Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ 7 Tháng 6 Năm 2019

Gặp gỡ nhà cải tiến xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam: Trang Nguyen

Image

Nhựa biển đã khiến đại dương của chúng ta gặp nguy hiểm. Đến năm 2050, ước tính khối lượng nhựa sẽ lớn hơn cá trên biển. Các quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương đóng góp nhiều nhất vào ô nhiễm nhựa biển. Đối với Ngày Đại dương Thế giới 2019, chúng tôi đang chiếu rọi vào các nhà đổi mới hoạt động để ngăn chặn làn sóng các mảnh vỡ biển trong tâm chấn của cuộc khủng hoảng này.

Nguyễn Thu Trang là người tâm huyết trong việc huy động giới trẻ ở Việt Nam tìm kiếm những giải pháp tập thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Trang đồng sáng lập GreenHub, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam.

Trang có thể giới thiệu về bản thân và về GreenHub?

Tôi đã làm việc trong lĩnh vực môi trường và phát triển, chuyên về ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam trong 14 năm qua.

Tôi là người tâm huyết với các sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, kiếm tìm các giải pháp và hành động tập thể. Tôi cảm thấy hứng khởi khi được kết nối với mọi người và góp phần tạo ra những thay đổi tích cực. Đó là lý do tôi thành lập ra GreenHub với các đồng sự có cùng quan điểm vào năm 2016.

GreenHub là tổ chức phi lợi nhuận hướng đến kiến tạo các cộng đồng bền vững. Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển và triển khai các biện pháp hiệu quả, dựa trên bằng chứng để thúc đẩy sản xuất xanh, lối sống bền vững, và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại sao rác thải nhựa lại là thách thức lớn cho đại dương và sông ngòi ở Việt Nam?

Rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường lớn nhất hiện thế giới phải đối mặt. Vật liệu nhựa mới chỉ được phát minh ra cách đây một thế kỷ nhưng nó đã gây ra nguy cơ ngày càng lớn trên toàn cầu, cả trên đại dương và xã hội nói chung. Mức độ trầm trọng của vấn đề đòi hỏi chúng ta phải hành động cấp thiết.

Tăng trưởng kinh tế cao và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam là nguyên nhân trực tiếp làm tăng chất thải rắn. Theo số liệu từ Tổng Cục Môi trường, rác thải rắn ở đô thị Việt Nam tăng 10 đến 16% mỗi năm. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam thải ra trên 30 triệu tấn chất thải rắn, một phần ba đến từ các khu vực đô thị, [1] và chỉ 10% chất thải được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng.[2]

Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực ven biển, đô thị và ven sông ở Việt Nam. Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về thải rác nhựa ra đại dương không qua xử lý, với ước tính 2.500 tấn rác thải nhựa được thải ra ở khắp Việt Nam hàng ngày[3].

Lần đầu tiên bạn tham gia giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là khi nào?

Năm 2006, tôi làm việc với tư cách là Điều phối viên Chương trình Dọn sạch Vùng Duyên hải Quốc tế ở Việt Nam, chương trình này huy động giới trẻ tham gia nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa thông qua các hoạt động dọn sạch bãi biển để khuyến khích nâng cao nhận thức và hành động.

Năm 2017, tôi gặp Tiến sĩ Denise Hardesty - trưởng nhóm nghiên cứu về Đại dương và Khí quyển của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối Thịnh vượng Chung (CSIRO), nhà tiên phong của phong trào sinh thái chuyên nghiên cứu về ô nhiễm biển và làm việc với các quốc gia trên thế giới nhằm sử dụng khoa học để giảm lượng rác thải ra đại dương.

Sau cuộc gặp gỡ này, tôi nghĩ rằng nếu hiểu tường tận con đường rác đi từ điểm ban đầu đến điểm cuối là đại dương, chúng ta có thể triển khai các giải pháp chống ô nhiễm dựa vào khoa học. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện các nghiên cứu nhằm áp dụng các phương pháp khoa học để xây dựng cơ sở dữ liệu về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam thông qua các cuộc khảo sát thực địa. Sáng kiến này được thực hiện phối hợp với CSIRO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế(IUCN).

 


Image

Bạn hi vọng công việc của bạn có thể đem lại tác động gì?

Sau khi trở về từ khóa đào tạo của CSIRO, tôi bắt đầu thực hiện nghiên cứu về rác thải nhựa tại Việt Nam. Khối lượng rác thải là bao nhiêu? Quy mô như thế nào? Có nguồn gốc từ đâu? Vào tháng 5/2019, tôi bắt đầu đưa sinh viên đi cùng tôi thu thập dữ liệu ở đất liền, ven sông và ven biển, và rồi tôi bắt đầu đào tạo về ô nhiễm rác thải nhựa cho giới trẻ. Sáng kiến này giúp giới trẻ nâng cao hiểu biết về môi trường, giúp họ hiểu rằng họ có sức mạnh để tạo ra sự khác biệt. Dữ liệu được thu thập và phân tích, và đóng góp thiết thực vào các Kế hoạch hành động quốc gia nhằm giảm rác thải nhựa trên đại dương ở Việt Nam.

Hiện nay tôi hỗ trợ Mạng lưới Hành động về Nhựa để huy động thu thập kiến thức, theo dõi những nghiên cứu liên quan đến nhựa, đồng thời xúc tiến những giải pháp đổi mới sáng tạo 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) và kiến tạo nền Kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi đang thử nghiệm tính khả thi của một hình thức kinh doanh dựa vào cộng đồng cho các phụ nữ nghèo tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tham gia giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa áp dụng công nghệ mới.

Động lực của bạn là gì?

Tôi luôn cho rằng tôi có trách nhiệm phải trở thành hình mẫu tích cực cho con gái và gia đình tôi. Và cách tốt nhất để tôi thể hiện sự biết ơn đến những người đã hỗ trợ tôi là phải cố gắng hết sức.

Làm thế nào để mọi người tham gia vào cuộc chiến chống rác thải nhựa này?

Điểm tương đồng giữa ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và những thách thức môi trường khác ở chỗ nơi chịu hậu quả lại thường xa nguồn ô nhiễm – trong trường hợp này là đại dương – đất liền. Tôi tin tưởng rằng các hành động của chúng ta có thể tạo sự khác biệt nhằm ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa:

§  Tái sử dụng nhựa ở trường học, nơi công tác hoặc cộng đồng.

§  Tham gia dọn dẹp ao hồ gần nhà bạn và nhặt rác, ghi chép về rác nhựa gây ảnnh hưởng đến bờ biển, sông ngòi, ao hồ. 

§  Tham gia cộng đồng nhằm xác định, ghi chỉ dấu địa lý và thu thập rác qua ứng dụng OceanSwell khi bạn dọn rác quanh bờ biển, sông ngòi, ao hồ.

§  Lựa chọn không dùng nhựa! Chuyển sang sử dụng chai lọ và túi có thể tái sử dụng, nói KHÔNG với túi nhựa hoặc vật dụng nhựa chỉ sử dụng một lần.


Api
Api