Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 21 Tháng 9 Năm 2018

Tại Lễ ký kết Thỏa thuận khung Hợp tác

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc,

Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam,

Kính thưa Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Kính thưa Đại sứ Ốtxtrâylia tại Việt Nam Craig Chittick

Kính thưa các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành

Kính thưa các vị khách quý và quý vị đại biểu tham dự hội nghị

Xin kính chào quý vị!

Lễ ký kết Thỏa thuận khung Hợp tác ngày hôm nay giữa Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới tăng cường chương trình cải cách cấp thiết của Việt Nam trong những năm tới. Đây cũng là một dấu hiệu rõ ràng nữa về quan hệ đối tác bền chặt, lâu dài giữa NHTG và Chính phủ Việt Nam.

Trước hết, tôi xin chân thành chúc mừng Văn phòng Chính phủ mới đây đã kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Văn phòng. Tôi đánh giá rất cao những thành công vượt bậc mà các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ đầy nhiệt huyết của Văn phòng đã đạt được trong suốt chặng đường hơn 7 thập kỉ qua, qua đó đã đóng góp lớn cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt thời gian chiến tranh, tái xây dựng đất nước và thời kỳ “Đổi mới” cuối những năm 1980.

Mục tiêu của Thỏa thuận khung Hợp tác này là hỗ trợ Văn phòng Chính phủ tăng cường các cơ chế thực hiện cải cách thủ tục hành chinh và chính phủ điện tử, là những lĩnh vực chiến lược trọng tâm đã được xác định trong Báo cáo Việt Nam 2035.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh công tác hoàn thiện thủ tục hành chính, giảm quan liêu, cải thiện môi trường kinh doanh trong mấy năm qua. Những bước đi này đã đem lại những tác động tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh, và đã được thế giới công nhận với việc Việt Nam nâng cao thứ hạng về chỉ số Môi trường kinh doanh và logistics năm 2018 của Ngân hàng Thế giới. Những cố gắng này rõ ràng đã góp phần vào những kết quả kinh tế tích cực của Việt Nam trong mấy năm qua cũng như thu hút đầu tư.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để khai thác các tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế. Và cải cách là một trong giải pháp đó. Chúng ta không nên e ngại cải cách mà thay vào đó cần thiết kế các biện pháp cải cách một cách thận trọng và thực hiện hiệu quả các cải cách đó. Tôi tin rằng kết hợp cải cách thủ tục hành chính với các sáng kiến từng bước và cơ bản về chính phủ điện tử là một cách phù hợp để hiện đại hóa nền hành chính Việt Nam. Từ đó mà nâng cao đáng kể hiệu quả hoạt động giữa các cơ quan chính phủ và đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và người dân trong các mối quan hệ giữa nhà nước và các chủ thể này. Hướng đi này đã chứng tỏ sự thành công ở nhiều nước như Ôtxtrâylia, Étxtônia, Pháp, Singapo, Hàn Quốc. Đã đến lúc Việt Nam đồng bộ hóa nền hành chính của mình với những mô hình tốt nhất. Chúng ta phải đặt ra những mục tiêu cao và đó là điều mà chúng ta có thể làm được và đạt được kết quả. Với sự lãnh đạo sáng suốt và cam kết mạnh của chính phủ, sự hội tụ của năng lực chuyên môn trong nước và yêu cầu ứng dụng công nghệ số, tái cấu trúc các quy trình của chính phủ là một đòi hỏi cấp thiết để bắt kịp ‘con tàu’ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thưa các quý vị đại biểu,

Tôi rất hân hạnh được thông báo với quý vị rằng Ngân hàng Thế giới và Văn phòng Chính phủ đã phối hợp soạn thảo thỏa thuận khung về hợp tác chiến lược giữa hai bên để bảo đảm các ưu tiên cải cách của chính phủ về hoàn thiện các thủ tục, quy trình chính phủ điện tử đạt được kết quả đề ra. Các lĩnh vực ưu tiên cải cách gồm có việc triển khai hệ thống Chính phủ điện tử e-Cabinet – hướng tới tổ chức các cuộc họp chính phủ không dùng giấy tờ, thiết lập cổng thông tin quốc gia về Dịch vụ điện tử, bảo đảm khả năng liên thông giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của chính phủ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ VPCP thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, huy động các nguồn lực khác, cũng như tranh thủ kinh nghiệm quốc tế của Ngân hàng Thế giới và các tập quán tối ưu mà chúng tôi có được từ việc hỗ trợ chính phủ của nhiều nước khác trong xây dựng thể chế, chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số.

Để thực hiện những bước cải cách chính phủ điện tử này cũng như để hỗ trợ Thỏa thuận khung Hợp tác, tôi cũng xin nhấn mạnh những đóng góp quý báu của Ôtxtrâylia thông qua Đối tác Chiến lược Ôtxtrâylia - Ngân hàng Thế giới. Chính phủ Ốtxtrâylia và Ngân hàng Thế giới rất mong muốn được chung tay với Chính phủ Việt Nam trong chương trình cải cách quan trọng này.

Thay cho lời kết, tôi xin được bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo hiệu quả và những cam kết mạnh của VPCP, cũng như toàn bộ các cơ quan chính phủ. Tôi tin rằng mối quan hệ đối tác tin tưởng giữa Ngân hàng Thế giới và VPCP sẽ bảo đảm thực hiện thành công chủ trương cải cách chính phủ điện tử.

Xin kính chúc Quý vị sức khỏe, thành công và hạnh phúc!

Xin cảm ơn.

Api
Api