Thách thức
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới xuất hiện COVID-19. Mặc dù đã ngăn chặn thành công sự lây lan ban đầu của đại dịch, Việt Nam đối mặt với nhu cầu cấp thiết phải tăng cường khả năng phát hiện và ứng phó với COVID-19. Việt nam cần cải thiện năng lực phòng thí nghiệm ở cấp quốc gia và địa phương cả về chất lượng và số lượng. Khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, cả nước chỉ có bốn phòng thí nghiệm nằm trong bốn viện y tế công cộng có trang thiết bị để thực hiện xét nghiệm COVID-19. Các phòng thí nghiệm này đối mặt với nhu cầu quá lớn, dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong trả kết quả xét nghiệm. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực phòng, chống dịch.
Bản quyền ảnh: NIHE.
Phương thức
Để nhanh chóng chống lại sự lây lan của dịch bệnh, dự án đã đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào 3 hoạt động: (a) tăng cường năng lực của hệ thống phòng xét nghiệm cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), (b) tăng cường năng lực của các hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc để ứng phó với COVID-19 (tập trung vào các phòng xét nghiệm tham gia giám sát và xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh trên toàn quốc) và (c) tăng cường năng lực nghiên cứu vắc xin COVID-19 và bộ xét nghiệm (của Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất vắc xin và sinh phẩm [POLYVAC]).
Kết quả
Dự án đã tăng cường đáng kể năng lực xét nghiệm và giám sát dịch bệnh tại Việt Nam qua việc vừa mở rộng số lượng phòng xét nghiệm cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 vừa giảm thời gian trả kết quả xét nghiệm.
- Hơn 640 nhân viên từ 28 địa phương - hầu hết ở miền Bắc Việt Nam và một số ở khu vực miền Trung - đã tham dự 25 buổi đào tạo trực tiếp do các nhà virus học hàng đầu từ NIHE thực hiện. Họ đã được hướng dẫn về các quy trình tiêu chuẩn về lấy mẫu, kỹ thuật xét nghiệm, kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm.
- Nhờ các khóa đào tạo và trang thiết bị do NIHE cung cấp thông qua dự án này và các chương trình nâng cao năng lực xét nghiệm khác, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng khả năng xét nghiệm trong giai đoạn đại dịch. Số lượng phòng xét nghiệm có khả năng tiến hành và xác nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 đã tăng từ bốn phòng vào năm 2020 lên 94 trong vòng một năm và 143 phòng xét nghiệm trên cả nước vào cuối năm 2021. Thời gian trả kết quả xét nghiệm trung bình giảm từ vài ngày xuống còn 4 đến 6 giờ.
- Một phần đáng kể của khoản tài trợ đã được sử dụng để nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm tại NIHE và POLYVAC. Hai cơ quan này đã tiếp nhận 167 thiết bị kỹ thuật, bao gồm hệ thống kính hiển vi điện tử hiện đại, giúp họ có được năng lực tốt hơn để tiến hành giám sát bộ gen của mầm bệnh và phát triển các bộ dụng cụ xét nghiệm và vắc-xin hiệu quả.
- Việc nâng cao năng lực của các phòng xét nghiệm quốc gia và mạng lưới giám sát dịch bệnh đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam, giữ cho số ca nhiễm tương đối thấp. NIHE tích cực hỗ trợ các tỉnh trên cả nước bằng cách cung cấp thiết bị và đào tạo để nâng cao khả năng xét nghiệm của họ. Nhờ đó dẫn đến gia tăng đáng kể số lượng xét nghiệm COVID-19 do phòng xét nghiệm quốc gia thực hiện. Năm 2021, tổng số mẫu xét nghiệm đạt 111.364 mẫu, tăng đáng kể so với tổng số 41.313 xét nghiệm của năm trước.
Đóng góp của Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng Thế giới đã cấp 6,3 triệu USD cho dự án này thông qua Quỹ Tài chính Khẩn cấp Đại dịch (PEF). Đóng góp quan trọng của Ngân hàng là các hỗ trợ và giám sát đặc biệt nhanh chóng và hiệu quả trong việc chuẩn bị và thực hiện dự án.
Đối tác
Nhóm dự án của Ngân hàng Thế giới đã hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) để xác định những thiết bị cần mua và đào tạo. Các nhân viên kỹ thuật của WHO và CDC Hoa Kỳ đã giúp phát triển các quy trình và đào tạo vận hành tiêu chuẩn (SOP) và cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày để hỗ trợ công tác sẵn sàng ứng phó và ứng phó với đại dịch.
Nhìn về phía trước
Năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã được nâng cao đáng kể, từ khoảng 14.000 xét nghiệm lên hơn 100.000 xét nghiệm mỗi ngày vào thời điểm dự án kết thúc. Việt Nam hiện có thể ứng phó với bất kỳ sự kiện y tế khẩn cấp và đại dịch nào ở quy mô tương tự như đại dịch COVID – 19.