Skip to Main Navigation
publication24 Tháng 8 Năm 2022

Điểm lại: Cập nhật Tình hình Kinh tế Việt Nam, Tháng 8/2022

The World Bank

TẢI BÁO CÁO

Tiếng Anh | Tiếng Việt

Phần I. Diễn biến kinh tế gần đây và triển vọng

Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022. Sau đợt giãn cách xã hội do dịch COVID hồi quý III/2021, nền kinh tế bật tăng trở lại, tăng trưởng 5,2% trong quý IV/2021 và 6,4% trong nửa đầu năm 2022. Sự phục hồi này đạt được chủ yếu nhờ tăng trưởng vững chắc của xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sang các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, đặc biệt là đối với dịch vụ, cũng đóng góp vào tăng trưởng. Biên giới quốc gia mở cửa trở lại vào tháng 3/2022 đang mang đến sự hồi sinh cho ngành du lịch.

GDP được dự báo ​​sẽ tăng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Khu vực dịch vụ sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ khi người tiêu dùng tăng chi tiêu để thỏa mãn nhu cầu bị dồn nén, và lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh vào mùa du lịch Thu 2022/Đông 2023. Tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững, tuy có thể giảm tốc phần nào do Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm lại. Lạm phát được dự báo ​​sẽ duy trì ở mức khoảng 4% trong năm 2022 và năm 2023.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rủi ro tăng cao. Ở trong nước, thách thức bao gồm những khó khăn trong hoạt động kinh doanh tiếp tục hiện hữu ở một số ngành và tình trạng thiếu lao động. Lạm phát tăng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng hộ dân cư, vốn rất mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022. Đối với khu vực kinh tế đối ngoại, sự giảm tốc trầm trọng hơn so kỳ vọng ​​của các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam là rủi ro chính. Việc tiếp tục giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc có thể khiến tình trạng gián đoạn chuỗi giá trị kéo dài hơn và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã làm tăng mức độ bất định và có thể gây ra những thay đổi trong xu hướng thương mại và đầu tư, ảnh hưởng đến nền kinh tế có độ mở cửa cao như Việt Nam.

Phần II. Giáo dục để Tăng trưởng

Hệ thống giáo dục sau phổ thông phát triển hơn sẽ là chìa khóa để thúc đẩy tăng năng suất của Việt Nam và do đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Hiện nay, hệ thống giáo dục sau phổ thông của Việt Nam đang hoạt động chưa thực sự hiệu quả như mong đợi. Khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông (bao gồm giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp) của học sinh Việt Nam, tính bằng tỷ lệ nhập học chung, đạt dưới 30%, một trong những mức thấp nhất trong số các nước Đông Á và thấp hơn nhiều so với các nước có thu nhập cao hơn như Hàn Quốc (trên 98%), Trung Quốc (hơn 53%) và Malaysia (43%). Kết quả đầu ra giáo dục sau phổ thông của Việt Nam, đo bằng tỷ lệ tốt nghiệp gộp, chỉ đạt 19%.

Có một số nguyên nhân dẫn đến kết quả khiêm tốn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Các yếu tố cầu bao gồm chi phí cơ hội cao và chi phí tài chính ngày càng tăng khi theo đuổi giáo dục đại học, kết hợp với suất sinh lợi đang có xu hướng giảm. Các yếu tố cung liên quan đến sự chênh lệch giữa kỹ năng và việc làm, đầu tư hạn chế từ Nhà nước, và cấu trúc thể chế quản lý giáo dục đại học yếu kém và phân tán.

Báo cáo này xác định 4 ưu tiên mà các cơ quan chức năng cần hành động để đạt được những kết quả giáo dục đại học cần thiết, và đảm bảo lĩnh vực này đóng góp vào quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai của đất nước.

  • Nâng cao khả năng tiếp cận và công bằng
  • Cải thiện chất lượng và sự phù hợp
  • Đảm bảo nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này tốt hơn
  • Quản trị công lĩnh vực này tốt hơn
Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn.
Image
Carolyn Turk
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam