PHÓNG SỰ

“Hòa nhập xã hội” bao nhiêu là đủ?

13 Tháng 2 Năm 2015


Image

Các nét chính của bài viết
  • Các chuyên gia cho rằng hòa nhập xã hội là “tăng trưởng cho mọi người” hoặc “trái ngược với loại trừ xã hội."
  • Tăng cường tiếp cận cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội được coi là yếu tố mấu chốt để tăng trưởng.
  • Cần phải chống tham nhũng để đảm bảo hòa nhập xã hội.

Trong 90 phút trò chuyện trực tuyến với độc giả trang Việt Nam 2035 ngày 3/2/2015 ông Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội Học và ông Gabriel Demombynes, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới đã đề cập nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề “tăng trưởng hòa nhập”.

Buổi trò chuyện do ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cộng đồng điều khiển đã nhận được khoảng 30 câu hỏi và ý kiến từ độc giả từ Việt Nam và quốc tế.

Nhóm câu hỏi thứ nhất liên quan đến định nghĩa khái niệm “tăng trưởng hòa nhập”, một vấn đề rất cơ bản và quan trọng. Trong phần trả lời hai chuyên gia cho rằng hòa nhập xã hội là “tăng trưởng cho mọi người” hoặc “trái ngược với loại trừ xã hội” – tức là khi mọi thành viên trong xã hội có thể tham gia đầy đủ vào cuộc sống xã hội và được hưởng mọi lợi ích và cơ hội trong xã hội. Cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh một điểm quan trọng rằng tăng trưởng hòa nhập là một khái niệm rất rộng. “Khái niệm này bắt đầu với vấn đề kinh tế vì nó thể hiện cơ hội bình đẳng trong phát triển, nguồn lực, việc làm và thu nhập, nhưng khía cạnh xã hội cũng rất quan trọng”, ông Đặng Nguyên Anh nói. Ông cho rằng hòa nhập kinh tế chưa chắc đã đảm bảo hòa nhập xã hội. Người lao động trong các khu công nghiệp có thể có thu nhập tốt nhưng vẫn bị loại trừ về mặt xã hội xét về cuộc sống văn hóa và tinh thần.

Các tiêu chí hòa nhập xã hội của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tính đến mức độ tham gia và quyền tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội thiết yếu như thông tin, giáo dục, y tế, việc làm và dịch vụ pháp lý. Các tiêu chí này phản ánh sự cần thiết phải đảm bảo tiếng nói và sự đóng góp bình đẳng của mọi người dân cũng như sự phân chia đồng đều ích lợi mà tăng trưởng mang lại.

Trong quá trình phát triển, Việt Nam cần đảm bảo rằng những người thiệt thòi nhất cũng được chú ý, và có cơ hội tiếp cận tất cả các dịch vụ thiết yếu. Đồng thời cũng cần phải bảo vệ các thành viên khác trong xã hội trước những rủi ro mới nảy sinh trong một nền kinh tế hiện đại và có mức thu nhập trung bình. “Trong đó phải kể đến một hệ thống trợ giúp người cao tuổi, một mạng lưới an toàn xã hội, bảo hiểm y tế, và các thể chế thị trường lao động tốt,” ông Demombynes nói. “Cần thay đổi chính sách để giải quyết các vấn đề lớn của hòa nhập xã hội.”

Tăng trưởng kinh tế và hòa nhập xã hội

Một số câu hỏi tập trung vào mối quan ngại phải đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và hòa nhập xã hội. Việt Nam cần phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế mạnh và hòa nhập xã hội hơn nữa – nhưng liệu có thể đạt cả hai mục tiêu cùng lúc hay không và cần phải làm gì để thực hiện điều đó?

Ông Demombynes nêu lại ý kiến thống nhất của các nhà kinh tế rằng có thể tìm ra những chính sách giúp đạt cả hai mục tiêu hòa nhập và tăng trưởng. Đặc biệt, tăng cường tiếp cận cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội được coi là yếu tố mấu chốt để tăng trưởng.

“Nếu một số người dân không có đủ dinh dưỡng hay được học hành đầy đủ họ sẽ không thể phát huy hết tiềm năng của mình và như vậy sẽ hạn chế tăng trưởng,” ông Demombynes nói. “Có chính sách tốt sẽ giúp người dân quản lý rủi ro tốt hơn và đóng góp nhiều hơn vào thúc đẩy tăng trưởng.”  

Ví dụ một số người không dám bỏ ruộng đồng để theo đuổi những cơ hội ở thành phố vì sợ bị thất nghiệp hoặc bị bệnh khi xa gia đình. Nếu xã hội có thể giúp bảo hiểm cho họ trước các rủi ro như vậy thì mọi người sẽ có thêm động lực để di chuyển đến những nơi có việc làm với năng suất cao hơn và đóng góp vào tăng trưởng.

Đối với hòa nhập xã hội thì không có công thức thành công duy nhất nào cả. Theo ông Demombynes vấn đề quan trọng là chính phủ phải cố gắng thực sự và mọi thành viên trong xã hội phải có tiếng nói.

Hòa nhập xã hội không giới hạn

Cần phải chống tham nhũng để đảm bảo hòa nhập xã hội. Thứ nhất, nếu còn tình trạng hối lộ thì chỉ những người có khả năng hối lộ mới có thể được hưởng dịch vụ y tế và giáo dục. Như vậy là không công bằng, và rõ ràng là một vấn đề trong hòa nhập xã hội. Thứ hai, nguồn lực dành cho hòa nhập xã hội sẽ bị lấy cắp. Thứ ba, cảm giác cho rằng một số người đạt được chức vụ hoặc tài sản của mình thông qua tham nhũng làm xói mòn niềm tin vào các thể chế và là nguồn gốc bất ổn xã hội.

Loại bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giảm bất bình đẳng và khoảng cách nông thôn – thành thị, đảm bảo tuyển dụng người tài một cách công bằng vào làm việc trong các cơ quan công quyền, và đổi mới phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thể chế vững mạnh giúp thực hiện tăng trưởng bền vững và hòa nhập.

“Đối với hòa nhập xã hội thì không có giới hạn. Tuy nhiên trong xã hội cần đảm bảo một mức độ hòa nhập tối thiểu vì nó đảm bảo gắn kết xã hội, một tiền đề quan trọng giúp xã hội tồn tại và phát triển,”  ông Nguyên Anh nói.

---

Để xem toàn bộ nội dung thảo luận, mời bấm vào đây.




Api
Api

Welcome