PHÓNG SỰ

Vượt qua thách thức, dự án vệ sinh môi trường từng bước biến dòng kênh ô nhiễm ngày càng trong sạch hơn

6 Tháng 9 Năm 2012



Các nét chính của bài viết
  • Hơn 1,2 triệu người dân hiện có điều kiện vệ sinh tốt hơn
  • Hơn 400.000 người giảm nguy cơ lũ lụt
  • Vượt qua các thách thức và phức tạp về mặt kỹ thuật, những bài học kinh nghiệm của dự án đang được áp dụng để nâng cấp các lưu vực khác

Ngày 6 tháng 9 năm 2012 - Ngày 18/8/2012 là một ngày đáng ghi nhớ đối với ông Nguyễn Thanh Sương. Sống  cạnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã chứng kiến sự biến đổi của dòng kênh này hơn 20 năm qua. Vào ngày này, dòng kênh chính thức được mang một diện mạo mới và trở thành một biểu tượng của sự phát triển của thành phố.

Dòng kênh một thời ô nhiễm gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe với người dân trong khu vực, nay đang dần trở thành một dòng nước sạch với hệ thống thoát nước giúp giảm thiểu lũ lụt và thu gom nước thải một cách an toàn.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã cùng ông Sương và hơn một triệu người dân sống tại lưu vực tham dự lễ khánh thành dự án quan trọng này.

"Tôi hạnh phúc và tự hào khi tham gia lễ khánh thành dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè." Ông Sương nói. "20 năm trước, nhắc đến Nhiêu Lộc - Thị Nghè là nhắc đến một dòng kênh đen bẩn, bốc mùi, đầy rác thải.  Dân cư dọc theo kênh đã vứt rác, xả nước thải xuống nước khiến dòng kênh thêm ô nhiễm trong một thời gian rất dài."

Bắt đầu triển khai từ năm 2002, Dự án Vệ sinh Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh được thiết kế để giải quyết những vấn đề này và phục hồi dòng chảy cho một môi trường đô thị xanh và lành mạnh hơn. Dự án bao gồm việc xây dựng một hệ thống thu gom nước thải chính đặt dưới dòng kênh, dài 8 km và có đường kính 3 mét, cũng là để cải thiện khả năng thoát nước, cùng với công tác gia cố bờ kè kênh và lắp đặt cải tạo hệ thống cống thoát nước dài hơn 60 km. Dự án này là một trong số các dự án mà Ngân hàng Thế giới hỗ trợ để nâng cao điều kiện  sống của người dân tại thành phố lớn đang phát triển rất nhanh này.

"Dự án có tác động quan trọng trong việc phát triển  bền vững và toàn diện cho Thành phố Hồ Chí Minh", ông Lê Hoàng Quân chia sẻ. "Dự án đã giảm đáng kể lũ lụt và ô nhiễm môi trường, mang lại một môi trường sống tốt hơn cho hơn 1,2 triệu người ở 7 quận huyện mà dòng kênh chảy qua. "

Cùng nhau giải quyết những thách thức khi thực hiện dự án

Với dự án phức tạp về kỹ thuật và đầy khó khăn, các đơn vị có liên quan của Thành phố HCM và Ngân hàng Thế giới đã phải vượt qua nhiều thách thức xảy ra  trong quá trình thực hiện.

Dự án áp dụng công nghệ kích ngầm trong điều kiện địa chất và nước ngầm phức tạp không lường trước được mà  trước đó chưa từng được thực hiện tại Việt Nam. Một khó khăn nữa là dự án nằm ở trung tâm thành phố với mật độ giao thông và dân số cao nên việc thi công hầu hết các hạng mục chỉ có thể được thực hiện vào ban đêm. Thêm vào đó, dự án phải di chuyển rất nhiều các công trình ngầm không có trong thiết kế bao gồm cả một đường ống cấp nước chính có đường kính lên tới 2 mét, các tuyến đường điện và cáp viễn thông.

"Đã có rất nhiều giai đoạn khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng tất cả các bên đều nhất trí cao rằng cần phải tiếp tục  hoàn thành dự án này.” Ông Lê Duy Hưng, Chuyên gia cao cấp về đô thị của Ngân hàng Thế giới, người đã theo dõi dự án từ những bước đầu tiên, chia sẻ.

Kết quả là những bài học kinh nghiệm từ dự án kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè đang được áp dụng để nâng cấp các lưu vực thoát nước tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh, đây có thể  được coi  là một ví dụ về tăng trưởng xanh cho thành phố. Dự án đánh dấu một mốc quan trọng  về cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn để cải thiện điều kiện sống của  người dân đô thị.

Dự án này là một phần của chương trình rộng lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh cho thành phố bao gồm quy hoạch toàn diện trong sử dụng đất đai,  giao thông và xe buýt nhanh, nâng cấp các khu dân cư thu nhập thấp có sự tham gia của cộng đồng, cải thiện từng bước hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải  thành phố, nâng cao hiệu quả  các dịch vụ cấp nước đô thị bằng cách giảm thất thoát nước, cùng kết hợp với khu vực tư nhân và thúc đẩy tính bền vững kinh tế và tài chính của thành phố.


Api
Api

Welcome