Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ 8 Tháng 11 Năm 2018

Một nụ cười có phải là 10 thang thuốc bổ? Cách thức mới để người dân đến với y tế xã

Image

Đó là một buổi sáng bình thường cuối tháng Chín, nhưng ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái có gì đó bất thường: khoảng 100 người dân tụ tập trước sân khấu mới dựng lên ngay tại sân trạm y tế (TYT) xã để xem kịch. Các tình tiết diễn đạt đến nỗi nhiều khán giả bật cười, rồi có lúc lại rơi nước mắt.

Nhưng làm thế nào sự kiện này có thể cải thiện sức khỏe cho người dân? Đây là cách tiếp cận mới mà bác sỹ Vương Thị Hải Anh, Trạm trưởng TYT xã Việt Hồng, áp dụng sau khi tham gia khóa đào tạo hè vừa qua nhằm giúp người dân địa phương tin tưởng hơn vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Sau vở kịch, một phiên hỏi đáp khiến người dân hào hứng tham gia, nhằm chỉnh lại những quan niệm sai lầm về chăm sóc sức khỏe và cập nhật những đổi mới trong công tác khám chữa bệnh ở TYT xã của tỉnh miền núi này.

Bác sĩ và nhân viên trong TYT mong muốn khán giả sau khi tham gia sự kiện này cũng sẽ giúp truyền bá kiến ​​thức trong cộng đồng và nâng cao niềm tin vào tập thể cán bộ TYT. Khóa đào tạo mà bác sĩ Hải Anh tham dự thuộc Dự án Giáo dục Đào tạo Nhân lực Y tế Phục vụ Cải cách Hệ thống Y tế (HPET), do Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào cuối năm 2013 và Bộ Y tế triển khai thực hiện từ năm 2014 đến 2020.

Dự án HPET, với nguồn vốn chủ yếu từ Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo cho cán bộ y tế và tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu tại 15 tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án cũng nhằm giảm tải phần nào áp lực tại các bệnh viện tuyến trên.


Image

"Xem kịch buồn cười đấy, nhưng cũng có lúc chúng tôi phải rớt nước mắt. Buổi hôm nay giúp chúng tôi giao lưu với cán bộ trạm y tế, và người dân có thể sẽ muốn khám bệnh ngay tại trạm y tế thay vì phải hơn 30 cây số đến bệnh viện huyện," chị Hoàng Thị Thanh Huyền, một người dân ở bản Vần của xã Việt Hồng, nói.

Đi một quãng đường dài như vậy để được thăm khám, người dân ở xã Việt Hồng phải mất ít nhất 68.000 đồng tiền xăng xe máy, chưa kể ăn uống hay các chi phí khác nếu phải nhập viện. Chi phí như vậy là cao so với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng hơn 2,2 triệu đồng mỗi tháng ở tỉnh Yên Bái.

Image
 

Bệnh viện ở các đô thị lớn thường quá tải do người dân địa phương thiếu niềm tin vào cơ sở hạ tầng của TYT xã, vào lượng thuốc men có hạn và nhất là vào trình độ của cán bộ y tế.

Thông qua dự án HPET, cán bộ TYT xã của 15 tỉnh nghèo nhất Việt Nam từ biên giới phía Bắc đến Tây Nguyên được theo học các khóa đào tạo dài hạn và ngắn hạn, cộng với đào tạo tại chỗ theo nhu cầu y tế cơ sở. Bộ Y tế cũng cung cấp trang thiết bị y tế cho các cơ sở đào tạo lâm sàng và TYT xã theo chuẩn quốc gia. Cho đến nay, dự án đã giúp phát triển 6 bộ bài giảng tiêu chuẩn cho cán bộ y tế, đào tạo gần 9.000 học viên tại hơn 1.000 đội chăm sóc sức khỏe ban đầu.

"Khi được thăm khám tại địa phương, chúng tôi cũng giảm được tiền xăng xe vì không phải đi xa," chị Huyền nói, hướng ánh mắt về phía ngôi nhà hai tầng của trạm y tế xã Việt Hồng. "Việc thăm khám ngay tại đây cũng góp phần giúp chúng tôi giảm nghèo đói."


Api
Api