ngày càng gia tăng bao gồm xây dựng một hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại và điều phối chặt chẽ giữa các bộ ngành trong các chính sách và chương trình giảm nghèo.

BÁO CÁO TỪ DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀ DIỄN ĐÀN CẤP CAO VỀ HIỆU QUẢ VIỆN TRỢ

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một phần trong chương trình Hội nghị CG tổ chức vào ngày 2 tháng 12, 2011 đã báo cáo cho các đại biểu. Khảo sát của Diễn đàn năm nay đã cho thấy đạo đức kinh doanh ở mức thấp nhất trong ba năm vừa qua. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đã kêu gọi Chính phủ đưa ra các hành động cụ thể về ba lĩnh vực cải cách đã nêu trên.

Tại diễn đàn cấp cao về Hiệu quả Viện trợ tổ chức tại Busan, Hàn Quốc diễn ra từ 29 tháng 11 đến 1 tháng 12, 2011, các đại biểu đã được thông báo về chương trình đối tác toàn cầu mới được xây dựng. Các đại biểu tham dự diễn đàn đã thống nhất các nguyên tắc, mục tiêu và cam kết chung cho quan hệ đối tác toàn cầu như đã đề cập trong tài liệu kết quả diễn đàn tại Busan. Thông điệp từ tài liệu kết quả diễn đàn tại Busan bao gồm: 1) các nguyên tắc được chia sẻ và quan hệ đối tác có các bên tham gia, 2) các cam kết và hành động, 3) khuôn khổ chia sẻ trách nhiệm chung cấp quốc gia, 4) từ hiệu quả viện trợ cho đến hiệu quả phát triển, 5) hợp tác Nam – Nam và hợp tác ba bên, và 6) khu vực tư nhân và phát triển.

Trong lời phát biểu tổng kết hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam chọn việc tái cơ cấu đầu tư công, các doanh nghiệp nhà nước, và ngành tài chính là những ưu tiên cải cách chính trong vòng 5 năm tới là một bước đi quan trọng đầu tiên. Bước cần làm tiếp theo là phải có cam kết chính trị mạnh mẽ, ý thức được sự cấp bách để cụ thể hóa các chi tiết của quá trình tái cơ cấu và thực hiện quá trình một cách đáng tin cậy. Bà cũng nhấn mạnh các đối tác phát triển luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam để quá trình tái cơ cấu thành công và giải quyết những vấn đề nghèo đói còn tồn tại cũng như mới nổi của Việt Nam.

Trong bài phát biểu bế mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Bùi Quang Vinh cám ơn các nhà tài trợ vì đã tiếp tục cam kết hỗ trợ cho Việt Nam khi Việt Nam bắt đầu chương trình tái cơ cấu. Ông đảm bảo với các nhà tài trợ rằng nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng hiệu quả để hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam và nhấn mạnh Chính phủ đánh giá cao những khuyến nghị về mặt chính sách của các đối tác phát triển. Ông cũng chỉ rõ mong muốn của Chính phủ được tiếp tục những cuộc đối thoại thường xuyên với các đối tác phát triển về những thách thức phát triển của Việt Nam.

Liên hệ truyền thông
Tại Hà Nội
Nguyễn Hồng Ngân
tel : 39346600 ext.234
nnguyen5@worldbank.org


Api
Api

Welcome