Skip to Main Navigation
Diễn văn và Bản ghi chép 25 Tháng 11 Năm 2019

Logistics nâng cao giá trị cho nông sản

Image

Giám đốc Quốc gia Ousmane Dione thảo luận với các nhà hoạch định chính sách về triển vọng phát triển ngành logistics tại Việt Nam tại diễn đàn VLF 2019.


Kính thưa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ; các đại biểu của khu vực tư nhân, Kính thưa các quý vị, Xin chào.

Hôm nay tôi rất hân hạnh được thay mặt Ngân hàng Thế giới tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 7 tại Thành phố Đà Nẵng xinh đẹp. Với minh chứng là sự hỗ trợ liên tục của Ngân hàng Thế giới đối với Diễn đàn (bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Ốtxtrâylia), chúng tôi coi logistics là chìa khóa để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng minh rằng các chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bao trùm. Trong hai thập kỷ qua, nông dân, những người đang chiếm gần một nửa lực lượng lao động của cả nước, đã được đảm bảo tiếp cận tốt hơn đến thị trường, và giúp họ thoát nghèo. Điều không kém phần quan trọng là các chuỗi giá trị này đã cung cấp thực phẩm cho các hộ gia đình, đặc biệt là những người sống ở các trung tâm đô thị. Tôi không cần phải nhắc các quý vị rằng Việt Nam ngày nay là một trong những nước xuất khẩu gạo và cà phê lớn nhất thế giới. Tương tự như vậy, mặc dù 30 năm trước an ninh lương thực là mối quan tâm hàng đầu, ngày nay hầu như mọi người dân Việt Nam đều được đáp ứng nhu cầu tối thiểu về thực phẩm.

Tuy nhiên, thành công không tự nhiên mà đến. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ trải qua một loạt các thay đổi cơ cấu sâu sắc. Tôi xin nêu lên hai ví dụ về những thay đổi cấu trúc trong nước sẽ ảnh hưởng đến nơi sản xuất và tiêu thụ thực phẩm tại Việt Nam. Trước hết, đa dạng hóa nông nghiệp sẽ tạo ra các trung tâm sản xuất mới vì các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như trái cây và rau quả đòi hỏi điều kiện đất đai và khí hậu khác với gạo hay ngũ cốc. Thứ hai, tốc độ và cách thức đô thị hóa sẽ tác động đến nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp và ảnh hưởng đến các dòng luân chuyển hàng hoá thương mại hiện nay.

Không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới bên ngoài cũng đang thay đổi. Những số liệu gần đây nhất cho thấy tốc độ phát triển sản xuất và thương mại thế giới đang chậm lại. Những bất ổn xuất hiện ngày càng nhiều cũng đang tác động tiêu cực đến dòng đầu tư giữa các quốc gia. Trong bối cảnh này, Việt Nam sẽ cần phải cạnh tranh hơn để gia tăng thị phần trên thị trường khu vực và toàn cầu. Trong môi trường mới và nhiều thay đổi này, cần tăng cường các dịch vụ logistics vì nhờ đó mà có thể giảm nhiều chi phí thương mại.

Để cải thiện hoạt động logistics, Việt Nam cần có một chiến lược thông minh để phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng có tính kết nối. Muốn làm được điều này, cần bắt đầu bằng việc xây dựng các tuyến đường, cảng và sân bay tốt và hiệu quả hơn. Đồng thời, giải pháp không kém phần quan trọng là hiện đại hóa các phương tiện xe cơ giới. Chúng ta không muốn thấy những chiếc xe tải xuống cấp chạy trên những con đường được xây to, đẹp.

Tuy nhiên, tất cả các quý vị cũng biết để lưu thông hàng hoá, chúng ta không chỉ cần cơ sở hạ tầng và phương tiện, mà còn phải nâng cao chất lượng của nền hành chính công. Thông thường, chi phí thương mại sẽ gia tăng nếu có chậm trễ trong khâu kiểm tra hàng hoá hoặc thuế và phí cao. Đáng tiếc là Việt Nam lại đang gặp phải những hạn chế này. Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 vừa được công bố gần đây cho thấy Việt Nam chỉ xếp thứ 104 trong số 190 quốc gia (sau Singapore (47), Thái Lan (62) và Malaysia (49)) về chất lượng các thủ tục qua biên giới. Chất lượng các mặt hàng thực phẩm, bao gồm hàng dễ hư hỏng, phụ thuộc rất nhiều vào thời gian thông quan.

Theo kinh nghiệm toàn cầu của Ngân hàng Thế giới và các báo cáo phân tích gần đây, có thể cải thiện đáng kể các thủ tục hành chính thương mại bằng cách (a) sử dụng các công nghệ đột phá như tự động hóa, blockchain và Internet vạn vật (IoT), và (b) phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chính phủ tại trung ương và địa phương.  

·       Thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ đột phá. Một số quốc gia đã sử dụng các công nghệ như tự động hóa, blockchain và IoT để nhảy cóc và nâng cao hiệu quả ngành dịch vụ logistics. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics, ngay cả ở Việt Nam, đang áp dụng ngày càng nhiều tự động hóa vào hoạt động của mình trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi được biết Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc đang hợp tác thí điểm sử dụng công nghệ blockchain để cải thiện và đơn giản hóa thủ tục giữa hai nước, nhờ đó sẽ cải thiện hoạt động thương mại qua biên giới. Ngân hàng Thế giới cũng đã thí điểm trong chuỗi giá trị cà phê tại Việt Nam để chứng minh việc sử dụng công nghệ blockchain có thể tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hoá đến các nông dân sản xuất và cũng có thể cải thiện thủ tục hải quan. Internet vạn vật đã giúp một số nông dân trồng lúa ở Việt Nam sử dụng các cảm biến từ xa để tưới tiết kiệm nước và giảm lượng khí thải carbon.

·       Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chính phủ tại trung ương và địa phương. Sự phối hợp này rất quan trọng vì quy trình thông quan liên quan đến nhiều bên, từ những người phụ trách cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại và giao thông (ví dụ như cảng, đường sắt, đường bộ và sân bay) đến những người chịu trách nhiệm kiểm tra vệ sinh dịch tễ và y tế.

Để kết thúc bài phát biểu, tôi xin bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ là nếu tập trung vào hai vấn đề chính mà tôi đã nhấn mạnh, chúng ta có thể cải thiện đáng kể hiệu quả ngành dịch vụ logistics của Việt Nam và nhờ đó sẽ thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp. Nhóm Ngân hàng Thế giới đang tham gia tích cực trong chương trình về thương mại và logistics tại Việt Nam với việc chuẩn bị phát hành báo cáo mới có tiêu đề “Báo cáo phát triển Việt Nam 2019: Kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung”, trong đó đưa ra giải pháp để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng hơn vào các thị trường toàn cầu và trong nước. Chúng tôi mong muốn được tăng cường các hoạt động phân tích, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ cho vay hiện nay đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, và tôi xin chúc tất cả các quý vị sẽ có buổi thảo luận hiệu quả vào sáng nay và mong được gặp gỡ, trao đổi với tất cả các quý vị.

Xin cảm ơn!

 

Api
Api