Skip to Main Navigation
PHÓNG SỰ 11 Tháng 11 Năm 2021

Công cụ Định giá Các-bon Giúp Việt Nam Từng Bước Giảm thiểu Phát thải Khí nhà kính

Image

Các nét chính của bài viết

  • Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước.
  • Phát triển thị trường các-bon trong nước hướng tới các mục tiêu quan trọng: giảm phát thải khí nhà kính (KNK), tăng cường sự đóng góp của Việt Nam với các mục tiêu biến đổi khí hậu toàn cầu và khuyến khích phát kiến công nghệ xanh và sạch hơn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam đã dẫn đến lượng phát thải KNK tăng theo cấp số nhân. Điều này khiến mức độ ô nhiễm không khí của Việt Nam đứng cao thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2019. Để đáp ứng các mục tiêu phát triển đồng thời ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, Luật Bảo vệ Môi trường khuyến khích việc xây dựng thị trường các-bon trong đó sẽ áp giá lên hàm lượng các-bon có trong một sản phẩm, qua đó tạo động lực để các cơ sở phát thải KNK thực hiện giảm phát thải KNK và hướng tới sản xuất sạch hơn. 

Hệ thống trao đổi tín chỉ các-bon (ETS) là một cơ chế thị trường mà qua đó các cơ sở sản xuất, các tỉnh, thành phố và quốc gia phát thải KNK có thể giao dịch các tín chỉ các-bon để bù đắp lượng phát thải KNK của họ. Để hệ thống trao đổi tín chỉ các-bon hoat động, sẽ cần có các chính sách và công cụ bổ sung quy định về kiểm kê KNK quốc gia, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV), và lập đơn vị quản lý ở cấp quốc gia về đăng ký phát thải. Để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống trao đổi tín chỉ các-bon của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tiến hành với các đơn vị phát thải lớn KNK trước khi nhân rộng ra các đơn vị phát thải ít hơn.

Đạt 4 mục tiêu nhờ Luật Bảo vệ Môi trường

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đề cập đến bốn thách thức về môi trường trong quá trình phát triển bền vững đất nước.

Thứ nhất, giảm phát thải KNK thông qua thị trường các-bon sẽ tạo động lực giảm phát thải KNK, qua đó cũng giúp giảm ô nhiễm không khí và từ đó bảo vệ sức khỏe người dân. Mật độ các-bon quốc gia trên GDP của Việt Nam tăng 48% trong giai đoạn 2000-2010, cao thứ hai ở Đông Á. Từ năm 2010 đến năm 2020, lượng khí thải CO2 tăng gần gấp 4 lần, phần lớn là từ nhiệt điện than, các hoạt động phát thải công nghiệp và giao thông[1].

Gia tăng ô nhiễm không khí là tác nhân dẫn tới hơn 60.000 ca tử vong trong năm 2017[2] tại Việt Nam. Do đó, việc giảm phát thải KNK, cùng với đó là giảm các chất gây ô nhiễm không khí sẽ cứu sống hàng chục ngàn người Việt Nam.

Thứ hai, giảm phát thải KNK thông qua thị trường các-bon sẽ giúp giảm các tác động của biến đổi khí hậu và giảm áp lực gây suy thoái môi trường. Việt Nam thuộc nhóm nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu: các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và mực nước biển dâng cao đe dọa gây ngập lụt các khu kinh tế quan trọng ven biển, có khả năng khiến hàng triệu người Việt Nam phải di dời nơi ở. 

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 9% lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 bằng các nguồn lực trong nước như được trình bày trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và có khả năng tăng mức cắt giảm lên 27% so với kịch bản phát triển thông thường nếu có sự hỗ trợ tài chính quốc tế. Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam sẽ cắt giảm phát thải KNK và sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland đầu tháng 11 năm 2021. Thị trường các-bon được kỳ vọng sẽ giúp đạt được các cam kết cắt giảm phát thải này đồng thời hỗ trợ Việt Nam khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang mô hình phát triển các-bon thấp.

Thứ ba, thị trường các-bon có tiềm năng giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và khuyến khích việc phát triển và ứng dụng các công nghệ xanh hơn và sạch hơn, giúp giảm phát thải KNK đồng thời giảm ô nhiễm không khí. Cơ chế thương mại này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp sản xuất sạch hơn và phát thải ít hơn.  

Cuối cùng, thị trường các-bon sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng thu hút vốn FDI cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như Liên minh châu Âu (EU).

Nếu Việt Nam không phát triển được thị trường các-bon và giảm thiểu hàm lượng các-bon trong sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu, thì các yêu cầu về hàm lượng các-bon trong các sản phẩm nhập khẩu vào EU hiện đang được thảo luận có thể trở thành rào cản đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong tương lai. Bên cạnh đó, việc hợp tác song phương của EU với các chương trình giảm phát thải các-bon của các quốc gia khác có thể khiến các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam gặp bất lợi trong cạnh tranh.  



Image

Với sự hỗ trợ từ dự án PMR, đoàn đại biểu Việt Nam gồm các cán bộ từ các bộ ngành và Quốc hội đã đến thăm và làm việc tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường California để học hỏi kinh nghiệm từ việc xây dựng Chương trình Thương mại và Giới hạncác-bon của bang này vào tháng 8 năm 2019.


Lộ trình tiến đến một thị trường các-bon trong nước

Ngân hàng Thế giới luôn đồng hành hỗ trợ Việt Nam tiến hành các nghiên cứu cần thiết giúp đặt nền móng cho sáng kiến phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Ngân hàng Thế giới đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam từ năm 2016 thông qua Dự án Chuẩn bị sẵn sàng xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam, thuộc Chương trình Quan hệ đối tác xây dựng thị trường các-bon (Partnership for Market Readiness-PMR) do Ngân hàng Thế giới chủ trì.

Chương trình Quan hệ đối tác xây dựng thị trường các-bon được thành lập nhằm hỗ trợ các quốc gia xây dựng cơ chế định giá các-bon. Ngoài Việt Nam, Chương trình hiện đang hỗ trợ 22 quốc gia thiết kế các chính sách về định giá các-bon và xây dựng thị trường các-bon phù hợp với hoàn cảnh của mỗi nước. Tại Việt Nam, Chương trình viện trợ không hoàn lại 3 triệu USD thông qua Dự án Chuẩn bị sẵn sàng xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam để giúp tăng cường năng lực, nghiên cứu chính sách, và trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia khác về định giá các-bon theo cơ chế thị trường.

Dự án đã hỗ trợ Chính phủ đánh giá các thiếu hụt về thể chế, chính sách, kỹ thuật và các cơ hội để thực hiện các phương pháp tiếp cận định giá các-bon ở Việt Nam. Dự án cũng đã giúp nghiên cứu và khuyến nghị phát triển các nền tảng chính cho định giá các-bon ở cấp quốc gia bao gồm cơ sở dữ liệu, đo lường phát thải KNK, báo cáo và xác minh, quy trình cấp tín chỉ. Dự án xem xét cụ thể các vấn đề trên trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn.

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ phát triển thị trường các-bon trong nước. Các khuyến nghị chính sách được tham vấn và thảo luận sâu rộng giữa các bên liên quan của Dự án bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Trong hơn 5 năm thực hiện, dự án đã giúp chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và khuyến nghị chính sách về tổ chức và phát thị trường định giá các-bon ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng thị trường các-bon trong nước như đã được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường. Chính phủ Việt Nam đã đề xuất Chương trình Quan hệ đối tác xây dựng và thực hiện thị trường các-bon tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực hiện chương trình tín chỉ các-bon quốc gia và hệ thống giao dịch tín chỉ các-bon cũng như thí điểm trong các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng. 

Chương trình Quan hệ đối tác xây dựng thị trường các-bon đã giúp mở đường cho các quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Để làm được điều đó, rất cần có sự đồng thuận giữa các cơ quan chính phủ và các bên liên quan trong việc ủng hộ việc phát triển thị trường các-bon và thúc đẩy quá trình giảm thiểu phát thải KNK gắn liền với giảm ô nhiễm không khí.  Các quy định về giảm phát thải KNK và tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong Luật Bảo vệ Môi trường là khung pháp lý cao nhất và tiền đề cho các doanh nghiệp bắt đầu có những sự chuẩn bị cần thiết cho giảm phát thải KNK. 

 

 




Api
Api