THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Bài phát biểu Của Ngân hàng Thế giới về Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam

5 Tháng 6 Năm 2010




(Bản dịch không chính thức)

Vào ngày 5/06/2010, báo điện tử VN Express đã đăng một bài báo về quan điểm của Ngân hàng Thế giới về dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam. Bài báo lấy thông tin từ buổi họp báo của Hội nghị giữa kỳ Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam trong đó các phóng viên có hỏi 2 câu hỏi liên quan. Bởi vì bài báo chỉ tập trung vào một phần các câu trả lời, bài báo của VN Express có thể đã chuyển tải ấn tượng sai về những gì đã được thực sự nói tại buổi họp báo.

Ngân hàng Thế giới muốn xác nhận rằng cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Thế giới không liên quan đến dự án đường sắt cao tốc cũng như không phản đối dự án này.

Tuy nhiên, nội dung của bài báo trên báo VN Express được nhiều báo Việt Nam và nước ngoài đưa tin lại. Ngân hàng Thế giới công bố đoạn trao đổi chính liên quan đến dự án này nhằm mục đích xóa bỏ hiểu lầm có thể xảy ra trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự án.

Phóng viên từ báo Tiền Phong hỏi:

Tôi xin có một câu hỏi liên quan đến các siêu dự án, liệu các siêu dự án này sẽ làm tăng nợ công của Việt nam hay không và WB có khuyến cáo gì cho chính phủ Việt nam trong việc thực hiện những siêu dự án này. Một ý nữa liên quan đến dự án đường sắt cao tốc quốc gia bắc nam hiện đang được thảo luận tại quốc hội hiện nay. Những dự án như thế này đòi hỏi số vốn lớn và thời gian hồi vốn lâu, vậy ông có đánh giá như thế nào về việc Việt nam dự định thực hiện dự án với số vốn lớn như vậy và nguồn vay chưa được rõ ràng.

Martin Rama:

Liên quan đến siêu dự án, đây là một câu hỏi khó.

Tôi xin bắt đầu với viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đường sắt cao tốc. Chúng tôi không phản đối các dự án đường sắt cao tốc. Nếu bạn nhìn vào lịch sử của Ngân hàng Thế giới, một trong những nước vay tiền đầu tiên là Nhật Bản, giờ đây nước này là một nước công nghiệp. Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ vốn cho Nhật Bản xây dựng đường sắt cao tốc. Đó là một phần trong khoản vay của Ngân hàng Thế giới. Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đang cân nhắc các phương án đối với dự án đường sắt cao tốc ở Brazil. Nói vậy không có nghĩa rằng dự án đường cao tốc ở Việt Nam là một ý tưởng hay. Chúng tôi không có gì phản đối dự án này về mặt nguyên tắc. Giống như bất kỳ một dự án nào khác, cần phải cân nhắc giữa chi phí và lợi ích.

Trong trường hợp của Việt Nam, dự án Đường sắt cao tốc là một phần của chiến lược hướng về tương lai, như bạn nói, đó là siêu dự án. Và tôi nghĩ rằng khi chúng ta nói đến “tái cấu trúc nền kinh tế” thì đây là một trong những câu hỏi chính mà Việt Nam phải trả lời. Việt Nam đang cân nhắc các ý tưởng lớn, điều đó vừa có lợi ích vừa có rủi ro. Việt Nam hiện đang tập trung vào các tập đoàn kinh tế, những thực thể lớn có thể trở thành những thành phần rất quan trọng. Tuy nhiên, khi bạn có cái gì quá lớn thì kèm theo đó cũng là những rủi ro.

Nếu bạn nhìn vào cuộc khủng hoảng toàn cầu, nó bắt đầu bởi vì có những tổ chức tài chính “quá lớn để có thể thất bại”, và họ đã tận dụng ưu thế đó. Vì vậy, các tổ chức kinh tế lớn sẽ mang đến rủi ro khi họ đóng vai trò lớn. Các thực thể lớn thường có nhiều quyền lực. Vì vậy, nó sẽ dẫn đến tình trạng mà trong quản trị nhà nước được gọi là “thâu tóm nhà nước” khi các thực thể có nhiều quyền lực đến độ họ có thể tác động đến những chính sách của chính phủ. Rồi sau đó, chính phủ có thể sẽ đứng về các nhóm lợi ích thay vì lợi ích của nhân dân. Các nước như Hàn Quốc đã lựa chọn cách đứng về các nhóm lợi ích, chaebols là ví dụ. Do vậy, cuộc khủng hoảng Đông Á là một phần của cuộc khủng hoảng về giải quyết các vấn đề này.

Và điều này cũng đúng với các dự án đầu tư lớn. Chắc chắn Việt Nam cần rất nhiều cơ sở hạ tầng và các dự án lớn. Tuy nhiên không thể làm tất cả mọi thứ và Việt Nam buộc phải lựa chọn.

Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực giao thông và rất khó đối với các nhà kinh tế để đánh giá những dự án lớn kiểu này. Khi đường sắt cao tốc được xây dựng ở Châu Âu, việc này được thực hiện ở những nước phát triển. Điều này chỉ tạo ra thay đổi chút ít thôi. Khi thực hiện siêu dự án ở Việt Nam, bạn sẽ chẳng biết được rõ chuyện gì sẽ xảy ra.

Hãy nhớ tới dự án lọc dầu Dung Quất. Dung Quất được coi là cực phát triển nhưng Dung Quất không phải là “địa điểm tốt” để đặt nhà máy lọc dầu. Nhà máy lọc dầu nên được đặt ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu vẫn được đặt ở Dung Quất với quyết tâm để tạo đà phát triển cho khu vực. Và với những điều như vậy, bạn cũng không thể biết được nó có thành hiện thực hay không. Thật khó để có thể nói trước được.

Lịch sử phát triển kinh tế có đầy những dự án “voi trắng” với nỗ lực tạo ra các thủ đô ở khu vực xa xôi của một nước cũng với hy vọng các dự án đó sẽ tạo đà phát triển ở nơi đó. Một số trong các dự án này chẳng đi đến đâu cả. Yamousoukro ở Bờ Biển Ngà là một ví dụ. Bạn chưa bao giờ nghe đến Yamousoukro như là một cực phát triển. Ý tưởng ban đầu là tạo ra một Yamousoukro phát triển.

Một số các dự án lại có thể hoạt động tốt. Và thật khó để liên hệ đến trường hợp Việt Nam về các siêu dự án, chuyện gì sẽ xảy ra với các dự án này. Và Việt Nam vẫn chưa đạt được giao thông lý tưởng nếu chưa có nhiều tàu hơn và đường cao tốc hơn. Vì vậy, khó mà có thể nói chắc chắn rằng đây là khoản đầu tư tốt trong 20 năm nữa.

Tôi cho rằng Việt Nam vẫn có thể tiếp tục phát triển ngành đường sắt. Bởi vì Việt Nam là một đất nước luôn xảy ra tình trạng tắc đường, một nước đông dân cư .. nhưng điều này không có nghĩa là phát triển dự án đường sắt cao tốc và xe lửa chở khách. Hiện tại, có vấn đề là Việt Nam chưa có được hơn 25 chuyến tàu mỗi ngày giữa Hà Nội – Hồ Chí Minh. Dùng đường sắt vận chuyển hàng hóa có thể là một phương án hay.

Vì vậy, có rất nhiều thứ cần làm với ngành đường sắt. Nhưng nhất thiết là đường sắt cao tốc không? Tôi không phải là một chuyên gia… nhưng tôi rất mừng khi thấy Quốc hội đang thảo luận sôi nổi về vấn đề này. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu tốt để xem các vấn đề được quyết định như thế nào.

Bây giờ, điều này không có nghĩa là nếu Việt Nam quyết định làm đường sắt cao tốc hôm nay thì sẽ vay 56 tỷ đô la ngay ngày mai. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Việc mà kế hoạch phát triển KTXH 5 năm và Đại hội Đảng phải ra quyết định cũng như Bộ Tài chính cần phải thực hiện là có một chiến lược vay nợ. Nợ sẽ chiếm bao nhiêu % GDP? Đến mức nào thì Việt Nam không nên vay nợ nữa? Kết hợp nợ dài hạn và ngắn hạn như thế nào? Kết hợp các loại tiền tệ ra sao? Tất cả những yếu tố này sẽ là những thông số cho chiến lược nợ.

Tôi đã được hỏi về nguồn vốn vay, tuy nhiên còn có một vấn đề nữa là chất lượng đầu tư. Đây là một câu hỏi khó và không dễ gì có được câu trả lời ngay.

Phóng viên:

[Không rõ câu hỏi]

Martin Rama:

Tôi xin phép được bắt đầu bằng câu hỏi cuối bởi vì nó dễ hơn. Tại thời điểm hiện tại, Ngân hàng Thế giới không liên quan đến dự án đường sắt cao tốc dưới bất kỳ hình thức nào. Dĩ nhiên là chúng tôi quan tâm. Chúng tôi quan tâm vì đây là mối quan tâm chung đến sự phát triển của Việt Nam. Nhưng nói chung, chúng tôi không có nhiều các dự án đường sắt. Chúng tôi quan tâm và có dự án liên quan đến các lĩnh vực giao thông khác như: dự án giao thông đa phương tiện và dự án đường.


Api
Api

Welcome