Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 25 Tháng 3 Năm 2019

Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045

Kính thưa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ,

Kính thưa Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng,

Kính thưa Đại sứ Úc tại Việt Nam, Craig Chittick,

Kính thưa Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Quang Thuận,

Kính thưa các vị khách quý,

Xin chào!

 

Tôi rất vinh dự và tự hào được cùng Giáo sư Nguyễn Quang Thuận chào mừng các quý vị đại biểu đến dự hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-30, và tầm nhìn đến 2045”. Tôi xin nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính chiến lược của cuộc thảo luận hôm nay, bởi nó sẽ giúp định hình con đường phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Tôi chân thành cảm ơn tất cả các quý vị đại biểu, và đặc biệt cảm ơn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thu xếp lịch trình rất bận rộn của mình để tham dự sự kiện quan trọng này.

Như Giáo sư Nguyễn Quang Thuận đã đề cập, hội thảo hôm nay nhằm thảo luận về những phát hiện mới trong một nghiên cứu chung giữa bốn đơn vị, bao gồm Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới. Tôi xin cảm ơn sự chỉ đạo mạnh mẽ của Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, và cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhóm trong suốt quá trình nghiên cứu chung của chúng ta. Chúng tôi cũng cảm ơn sự hỗ trợ tài chính hào phóng của Chính phủ Úc trong khuôn khổ Đối tác chiến lược giữa Australia và Nhóm Ngân hàng Thế giới - Giai đoạn 2, là tiền đề quan trọng dẫn đến buổi hội thảo hôm nay.

Kính thưa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Kính thưa quý vị đại biểu,

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có lẽ là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để phát triển thành công. Kể từ khi công cuộc Đổi Mới được bắt đầu vào cuối những năm 1980, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Mức tăng trưởng kinh tế đạt gần 7%/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần. Việt Nam ngày nay đã vươn lên trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình thấp và là cường quốc xuất khẩu. Tăng trưởng cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 7%, so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980.

Nhưng hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. Và những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Tác động của những cải cách thể chế và cấu trúc giai đoạn đầu dường như đã tới hạn. Việc điều chỉnh và thay đổi mô hình tăng trưởng mang tính cấp thiết nếu Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được khát vọng này, nền kinh tế cần hoạt động hiệu quả và bền vững trong suốt hơn 25 năm tới, tăng trưởng trung bình ít nhất phải bằng mức trong 30 năm qua. Và mục tiêu này phải đạt được trong một bối cảnh đầy thách thức. Trong nước, Việt Nam đang phải đối mặt với những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tác động của tích lũy nhân tố giảm, cũng như chi phí môi trường ngày càng lớn trong quá trình phát triển. Trên thế giới, Việt Nam sẽ phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh đang thay đổi, những chuyển đổi về mô hình thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ ít thuận lợi hơn cho sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới.

Như vậy cần thực hiện những điều chỉnh và – nếu cần thiết – những thay đổi nào? Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với khu vực FDI mạnh mẽ có còn phù hợp không? Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào những nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng bền vững – bao gồm cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực – như thế nào? Làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước để khu vực này có thể nhân tố chủ lực dẫn dắt việc đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0 và tăng trưởng? Làm thế nào để có thể tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế thị trường để hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn?

Đưa ra câu trả lời hợp lý cho những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta xác định được các động lực tăng trưởng, và chương trình cải cách thực sự trong những thập kỷ tới sẽ thúc đẩy tiềm năng của Việt Nam và mở rộng giới hạn phát triển của đất nước.

Kính thưa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Kính thưa quý vị đại biểu, 

Ngoài những câu hỏi quan trọng cần được trả lời trong cuộc thảo luận của chúng ta hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh hai nhân tố quan trọng quyết định thành công trong tương lai của Việt Nam, dù chúng ta chọn mô hình tăng trưởng nào đi nữa.

Thứ nhất là CHẤT LƯỢNG. Các mô phỏng ban đầu cho thấy Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, trong đó tốc độ tăng năng suất trung bình cần phải tăng mạnh, nhưng thành tựu này cho đến nay cũng chỉ một số ít nước đã đạt được. Để tăng năng suất, cần cải thiện mạnh mẽ tất cả các khía cạnh CHẤT LƯỢNG của tăng trưởng, bao gồm phân bổ nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng vốn nhân lực, tăng đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, cũng như đổi mới và sáng tạo, để tất cả đều mang lại kết quả tăng năng suất. Đối với khía cạnh cuối cùng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy để đổi mới sáng tạo hiệu quả cần có một chương trình cải cách cởi mở và có lộ trình hợp lý, và các quốc gia ở giai đoạn phát triển khác nhau có những ưu tiên khác nhau trong đổi mới sáng tạo. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi lớn từ chuyển giao và áp dụng công nghệ, và doanh nghiệp cần phải được đặt tại vị trí trung tâm của nghị trình đổi mới sáng tạo. Đối với Việt Nam hiện nay, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở cấp doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn những biện pháp được điều khiển bởi cung phổ biến như tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển hoặc tập trung vào các hoạt động phát minh, sáng chế.

Thứ hai là THỰC HIỆN. Những thách thức trong quá trình phát triển hiện nay của Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với 30 năm qua. Một phần của sự phức tạp này bắt nguồn từ thực tế là các vấn đề phát triển đang ngày càng trở nên đa ngành. Giảm nghèo không chỉ đòi hỏi cải thiện đời sống kinh tế, mà còn cải thiện các dịch vụ cơ bản và phát triển nguồn vốn nhân lực. Tương tự như vậy, phát triển vốn nhân lực không chỉ là về giáo dục, mà còn là về chăm sóc y tế trải suốt vòng đời của người dân cũng như chăm sóc người cao tuổi và bảo trợ xã hội. Bản chất của phát triển liên vùng và phát triển khu vực tư nhân cũng mang tính đa ngành. Để giải quyết các vấn đề phức tạp này, cần có sự lãnh đạo và quyết tâm mạnh mẽ. Đồng thời, cần có hệ thống quản trị hiệu quả và phát triển, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng cả theo chiều ngang giữa các bộ ngành trong chính phủ và theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ để giải quyết những điểm yếu cơ bản liên quan đến cách thức chính phủ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các chiến lược chúng ta thảo luận hôm nay.

Kính thưa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Kính thưa quý vị đại biểu,  

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được đến hôm nay là kết quả dễ nhận thấy từ công cuộc Đổi mới đầu tiên vào năm 1986, cũng như một loạt những biện pháp cải cách thị trường mạnh mẽ tiếp theo đó. Ngày nay, Việt Nam cần thêm một cuộc Đổi mới nữa để đạt được khát vọng trở thành quốc gia hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Sống trong kỷ nguyên của những công nghệ đột phá, đang mang lại cả thách thức cũng như cơ hội, tôi muốn gọi đó là “Đổi mới 4.0”.

Nhóm Ngân hàng Thế giới đã vinh dự đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển nổi bật của đất nước suốt 30 năm qua. Nhưng sự phát triển sẽ không dừng lại ở bất kỳ mức thu nhập ngẫu nhiên nào - mỗi quốc gia đều là một quốc gia đang phát triển. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy với Việt Nam trong những năm tới, thông qua sự hỗ trợ toàn diện, bao gồm cả tri ​​thức và nguồn lực tài chính, để giải quyết các thách thức phát triển đang ngày càng khó khăn hơn. Thành công của Việt Nam cũng là thành công của chúng tôi, và cùng nhau, chúng ta có thể làm được điều này.

Tôi tin tưởng chúng ta có những vấn đề hay và phù hợp trong chương trình hội thảo sáng nay. Kính chúc các quý vị đại biểu có một cuộc hội thảo thành công tốt đẹp.  

Xin cảm ơn!

Api
Api