Skip to Main Navigation
THÔNG CÁO BÁO CHÍ 3 Tháng 10 Năm 2017

Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phối hợp tăng cường chính sách tài khóa và công tác quản lý tài chính công, hướng tới bền vững, hiệu quả và công bằng

Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phối hợp tăng cường chính sách tài khóa và công tác quản lý tài chính công, hướng tới bền vững, hiệu quả và công bằng

 

Hà Nội, ngày 03/10/2017- Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới ngày hôm nay đã công bố báo cáo đánh giá phối hợp, có tựa đề: “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng”. Mục tiêu của việc xây dựng Báo cáo nhằm giúp cho Chính phủ có thêm căn cứ để xây dựng chính sách cũng như chương trình hành động đúng đắn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là xử lý tốt hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với giảm nghèo và hội nhập quốc tế.

Báo cáo được hoàn thiện bởi các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, chủ trì là Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ và một số bộ, cơ quan trung ương có liên quan; các địa phương Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Báo cáo có sự đóng góp của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia quốc tế từ khâu khảo sát, lập đề cương, tổ chức nghiên cứu, đánh giá, đề xuất khuyến nghị và hoàn thiện báo cáo, đặc biệt đã cung cấp nhiều thông tin và kinh nghiệm quốc tế tốt trong quản lý chi tiêu công.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện chính sách thu, chi, bội chi và quản lý nợ công của Việt Nam gắn với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015, Báo cáo đã chỉ ra xu thế thu, chi, vay nợ của ngân sách nhà nước trong thời gian qua, kết quả đạt được và những hạn chế, thách thức về tài khóa, từ đó đưa ra những khuyến nghị mang tính định hướng trong việc củng cố tài khóa, cải cách chính sách và quản lý tài chính công theo lộ trình trong ngắn, trung và dài hạn.

Báo cáo đánh giá nêu trên được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng dư địa tài khóa bị thu hẹp, bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao có ảnh hưởng lớn đến khả năng bền vững tài khóa trong trung hạn. Mức động viên thu NSNN so GDP đang có xu hướng giảm, nhất là tỷ trọng thu từ thuế và phí, trong khi nhu cầu chi ngân sách thời gian qua tăng nhanh. Bên cạnh đó, với tốc độ mở cửa nền kinh tế nhanh, kết hợp với việc đẩy mạnh phân cấp quản lý đã làm cho công tác quản lý kinh tế – tài chính trở nên phức tạp hơn. Đánh giá này cung cấp thông tin cần thiết để giải đáp ba câu hỏi lớn xuyên suốt 15 chương trong báo cáo: (i) Làm thế nào để tạo dư địa tài khóa đáp ứng các nhiệm vụ chi tiêu chính đồng thời đảm bảo bền vững tài khóa? (ii) Làm thế nào để chi tiêu công ở các cấp trung ương và địa phương gắn kết tốt hơn với các ưu tiên của quốc gia? và (iii) Làm thế nào nâng cao trách nhiệm giải trình về kết quả, sao cho chi tiêu công đem lại hiệu quả lớn nhất? Là đánh giá chi tiêu công phối hợp đầu tiên sau hơn 10 năm, báo cáo này có phạm vi khá toàn diện, bao gồm 15 chương, trong đó gồm 5 chương liên ngành, 5 chương chuyên ngành (cho năm ngành chiếm gần 50% tổng chi ngân sách nhà nước), 5 địa phương (đại diện cho hai nhóm các địa phương điều tiết ngân sách về trung ương và các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương), và một đánh giá tổng quan gồm các nhận định và khuyến nghị bao trùm tất cả các chương.

“Nhằm đảm bảo bền vững về tài khóa, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5%GDP. Để đạt được những mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa một cách chủ động hơn, cả ở cấp trung ương và cấp địa phương.” dẫn lời ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Tài chính, Báo cáo đánh giá này đã đưa ra được các khuyến nghị rất cụ thể về các lựa chọn chính sách để thực hiện mục tiêu này.

“Đánh giá này được thực hiện vào thời điểm Việt Nam đang đứng trước những sự lựa chọn về chính sách tài khóa quan trọng. Chúng tôi hy vọng báo cáo sẽ cung cấp những phân tích thiết thực cho Chính phủ và Quốc hội cân nhắc các kế hoạch và chính sách phát triển, tài chính và ngân sách trung hạn trong thời gian tới.” dẫn lời ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Quá trình phối hợp đánh giá có ý nghĩa quan trọng không kém gì kết quả đánh giá. Bởi vì qua quá trình đánh giá và đối thoại liên tục giữa các bên, những nhận định và các ý tưởng mới có thể được chuyển hóa thành hành động, thành chính sách và kết quả cụ thế. Trong thời gian tới, điều quan trọng là đảm bảo là năng lực đánh giá của Chính phủ được duy trì, bao gồm thông qua quá trình phối hợp tiếp theo giữa các bên trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của đánh giá này, cũng đảm bảo rằng các kết quả đánh giá được chia sẻ rộng rãi hơn, thông qua nhiều hoạt động chia sẻ khác bắt đầu từ buổi lễ công bố ngày hôm nay.

Báo cáo đã đưa ra 68 khuyến nghị chính, bao gồm (a) các biện pháp chính sách có thể được cân nhắc cho một chương trình củng cố tài khóa, đảm bảo bền vững tài khóa nhưng ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, thông qua duy trì mức độ chi tiêu hợp lý cho đầu tư phát triển và đảm bảo các mục tiêu xã hội; và (b) các khuyến nghị về định hướng cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, bao gồm phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa đầu tư và thường xuyên, và giữa các lĩnh vực trong cùng một ngành. Đồng thời, báo cáo cũng khuyến nghị các biện pháp nhằm đảm bảo kết quả của sự phát triển tích cực của Việt Nam sẽ được phân phối công bằng và các biện pháp đảm bảo hỗ trợ thích hợp cho người nghèo và cận nghèo. Báo cáo cũng khuyến nghị một cách tiếp cận theo lộ trình và các biện pháp tạo động lực phù hợp đối với những cải cách về thể chế quản lý tài chính công phức tạp, cũng như trong việc cải thiện khuôn khổ chính sách và pháp lý, và tăng cường năng lực quản lý.

Báo cáo đã được trình và được Thủ tướng Chính phủ duyệt cho phát hành. Đồng thời, tại công văn số 8038/VPCP-KTTH ngày 02/8/2017 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo Đánh giá chi tiêu công và định kỳ 6 tháng báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các khuyến nghị.


Liên lạc

Tran Kim Chi
+84-24-39378702
ctran@worldbank.org
Dini Djalal
+1 202 468-4442
ddjalal@worldbank.org
Api
Api