PHÓNG SỰ

Cẩm nang Mới Giúp Việt Nam Quản lý Rủi ro Lũ lụt Đô thị Tốt Hơn

13 Tháng 2 Năm 2012


Các nét chính của bài viết
  • Đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam đã dẫn đến các rủi ro lũ lụt đô thị.
  • Ngân hàng Thế giới tích cực hỗ trợ các nỗ lực quản lý rủi ro thiên tai của Chính phủ Việt Nam thông qua các khoản vay, hỗ trợ kỹ thuật và phân tích đầu vào.
  • Một cuốn cẩm nang mới do Ngân hàng Thế giới phát hành ngày hôm nay đề xuất một số ưu tiên về chính sách nhằm quản lý nguy cơ lũ lụt tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Ngày 13, tháng 2, năm 2012 - Trần Hoa Phượng, 35 tuổi, giảng viên đại học tại Hà Nội và là mẹ của hai cậu bé, vẫn còn hoảng sợ khi nhớ lại buổi sáng 31 tháng 10 năm 2008 khi chị thức dậy và nhìn thấy mặt đất ngập tràn nước bẩn.

"Chúng tôi huy động mọi thứ trong nhà, từ quần áo, chăn màn, … để ngăn chặn nước tràn vào nhà nhưng cũng không giúp được gì," chị Phượng nói. "Hai vợ chồng tôi không lấy xe máy ra đi làm được, con tôi cũng không đi học được. Hỏi hàng xóm và đồng nghiệp thì mọi người đều trong tình trạng như mình."

Năm ngày liên tiếp mưa nặng hạt không ngớt để lại hậu quả là một trận lũ tồi tệ nhất tại Hà Nội kể từ năm 1984. Hệ thống giao thông ngưng trệ bởi mực nước trên đường phố lên tới cả mét. Lũ lụt giết chết 20 người và các trường học bị đóng cửa trong vài ngày, tổng thiệt hại của thành phố lên tới 3 nghìn tỷ đồng (tương đương 177 triệu đô la Mỹ). Người dân đã được cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra, bao gồm cả bệnh tả và bệnh sốt xuất huyết.

Khi trận lụt lịch sử diễn ra, chị Phượng đang mang thai đứa con thứ hai. Chị bị mắc kẹt trong nhà ba ngày liền cùng với chồng và đứa con trai 7 tuổi cho tới khi cả nhà hết sạch thức ăn. Chồng chị phải lội bộ tới khu chợ gần nhà để mua thức ăn, lúc này đã bị đẩy giá lên gấp 10 lần so với ngày thường do mưa lớn đã phá hoại mùa màng ở miền Bắc. Nhưng đó không phải là điều mà người phụ nữ đang mang bầu lo lắng nhất.

“Khi đó tôi chỉ còn cách ngày dự sinh khoảng một tuần nhưng tôi có thể sinh bất cứ lúc nào", chị Phượng nói. "Vì giao thông không hoạt động, cách duy nhất để đi đến bệnh viện là đi bằng thuyền; nhưng nhà tôi thì làm gì có thuyền vì chúng tôi đang sống ở giữa thủ đô."

Việt Nam có nguy cơ cao với các thảm họa tự nhiên, trong đó có lũ lụt

Gia đình chị Phượng chỉ là một trong số rất nhiều gia đình hoàn toàn bị động trước một trận lũ chết người như vậy tại Hà Nội. Tuy nhiên, có một tin không hay là ngập lụt tại đô thị đang trở thành một thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình đang phát triển tốc độ nhanh trong khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Chiến lược Kinh tế - Xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cùng với Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2015 chỉ rõ tầm nhìn về sự tiến bộ nhanh chóng hướng tới một xã hội công nghiệp hiện đại đặc trưng bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Những áp lực của tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng trong điều kiện biến đổi khí hậu đã đặt người dân ở khu vực thành thị vào những rủi ro cao trước các thảm họa thiên nhiên.

Thực trạng này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng hệ thống quản lý nguy cơ lũ lụt gắn với quy trình lập kế hoạch thường xuyên của các thành phố và thị xã. Trong năm 2009, Chính phủ Việt Nam bắt đầu thực hiện Chương trình quốc gia mười hai năm mang tên "Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng", với đối tượng mục tiêu là khoảng 6.000 xã dễ bị tổn thương ở khu vực thành thị và nông thôn.

Phương pháp tiếp cận tổng hợp để quản lý rủi ro lũ lụt

Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 161 triệu đô la Mỹ cho Dự án Quản lý Rủi ro Thiên tai nhằm mục đích củng cố hệ thống cảnh báo sớm như hiện đại hoá hệ thống hydromet cũng như cơ sở hạ tầng được sử dụng để giảm nhẹ thiên tai. Ngân hàng cũng đầu tư vào công việc tái thiết sau thiên tai thông qua 75 triệu đô la Mỹ cho khoản tài trợ bổ sung trong năm 2010.

“Mở rộng đô thị thường tạo ra các khu dân cư nghèo thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ đầy đủ, làm cho những khu vực này dễ bị tổn thương bởi lũ lụt. Người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”, theo bà Pamela Cox, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phục trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. "Nhưng quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng có nghĩa là chúng ta có cơ hội để làm những điều đúng ngay từ ban đầu, vì vậy các thành phố và thị xã có thể hỗ trợ cho phát triển bền vững, bảo vệ tính mạng và của cải cho người dân."

Theo cuốn cẩm nang "Thành phố và ngập lụt: Hướng dẫn về quản lý rủi ro ngập lụt đô thị tổng hợp cho thế kỷ 21" vừa được phát hành, biện pháp hiệu quả nhất để quản lý nguy cơ lũ lụt là áp dụng phương pháp tiếp cận tích hợp trong đó kết hợp cả hai biện pháp cấu trúc và phi cấu trúc.
Vì nguy cơ lũ lụt không thể được loại bỏ hoàn toàn, việc lập kế hoạch cho một sự phục hồi nhanh chóng cũng là rất cần thiết, coi công việc tái thiết như là một cơ hội để xây dựng cộng đồng an toàn hơn và mạnh mẽ hơn có khả năng chịu được lũ lụt tốt hơn trong tương lai.

"Nguyên nhân cơ bản gây ra trận lụt 2008 là các khu đô thị ở Hà Nội mọc lên quá nhiều, quá nhanh khiến hệ thống thoát nước không đáp ứng được nên tắc nghẽn,” chị Phượng nói. "Tôi hy vọng các lãnh đạo thành phố sẽ rút ra được một số bài học từ trận lụt này để quy hoạch thành phố tốt hơn để ngăn chặn những trận lụt tương tự trong tương lai."

 

Api
Api

Welcome